Bỏ hình phạt tử hình là một bước tiến rất dài trong thay đổi chính sách hình sự
Xu hướng giảm, tiến tới loại bỏ hình phạt tử hình không chỉ là yêu cầu của pháp luật quốc tế mà còn là đòi hỏi tất yếu từ chính hệ thống pháp lý quốc gia.
Ngày 27/5, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự. Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ nhất trí với cơ quan soạn thảo về việc bỏ mức án tử hình tại 8/18 tội danh.
Phát biểu thảo luận, đại biểu Thạch Phước Bình - Trà Vinh cho biết, nguyên tắc nền tảng của Hiến pháp, hệ thống pháp luật Việt Nam luôn đề cao giá trị con người và quyền sống là quyền thiêng liêng nhất của mỗi cá nhân, Điều 19 Hiến pháp năm 2013 khẳng định “mọi người có quyền sống, tính mạng con người được pháp luật bảo hộ”. Từ đó. có thể khẳng định xu hướng giảm, tiến tới loại bỏ hình phạt tử hình không chỉ là yêu cầu của pháp luật quốc tế mà còn là đòi hỏi tất yếu từ chính hệ thống pháp lý quốc gia.

Quang cảnh phiên họp
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự đang đề xuất bãi bỏ án tử hình đối với 8/18 tội danh là một bước tiến cụ thể để hiện thực hóa nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam theo Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (ICCPR), một Công ước mà Việt Nam đã phê chuẩn từ năm 1982. Theo Điều 6 của Công ước, các quốc gia chưa bãi bỏ án tử hình chỉ được áp dụng hình phạt này với những tội nghiêm trọng nhất, chủ yếu là các hành vi cố ý tước đoạt mạng sống con người.
Tòa án nhân quyền Châu Âu, Tòa án tối cao Canada và các tổ chức quốc tế như Ủy ban dân nguyện Liên hợp Quốc cũng đã nhiều lần khẳng định rằng tội phạm kinh tế, ma túy, an ninh quốc gia không gây chết người đều không đáp ứng tiêu chí tội nghiêm trọng nhất.
“Như vậy, việc loại bỏ tử hình đối với 8/18 tội danh như tham ô, nhận hối lộ, vận chuyển trái phép chất ma túy, gián điệp trong dự thảo luật không chỉ phù hợp với chuẩn mực nhân quyền quốc tế mà còn là bước đi khẳng định uy tín pháp lý của Việt Nam trên trường quốc tế”-đại biểu đánh giá.
Đại biểu Thạch Phước Bình cũng cho rằng, việc loại bỏ án tử hình có hệ quả tích cực, giảm thiểu rủi ro oan sai, góp phần tăng hiệu quả hợp tác quốc tế nhất là trong dẫn độ tội phạm xuyên quốc gia khi nhiều nước hiện đang từ chối bàn giao nếu nước nhận có hình phạt tử hình. Đồng thời, thể hiện vai trò nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa không dựa trên trừng phạt tối đa mà hướng đến cải tạo, phục hồi và phát triển con người.

Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh)
“Việc giảm và tiến tới loại bỏ hình phạt tử hình không đồng nghĩa với sự nương tay đối với tội phạm, đó là sự thay đổi phương pháp từ trả đũa, trừng trị nghiêm khắc sang cải tạo, từ cưỡng chế tối đa sang quản trị công bằng, đó là cách tiếp cận đúng đắn của một quốc gia hiện đại thượng tôn pháp luật và mang tính nhân văn sâu sắc. Với lập luận vững chắc về pháp lý, nhân quyền, thực tiễn và đạo lý thì việc xây dựng lộ trình 3 giai đoạn như tôi đề xuất để loại bỏ án tử hình đối với những tội danh còn lại hết sức cần thiết, khả thi và phù hợp với xu thế phát triển bền vững của pháp luật Việt Nam”-đại biểu đề nghị
Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí - TP Hà Nội, ở nội dung sửa đổi lần này có một điểm rất quan trọng, đó là bổ sung thêm hình phạt nữa đối với người phạm tội là tù chung thân không xét giảm án. “Thực chất, đây là thu hẹp hình phạt tử hình và như phát biểu của một số đại biểu khi thảo luận tổ coi như là tử hình treo. Tôi nhận thấy việc quy định này sẽ làm xét xử được hợp lý hơn và hình phạt phải nói rất cân não, đó là tử hình”. Đại biểu chia sẻ và cho biết đây là ý kiến của một vị làm chánh án nhiều năm phát biểu ở đoàn Quốc hội Hà Nội. “Nhiều khi có những tội rất khó, nếu tử hình nặng quá nhưng chung thân thì hơi nhẹ. Bây giờ có thêm một hình phạt ở giữa phải nói làm cho khi xét xử hợp lý hơn”-đại biểu đánh giá.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng đánh giá, việc bổ sung thêm hình phạt tù chung thân không giảm án sẽ đạt được ý nghĩa giáo dục, răn đe, vì đã đạt được việc loại trừ kẻ phạm tội ra khỏi đời sống xã hội, đúng với quan điểm của Đảng và nguyện vọng của đa số người dân, và rất nhân văn. “Như chúng ta đã thấy, một bộ luật đảm bảo được sự nghiêm khắc với tội phạm nhưng thể hiện được sự nhân đạo, phù hợp với ý chí của nhân dân thì đó là một bộ luật nhân văn của một quốc gia văn minh”-đại biểu nêu quan điểm.
Góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Hải Dương cho biết, việc bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội danh trong dự thảo luật được người dân và đại biểu Quốc hội quan tâm sâu sắc bởi hình phạt tử hình không chỉ là mức chế tài cao nhất trong hệ thống hình phạt của nước ta mà còn là biểu tượng của công lý, của sự phẫn nộ xã hội trước những hành vi đặc biệt nghiêm trọng.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương)
Theo đại biểu, việc giảm hoặc loại bỏ hình phạt này luôn gợi ra những băn khoăn về tính răn đe, về khả năng phòng ngừa tội phạm cũng như tác động tâm lý xã hội. Dẫn chứng về tiến trình phát triển của xã hội từ năm 1999 đến nay, qua các lần sửa đổi số lượng tội danh có mức hình phạt cao nhất là tử hình đã giảm từ 29 tội xuống còn 18 tội trong Bộ luật Hình sự hiện hành, đại biểu cho biết xu hướng dần thu hẹp việc áp dụng hình phạt tử hình với một số đối tượng như người chưa thành niên, phụ nữ có thai, nuôi con nhỏ, người cao tuổi. Cho rằng quy định như vậy phù hợp với xu hướng hệ thống pháp luật quốc tế, nhiều quốc gia đã xóa hình phạt tử hình hoặc hạn chế áp dụng ở mức tối đa, đại biểu cho rằng, điều này khẳng định chính sách hình sự tiến bộ và nhân đạo của Việt Nam.
Đặc biệt là với một số tội danh, việc áp dụng hình phạt tử hình không thật sự cần thiết và hiệu quả hoặc có một số tội danh trên thực tế ta hầu như không áp dụng. “Tôi cho rằng, chúng ta cũng cần nhìn nhận một cách công bằng rằng việc bỏ hình phạt tử hình trong một số tội danh không có nghĩa là khoan dung với tội phạm mà là sự điều chỉnh phù hợp với bối cảnh pháp lý, nhận thức nhân quyền, thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm hiện nay”-đại biểu nhấn mạnh. Tuy nhiên, theo đại biểu, việc bỏ hình phạt tử hình đối với tội danh nào cần có sự xem xét kỹ lưỡng dựa trên các đánh giá khoa học và toàn diện về tính chất, mức độ nguy hiểm, về tình hình tội phạm và thực tiễn áp dụng khi xét xử để không làm giảm tính răn đe của pháp luật.
Cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng - Bà Rịa - Vũng Tàu tán thành cao việc loại bỏ, hạn chế tối đa hình phạt tử hình, phù hợp với chủ trương lãnh đạo của Đảng đã được các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, rà soát một cách kỹ lưỡng. “Tôi đánh giá đây là một tiến bộ quan trọng của Việt Nam trong quá trình lập pháp, hội nhập, ngày càng tiến tới văn minh, nhân đạo, bảo đảm nâng cao quyền con người trong thời đại mới, phù hợp với xu thế chung của pháp luật các nước khác trên thế giới”.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long giải trình ý kiến các đại biểu góp ý
Giải trình các ý kiến đại biểu nêu tại phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cũng cho biết, trong quá trình đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung Bộ Luật Hình sự, Bộ Công an đã tham mưu cho Chính phủ có cân nhắc tương đối kỹ nhiều mặt, ví dụ chúng ta phải bám sát và tiếp tục thể chế hóa quan điểm của Đảng về chính sách hình sự, trong đó có yêu cầu mà chúng ta đặt ra từ năm 2002 đến 2005 là Nghị quyết 49 giảm các án tử hình và tăng hình phạt tiền và các hình phạt thay thế.
“Về thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm của các cơ quan tố tụng từ Bộ Công an đến Viện kiểm sát, Tòa án và các cơ quan có liên quan trong quá trình tố tụng cần cân nhắc kỹ điều này, tôi nói ví dụ như đề xuất bỏ án tử hình trong 8 tội danh, đến năm 2024 con số chúng tôi kiểm đếm ra đây có thể lệch lạc vài con số, tuy nhiên đã có 142/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc bỏ án tử hình trong quy định hoặc trên thực tế có quy định nhưng không áp dụng. Đối với chúng ta, con số có thể khác nhau một chút, kỳ này chúng ta bỏ 8 tội danh hình phạt tử hình nữa thì có thể nói là một bước tiến rất dài trong quan điểm của chúng ta về chính sách hình sự đối với một số tội. Nếu năm 1985 Bộ luật Hình sự đầu tiên của chúng ta, nước Việt Nam thống nhất vào thời đó chúng ta có 44, đến năm 1999 còn 29, năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 còn 18, kỳ này nếu Quốc hội cho phép trừ đi 8 nữa còn 10, đây là một bước tiến rất dài trong thay đổi quan niệm của chúng ta trong chính sách hình sự, đặc biệt đối với hình phạt nghiêm trọng nhất là tước bỏ quyền sống của con người”-Phó Thủ tướng Lê Thành Long thông tin.