Bộ Kế hoạch và Đầu tư dẫn đầu về chuyển đổi số 2022 khối bộ, ngành
Tại phiên họp của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số vừa diễn ra, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố kết quả, xếp hạng mức độ chuyển đổi số các bộ, ngành, địa phương năm 2022.
Năm 2022, 100% các bộ, tỉnh đều có chỉ số tăng so với năm 2021, phản ánh tương đối việc cả hệ thống chính quyền các cấp đều nỗ lực, nhưng mức độ khác nhau sẽ cho kết quả khác nhau.
Theo đó, chỉ số chuyển đổi số quốc gia năm 2022 là 0,71. So với năm 2021, tốc độ tăng trưởng chỉ số chuyển đổi số quốc gia năm 2022 có chậm lại, nhưng các chỉ số thành phần về chính phủ số, kinh tế số và xã hội số vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao từ 45%-55%. Điều này có nghĩa là càng lên mức cao, việc tăng điểm sẽ càng khó khăn.
Chỉ số chuyển đổi số ở khối bộ, ngành (có cung cấp dịch vụ công): Bộ Kế hoạch và Đầu tư sau 2 năm xếp thứ 2 và 3 đã vươn lên vị trí dẫn đầu một cách tuyệt đối.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đứng số 1 ở tất cả chỉ số chính, chẳng hạn: Người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo triển khai nền tảng số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào hoạt động quản lý nhà nước; Bộ đổi tên Trung tâm Tin học thành Trung tâm công nghệ thông tin và chuyển đổi số; Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm tiếp nhận 11,9 triệu lượt giao dịch truy vấn đến, chỉ xếp sau các dịch vụ liên quan đến hộ tịch, dân cư và bảo hiểm xã hội; các hệ thống thông tin của Bộ đã thực hiện gần 197.000 lượt giao dịch truy vấn đi đến các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu khác.
Sau 2 năm dẫn đầu, đến năm 2022, Bộ Tài chính giảm hạng 1 bậc, xếp thứ 2. Tiếp sau là các bộ, ngành: Tài nguyên và Môi trường; Ngân hàng Nhà nước; Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Xếp cuối bảng trong danh sách (gồm 17 bộ, ngành) là Bộ Khoa học và Công nghệ, giảm 3 bậc so với năm 2021.
Với khối bộ, ngành không cung cấp dịch vụ công: Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam xếp thứ nhất. Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tăng 6 bậc, từ xếp cuối vào năm 2021 lên xếp thứ 2.
Ở khối địa phương: Thành phố Đà Nẵng có năm thứ 3 liên tiếp xếp ở vị trí số 1. Tiếp theo lần lượt là 9 địa phương trong tốp 10: Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Thừa Thiên-Huế, Cần Thơ, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang, Nam Định.
10 địa phương xếp cuối bảng, từ vị trí thứ 54 đến vị trí thứ 63, lần lượt là: An Giang, Quảng Trị, Thái Bình, Hà Giang, Cà Mau, Phú Yên, Bạc Liêu, Cao Bằng, Gia Lai, Bắc Kạn.
14 địa phương dẫn đầu về thể chế số gồm: Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Thừa Thiên-Huế, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Quảng Ngãi, Bình Định, Hưng Yên, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu.
Về hạ tầng số, 10 địa phương dẫn đầu gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Long, Bình Dương, Hậu Giang.
Về nhân lực số, 10 địa phương dẫn đầu gồm: Đà Nẵng, Hà Nam, Long An, Tiền Giang, Cần Thơ, Điện Biên, Trà Vinh, Lạng Sơn, Bình Dương, Yên Bái.