Bộ KH&CN muốn có công viên dựng tượng đài các nhà khoa học có cống hiến

'Bộ KH&CN sẽ đề xuất Chính phủ xây dựng một công viên với các tượng đài của các nhà khoa học Việt Nam có thành tựu nghiên cứu, có đóng góp xuất sắc cho đất nước và thế giới', Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Video chương trình Ngày hội Khoa học và Công nghệ Việt Nam:

5 ngón tay trong 1 bàn tay

Tại buổi lễ khai mạc chương trình Ngày hội Khoa học và Công nghệ Việt Nam diễn ra chiều 16/5, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã có bài phát biểu đầy cảm xúc về sứ mệnh của ngành KHCN, về khát vọng hôm nay của những con người làm khoa học, công nghệ cho mục tiêu "Việt Nam 100 năm".

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại buổi lễ khai mạc Ngày hội Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Ảnh: Lê Anh Dũng

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại buổi lễ khai mạc Ngày hội Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Ảnh: Lê Anh Dũng

Ông nói: "Khoa học không chỉ nằm trong phòng thí nghiệm, trên trang sách, mà phải đi vào cuộc sống, giải những bài toán lớn của quốc gia, mang lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân".

Nghị quyết 57 đã xác định khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS) phải thực sự trở thành đột phá chiến lược, động lực chính để đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Trong công cuộc kiến tạo tương lai mới của đất nước, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đặc biệt trăn trở về giấc mơ và khát vọng vươn xa của trong "mỗi chúng ta" ngày nay.

“Bao giờ cho tới ngày xưa" là câu chúng ta hay nói với nhau. Sao bây giờ cứ kém ngày xưa, người bây giờ không giỏi bằng người ngày xưa, không có tinh thần hy sinh như ngày xưa", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng băn khoăn.

“Ngày xưa, giấc mơ, khát vọng của con người lớn hơn rất nhiều so với những gì họ đang có trong tay. Ngày nay, chúng ta giàu có hơn, có nhiều thứ trong tay hơn, có nhiều công cụ hơn thì giấc mơ phải lớn hơn ngày xưa, lớn hơn rất nhiều so với những gì đang có. Như vậy, chúng ta sẽ lại có được tinh thần ngày xưa ấy, lại giỏi giang như thế và hơn thế, phụng sự nhiều hơn”, Bộ trưởng Bộ KH&CN phân tích.

Ông nhìn nhận: “Khi giấc mơ đã lớn, việc đã đủ lớn, đủ khó, lại có tiền nữa thì chúng ta có thể thu hút tri thức toàn cầu, các nhà khoa học, công nghệ toàn cầu tham gia giải các bài toán lớn của Việt Nam. Qua đó, KHCN của nước nhà phát triển và đất nước phát triển”.

Theo Bộ trưởng, các nhà KHCN có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước, của nhân loại phải được tôn vinh muôn đời. Ông cho hay: "Bộ KH&CN sẽ đề xuất Chính phủ xây dựng một công viên với các tượng đài của các nhà KHCN có thành tựu nghiên cứu, có đóng góp xuất sắc cho đất nước và thế giới. Giống như các quốc gia có nghĩa trang danh nhân, nghĩa trang nhà khoa học nổi tiếng".

Cùng đó, sứ mệnh của Bộ KH&CN bây giờ sẽ phải gánh trọng trách lớn hơn rất nhiều.

"Bộ KH&CN bây giờ là 5 ngón tay trên một bàn tay: Khoa học công nghệ; Sở hữu trí tuệ; Đổi mới sáng tạo; Tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng; Chuyển đổi số”, Bộ trưởng cho biết.

Khoa học công nghệ là cái máy cái sản xuất ra tri thức; Sở hữu trí tuệ là biến cái tri thức đó thành tài sản để giao dịch được, tạo thành trị trường tài sản trí tuệ, giúp cho tri thức ra khỏi phòng thí nghiệm và đi xa được; Đổi mới sáng tạo là mang cái trí ấy sáng tạo ra sản phẩm, của cải cho xã hội; Tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng là sự đảm bảo hình hài, chất lượng cho sản phẩm hàng loạt; Chuyển đổi số là môi trường mới, mảnh đất mới, công cụ mới cho sự phát triển.

“5 ngón tay này là một chỉnh thể toàn diện cho KHCN phát triển”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Không gì tự hào hơn khi được đóng góp trí tuệ cho đất nước phát triển

Đại diện các viện nghiên cứu và các doanh nghiệp công nghệ số cũng chia sẻ những câu chuyện đầy cảm hứng cống hiến trong hành trình sáng tạo và vươn ra thế giới của mình.

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tham quan triển lãm thành tựu KHCN Việt Nam. Ảnh: Lê Anh Dũng

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tham quan triển lãm thành tựu KHCN Việt Nam. Ảnh: Lê Anh Dũng

Tại buổi lễ, PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, bày tỏ những điều bà tâm đắc nhất ở Nghị quyết 57. Nữ nhà khoa học cho biết: "Việc cởi trói thể chế, khuyến khích ĐMST sẽ giúp các nhà khoa học có môi trường pháp lý thuận lợi hơn để triển khai các dự án nghiên cứu chuyên sâu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, đặc biệt là dám thử thách với rủi ro để sáng tạo. Như vậy, các nhà khoa học mới có thể phát huy tinh thần “dám nghĩ, dám làm”, hay đúng hơn là “dám đề xuất” những ý tưởng mới. Có như vậy, khoa học mới đi trước và dẫn dắt cho sản xuất phát triển".

PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, chia sẻ tại buổi lễ. Ảnh: Bộ KH&CN

PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, chia sẻ tại buổi lễ. Ảnh: Bộ KH&CN

Bàn về giải pháp tăng tốc chuyển đổi số cho các ngành, bà Đặng Thị Ánh Tuyết, Tổng Giám đốc Công ty CP MedCAT, cho biết đơn vị đã gặt hái nhiều thành công với nền tảng tái cấu trúc dữ liệu thông minh IDUS, mô hình giúp tái cấu trúc hóa mọi dữ liệu với độ chính xác cao đến 97%.

“Chặng đường phía trước của chúng tôi còn rất dài. Nhưng việc quan trọng là chúng tôi tìm ra bài toán đủ lớn để hỗ trợ doanh nghiệp. Chính nhờ những bài toán này mà công ty đã thu hút được nhiều nhân tài. Đó là các tiến sĩ học tập và làm việc tại nước ngoài đã trở về làm việc cho công ty, là các thủ khoa, á khoa các trường đại học đã đầu quân về công ty. Họ đang rất đam mê với bài toán của MedCAT đặt ra”, bà Tuyết nói.

Bà Đặng Thị Ánh Tuyết, Tổng Giám đốc Công ty CP MedCAT phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Bộ KH&CN

Bà Đặng Thị Ánh Tuyết, Tổng Giám đốc Công ty CP MedCAT phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Bộ KH&CN

Nữ doanh nghiệp trẻ nhìn nhận: “Những người giỏi thì rất cần có bài toán đủ lớn để giải. Khi tập hợp lực lượng tốt, chúng tôi xây dựng được nền công nghệ lõi đủ tốt".

Bà Tuyết cho biết, một sự khác biệt trong quá trình này là đơn vị nhận được nhiều sự quan tâm của các bộ, ngành. “Khi có Nghị quyết 57 và Nghị quyết 68, chúng tôi thực sự cảm thấy môi trường cho KHCN, ĐMST đang được thúc đẩy. Chúng tôi từng bước được tham gia xây dựng sandbox. Có cơ chế chính sách như vậy, tôi tin rằng rất nhiều doanh nghiệp KHCN, ĐMST sẽ có cơ hội phát triển hơn nữa”, bà Tuyết nói.

“Không gì tự hào hơn, hạnh phúc hơn là được mang trí tuệ, kiến thức của mình góp cho sự phát triển của đất nước. Đó là sự đóng góp cho những người thân yêu của mình và cho chính mình”, bà Tuyết bày tỏ.

Cũng tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Mai Hương, Giám đốc vận hành Công ty CP Công nghệ Hachi Việt Nam đã chia sẻ về sứ mệnh 8 năm đồng hành cùng người nông dân Việt Nam.

“Người nông dân không thể đứng một mình. Họ cần được tiếp cận với công nghệ, với thị trường, với tri thức và đặc biệt là với những mô hình nông nghiệp thông minh, chi phí phù hợp, dễ tiếp cận. Khi công nghệ chạm đến tay người nông dân, đó không chỉ là chuyển đổi số. Đó là chuyển đổi niềm tin, là sự phục hồi của tinh thần nông dân, là niềm tự hào làm nông nghiệp thời đại mới”, bà Hương nhấn mạnh.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng đánh giá: "Những thành tựu KHCN của Việt Nam là minh chứng sống động cho trí tuệ, lòng say mê và nhiệt huyết cống hiến của các nhà tri thức, các nhà khoa học Việt Nam".

Lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học và doanh nghiệp công nghệ, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng đã nêu 8 giải pháp cần triển khai đồng bộ để thúc đẩy ngành KHCN phát triển. Ông cũng nhấn mạnh: “Cần khơi dậy niềm đam mê KHCN, hình thành văn hóa ĐMST trong toàn xã hội và tôn vinh các nhà khoa học, các sáng kiến, mô hình thành công, tạo động lực và truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ".

Vinh danh Top 10 sản phẩm KH&CN tiêu biểu năm 2024

Trong khuôn khổ Ngày hội Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bộ KH&CN đã tổ chức tôn vinh Top 10 sản phẩm KHCNT tiêu biểu trong các ngành, lĩnh vực năm 2024 như sau:

10 tập thể, cá nhân với 10 sản phẩm KHCN, có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển KHCN được vinh danh tại Ngày hội Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Ảnh. Lê Anh Dũng

1. Nghiên cứu chuyển đổi số mô hình đảm bảo kỹ thuật cho vũ khí trang bị kỹ thuật, góp phần thay đổi hoạt động CNTT, quy trình quản lý trong ngành xe máy - PGS.TS Nguyễn Trung Kiên - Học viện Kỹ thuật quân sự

2. Robot chữa cháy công trình công nghiệp - Trung tướng, PGS.TS Lê Quang Bốn - Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy

3. Thuốc chữa ung thư - bà Phạm Thị Thanh Hương, TGĐ Công ty CP Dược- Trang thiết bị Y tế Bình Định

4. Bộ sản phẩm phụ gia đa năng tiên tiến tiết giảm nhiên liệu, giảm phát thải CO2 và khí gây ô nhiễm từ hoạt động sử dụng nhiên liệu - GS.TS Vũ Thị Thu Hà

5. Sản phẩm iGate SX W50-Q - ông Nguyễn Việt Bằng, Phó TGĐ Công ty Công nghệ công nghiệp Bưu chính Viễn thông

6. Sản phẩm nền tảng đọc hiểu và tái cấu trúc dữ liệu thông minh IDUS - bà Đặng Thị Ánh Tuyết, TGĐ Công ty CP MedCAT

7. Nghiên cứu ứng dụng để sản xuất thức ăn chức năng Specifi trong nuôi tôm thẻ chân trắng và tôm sú - ông Mai Văn Hoàng, TGĐ Công ty CP Thủy sản công nghệ cao Growmax

8. Bộ Kit multiplex RT-PCR chẩn đoán đồng thời virus CSFV gây bệnh dịch tả lợn cổ điển và virus PEDV gây bệnh tiêu chảy cấp ở lợn - TS Đoàn Thị Thanh Hương - Viện Sinh học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam

9. Sản phẩm Stent- bà Võ Xuân Bội Lâm, Chủ tịch Công ty CP nhà máy trang thiết bị y tế USM Healthcare

10. Sản phẩm xe cứu hộ khẩn cấp và thay thế lốp Avandy - ông Đào Văn Minh

9 công trình đạt giải Sáng kiến Khoa học 2025

Cuộc thi Sáng kiến Khoa học năm 2025 có chủ đề "Sáng kiến Xanh" nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5 do Báo VnExpress tổ chức. Kết quả được trao như sau:

1. Trạm lắp ráp thông minh nâng cao hiệu suất làm việc cho công nhân - Nhóm sinh viên chuyên ngành Quản lý kỹ thuật công nghiệp - Khoa Máy tàu biển, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam: Giải Nhất hạng mục nhà khoa học không chuyên

2. Hệ thu hồi nước đa tầng phục vụ vùng biển đảo - Nhóm nghiên cứu Học viện Quân y: Giải Nhì hạng mục nhà khoa học chuyên

3. Chế phẩm sinh học BIO ECOS - nhóm tác giả EcoBio Materials Lab, Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng: Giải Ba hạng mục nhà khoa học chuyên

4. Tác động của công nghệ cắt hủy nhiệt bằng laser lên khối u nguyên bào thần kinh ở trẻ em - Trường Đại học Khoa học Sức khỏe, ĐHQG - TP HCM phối hợp cùng Bệnh viện Nhi Đồng TP HCM: Giải Nhì hạng mục nhà khoa học không chuyên

5. Chuyển hóa tro bay từ nhà máy nhiệt điện thành chế phẩm hữu cơ - nhóm học sinh THPT Lê Quý Đôn, Đống Đa, Hà Nội: Giải Ba hạng mục nhà khoa học không chuyên

6. Hệ thống chẩn đoán bệnh từ xa ứng dụng trí tuệ nhân tạo - VNSmarthealth - tác giả Trần Nguyễn Tuấn Anh (Đồng Nai): Công trình giành giải Sáng kiến Xanh

7. Công nghệ sản xuất netzero pallet làm từ vỏ dừa - Công ty Cổ phần Veritas: Giải Sáng kiến doanh nghiệp tiêu biểu

8. Công nghệ hàn đinh neo- kỹ sư Trần Văn An và đội ngũ chuyên gia tại Công ty Nam Vượng: Giải Sáng kiến doanh nghiệp tiêu biểu

9. Công nghệ tái chế pin năng lượng mặt trời phế thải - Công ty Cổ phần 5RTECH: Giải Sáng kiến doanh nghiệp tiêu biểu

Phạm Huyền

Lê Anh Dũng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/bo-kh-cn-muon-co-cong-vien-dung-tuong-dai-cac-nha-khoa-hoc-co-cong-hien-2401950.html