Bộ KH-ĐT nêu lý do đề xuất bỏ Hội đồng nhân dân cấp quận, phường ở Đà Nẵng
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất phương án bỏ Hội đồng nhân dân cấp quận, huyện; phường, xã trong quá trình thí điểm xây dựng chính quyền đô thị ở TP Đà Nẵng.
Đà Nẵng được đề xuất thí điểm mô hình chính quyền đô thị với việc bỏ Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp quận, huyện và phường xã. Đây là một trong những nội dung quan trọng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đưa ra tại dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mà cơ quan này đang soạn thảo.
Theo Bộ KH-ĐT, việc thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Đà Nẵng với mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của các cấp chính quyền TP và chất lượng, hiệu quả cung ứng dịch vụ công; phù hợp với đặc điểm, tính chất của đô thị và khu vực nông thôn đang trong quá trình đô thị hóa. Đồng thời, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền đô thị; huy động cao nhất mọi nguồn lực cho sự phát triển bền vững, thúc đẩy việc hình thành đô thị văn minh, hiện đại.
Việc thí điểm cũng sẽ góp phần tích cực vào việc cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường thu hút đầu tư trong và ngoài nước, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động…
Trong quá trình xây dựng dự thảo và đề xuất của UBND TP Đà Nẵng về nội dung Nghị quyết của Quốc hội, Bộ KH-ĐT đưa ra 2 phương án về thí điểm tổ chức chính quyền tại TP Đà Nẵng.
Phương án 1, xây dựng mô hình tổ chức 1 cấp chính quyền (cấp TP) và 2 cấp hành chính (quận, huyện và phường, xã). Với phương án này, tổ chức chính quyền cấp TP Đà Nẵng là một cấp chính quyền gồm HĐNQ và UBND theo quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương. Tổ chức các cơ quan chuyên môn của UBND TP căn cứ theo các quy định của Chính phủ.
"Việc thực hiện các nội dung trên phải gắn với việc sắp xếp bộ máy tổ chức, tinh giản biên chế, cải cách tiền lương theo chủ trương của Đảng, Nhà nước"- Bộ KH-ĐT nhấn mạnh.
Đối với cấp quận và huyện, dự thảo đề xuất phương án thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND tại quận, huyện bắt đầu từ nhiệm kỳ 2021-2026, chỉ tổ chức cơ quan hành chính theo thiết chế UBND. Đây là mô hình TP Đà Nẵng đã thí điểm có kết quả trong giai đoạn 2008-2016.
Theo lý giải của cơ quan soạn thảo về việc bỏ HĐND cấp quận, huyện là bởi cơ quan HĐND ở quận, đặc biệt là các quận lõi của TP đã đô thị hóa cao, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng tương đối hoàn chỉnh trong quá trình phát triển, không thể quyết định được những vấn đề kinh tế - xã hội riêng của quận, mà phải do HĐND TP quyết định để bảo đảm tính thống nhất, thông suốt trong quản lý đô thị.
Mặt khác, cũng do đặc điểm của đô thị, việc quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương và giám sát của HĐND quận, huyện ở mức độ nào đó còn hình thức. Do vậy, việc tiếp tục thí điểm không tổ chức HĐND quận cũng phù hợp với đặc điểm, đối tượng quản lý của chính quyền đô thị.
Cơ quan soạn thảo cũng đề cập đến huyện Hòa Vang đã và đang trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng. Hiện nay, chính quyền TP đã quyết định chi phối sự phát triển cả TP do HĐND TP quyết định theo thẩm quyền. Chính quyền huyện chủ yếu tổ chức thực hiện các quyết định của cấp trên và chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động của chính quyền xã, thị trấn. Do vậy, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của chính quyền cấp huyện đã thay đổi và thu hẹp.
Tại phường, xã, Bộ KH-ĐT đề xuất không tổ chức HĐND ở phường, xã, chỉ tổ chức cơ quan hành chính theo thiết chế UBND. Theo Bộ KH-ĐT, trong thực tế, HĐND phường hoạt động còn hạn chế về hiệu lực, hiệu quả trong một số lĩnh vực, hoạt động giám sát còn hình thức. Trong khí đó, hoạt động quản lý, điều hành đòi hỏi giải quyết vấn đề nhanh nhạy, thống nhất và thông suốt trên địa bàn đô thị. Do vậy, thí điểm tổ chức một cấp hành chính là phù hợp.
Phương án 2, Bộ KH-ĐT đề xuất xây dựng mô hình tổ chức 2 cấp chính quyền (cấp TP và quận) và 1 cấp hành chính (áp dụng đối với phường thuộc quận).
Thực hiện chính sách theo phương án 2, mô hình các cấp chính quyền đô thị TP Đà Nẵng được thiết kế như sau: Đối với chính quyền cấp TP, sẽ thực hiện như hiện nay, là một cấp chính quyền gồm có HĐND và UBND. Tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP thực hiện như phương án 1.
Tương tự, tại quận cũng cơ bản thực hiện như hiện nay, là một cấp chính quyền gồm có HĐND và UBND. Tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận thực hiện như phương án 1. Điểm mới của phương án này là HĐND và UBND cấp quận sẽ được bổ sung thêm một số nhiệm vụ, quyền hạn, bởi không tổ chức HĐND ở cấp phường.
Tại phường, UBND phường khi thực hiện thí điểm là cơ quan hành chính trực thuộc UBND quận đặt tại địa bàn phường. Việc quy định thí điểm việc không tổ chức HĐND phường tại TP bắt đầu từ nhiệm kỳ 2021-2026. Theo đó, tại những nơi thực hiện thí điểm, HĐND phường chấm dứt hoạt động khi nhiệm kỳ 2016-2021 kết thúc. UBND phường nhiệm kỳ 2016-2021 tiếp tục hoạt động cho đến khi UBND phường nhiệm kỳ 2021-2026 được thành lập.
Khi không tổ chức HĐND phường thì vị trí, chức năng của UBND phường cũng đã thay đổi. Cụ thể, UBND phường nơi không tổ chức HĐND là cơ quan hành chính nhà nước trực thuộc UBND quận, thực hiện các nhiệm vụ hành chính nhà nước và cung cấp dịch vụ công theo quy định của Nghị quyết này và theo phân cấp, ủy quyền của UBND, Chủ tịch UBND quận, bảo đảm sự chỉ đạo, quản lý thống nhất trong bộ máy hành chính nhà nước từ trung ương đến cơ sở.
Bộ KH-ĐT cũng lưu ý, riêng mô hình quản lý hành chính, lãnh thổ của huyện Hoàng Sa vẫn giữ nguyên như hiện nay cho đến khi Trung ương có chủ trương, quy định mới. UBND huyện Hoàng Sa vẫn tiếp tục được tổ chức như hiện nay nhằm phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn TP tiếp tục duy trì công tác đấu tranh, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. UBND huyện Hoàng Sa được tổ chức Văn phòng UBND huyện để tham mưu, giúp việc triển khai công tác quản lý nhà nước; có đơn vị sự nghiệp công phục vụ công tác tuyên truyền, sưu tầm, quảng bá, giới thiệu tư liệu huyện Hoàng Sa.