Bộ Khoa học và Công nghệ phản hồi về những phản ánh của doanh nghiệp thép không gỉ

Ngay sau khi ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thép không gỉ (QCVN 20:2019/BKHCN), đã xuất hiện hai luồng ý kiến trái chiều từ cộng đồng doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ngành hàng thép không gỉ...

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trước những phản ánh của doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh thép không gỉ (inox) liên quan đến bất cập của quy chuẩn 20 (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thép không gỉ (QCVN 20:2019/BKHCN) làm khó doanh nghiệp, và thông tin Bộ Khoa học và Công nghệ báo cáo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang là chưa phản ánh đầy đủ các vấn đề, kiến nghị doanh nghiệp đặt ra trong buổi đối thoại của Bộ với các doanh nghiệp trước đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã thông tin về vấn đề. Nhóm 28 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thép không gỉ trước đó đã có đơn gửi Phó Thủ tướng xung quanh những vấn đề này.

CƠ SỞ, LÝ DO BAN HÀNH QUY CHUẨN 20 VỀ THÉP KHÔNG GỈ

Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết lý do ban hành quy chuẩn 20 nhằm đảm bảo chất lượng thép không gỉ trong sản xuất, hạn chế những sản phẩm thép không gỉ kém chất lượng; đảm bảo quyền lợi, tính an toàn đối với tài sản người sử dụng.

Việc ban hành quy chuẩn cũng giúp tăng tính minh bạch, chống gian lận thương mại, từ đó tăng thu hút đầu tư vào sản xuất thép không gỉ chất lượng cao tại Việt Nam, từng bước nâng cao năng lực sản xuất trong nước.

Từng bước nâng tầm chất lượng sản phẩm hàng hóa trong nước thông qua sản xuất các sản phẩm hàng hóa phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia của các nước, tiêu chuẩn quốc tế (ISO), tiêu chuẩn của các hiệp hội lớn trên thế giới (tiêu chuẩn ASTM, tiêu chuẩn SAE...).

Bộ cũng dẫn thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam, các quốc gia như Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc, Anh… đều yêu cầu phải có chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn của quốc gia mới được nhập khẩu nhằm tăng cường kiểm soát thép nhập khẩu và ngăn chặn nhập sản phẩm kém chất lượng như một biện pháp phòng vệ thương mại.

Dẫn các quy định tại Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 sửa đổi Điều 3 Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định về sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng quy chuẩn này phù hợp với quy định pháp luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, pháp luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Thép không gỉ được Bộ Khoa học và Công nghệ xác định thuộc danh mục hàng hóa nhóm 2 do đó là sản phẩm, nguyên liệu có khả năng gây mất an toàn.

Quá trình xây dựng QCVN 20:2019/BKHCN đã tuân thủ theo quy định của pháp luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Dự thảo quy chuẩn này cũng đã được gửi lấy ý kiến Hiệp hội Thép Việt Nam, một số doanh nghiệp, cơ quan quản lý (Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Y tế, Tổng cục Hải quan), Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, VCCI, một số tổ chức đánh giá sự phù hợp và nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép không gỉ.

Dự thảo quy chuẩn được đăng trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Khoa học và Công nghệ để lấy ý kiến góp ý là 60 ngày. Đồng thời, quy chuẩn này cũng đã được Thông báo cho các nước thành viên WTO theo quy định tại Hiệp định WTO/TBT.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thép không gỉ (QCVN 20:2019/BKHCN và Sửa đổi 1:2021 QCVN 20:2019/BKHCN) được Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng theo đúng quy định pháp luật hiện hành và phù hợp thông lệ quốc tế.

CÓ GIẢI PHÁP HÀI HÒA LỢI ÍCH CÁC DOANH NGHIỆP, PHÙ HỢP THÔNG LỆ, ĐÁP ỨNG YÊU CẦU QUẢN LÝ

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, ngay sau khi ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thép không gỉ (QCVN 20:2019/BKHCN), đã xuất hiện hai luồng ý kiến trái chiều nhau từ cộng đồng doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ngành hàng thép không gỉ.

Nhóm thứ nhất thể hiện sự ủng hộ áp dụng QCVN 20:2019/BKHCN. Nhóm doanh nghiệp khác phản đối việc áp dụng quy chuẩn kỹ thuật trên. Các doanh nghiệp này chủ yếu nhập khẩu sản phẩm thép không gỉ không đáp ứng các quy định tại QCVN 20:2019/BKHCN, Bộ Khoa học và Công nghệ nêu.

Nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện cho nhóm các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm thép không gỉ cấp thấp có đủ thời gian điều chỉnh công nghệ, cải tiến dòng sản phẩm thép không gỉ nhập khẩu đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thép không gỉ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 03/2020/TT-BKHCN ngày 10/8/2020 ngưng hiệu lực thi hành QCVN 20:2019/BKHCN.

Sau đó, ngày 01/11/2021, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có Thông tư số 09/2021/TT-BKHCN ban hành Sửa đổi 1:2021 QCVN 20:2019/BKHCN về thép không gỉ. Theo đó cho phép các doanh nghiệp được nhập khẩu, sản xuất và kinh doanh sản phẩm thép không gỉ chất lượng thấp tại thị trường Việt Nam đến hết ngày 31/12/2022.

Như vậy, tính từ năm 2019 đến nay các doanh nghiệp này đã có thời gian hơn 3 năm để chuẩn bị, chuyển đổi.

Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sau Covid-19 theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng nhằm hỗ trợ và ổn định sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp hoạt động trong ngành hàng thép không gỉ, cùng với việc rà soát “QCVN 20:2019/BKHCN”, “Sửa đổi 1:2021 QCVN 20:2019/BKHCN”, Bộ sẽ phối hợp với cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, hiệp hội, các nhà khoa học liên quan xem xét, thảo luận và đưa ra các giải pháp cụ thể lâu dài đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất trong nước, người tiêu dùng và tuân thủ các quy định, phù hợp với thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu quản lý chất lượng, an toàn của sản phẩm thép không gỉ.

Nhĩ Anh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/bo-khoa-hoc-va-cong-nghe-phan-hoi-ve-nhung-phan-anh-cua-doanh-nghiep-thep-khong-gi.htm