Bố không biết chữ có hai con học Trường Sĩ quan Chính trị
Bốn năm, hai lần lặn lội từ Thanh Hóa đưa con con đi nhập học, dẫu là Thành cổ Bắc Ninh trầm mặc, rêu phong hay ngôi trường khang trang, hiện đại giữa Xứ Đoài mây trắng, người phụ nữ mảnh khảnh ấy vẫn nguyên vẹn một cảm xúc, đó là niềm vui xen lẫn sự tự hào khi 'gia đình đã đóng góp 2 người con cho Quân đội, cho Tổ quốc'.
Bố “làm công tác tư tưởng” cho con
Tôi tình cờ gặp cô Trương Thị Quý, sinh năm 1977, quê ở xã Cẩm Quý, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa tại khu vực tiếp đón người thân của các thí sinh trúng tuyển vào Trường Sĩ quan Chính trị năm 2023. Trong khi các gia đình khác đều vui vẻ, rôm rả nói cười thì cô Quý ngồi lặng lẽ một mình, ánh mắt hướng về phía xa như đang ngóng chờ ai đó. Hỏi ra mới biết, cô đang đợi con trai cả là Trung sĩ Trương Công Thành, học viên năm thứ tư, thuộc Đại đội 25, Tiểu đoàn 9 của Nhà trường ra đón em Trương Công Vinh vào làm thủ tục nhập học.
Việc hai anh em cùng học chung một trường đại học quân sự là điều không có gì xa lạ. Tuy nhiên, đối với trường hợp của gia đình cô Trương Thị Quý lại là điều đặc biệt. Bởi lẽ, người “làm công tác tư tưởng”, truyền cảm hứng, giúp cho hai thanh niên quyết tâm dùi mài đèn sách để thi đỗ vào Trường Sĩ quan Chính trị lại là một người không biết chữ, đó cũng chính là người cha thân yêu của hai học viên Trương Công Thành và Trương Công Vinh.
Khi được hỏi về người chồng của mình là chú Trương Công Trường, cô Trương Thị Quý nghẹn ngào: “Cuộc đời anh ấy vất vả lắm! Ông nội của hai cháu tham gia thanh niên xung phong trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, ông không may qua đời sớm do bạo bệnh. Mất đi trụ cột khiến cho cuộc sống của gia đình vốn đã vất vả lại càng thêm khốn đốn. Vì hoàn cảnh khó khăn, nên chồng của tôi không được đi học, năm 13 tuổi đã phải bươn trải, làm thuê, làm mướn đủ nghề để kiếm tiền trang trải cuộc sống”.
Ngẫm lại những gì đã trải qua, hơn ai hết, bố của Thành và Vinh là người vô cùng thấu hiểu những nỗi vất vả, nhọc nhằn của một người không được học hành. Tuy nhiên, không bởi thế mà người đàn ông ấy cam chịu số phận; trái lại, chú luôn mạnh mẽ tiến lên phía trước. Cô Quý chia sẻ thêm: “Việc gì chồng tôi cũng biết làm và làm rất giỏi. Từ việc đồng đến việc nhà đều nhanh nhẹn, tháo vát”. Và điều đáng trân quý nhất ở người cha ấy chính là tinh thần không biết “đầu hàng”, sẵn sàng hy sinh tất cả đời mình vì sự trưởng thành của các con; dẫu phải làm nhiều công việc vất vả, cực nhọc, thậm chí dù phải chịu bao cay đắng, tủi hờn, chú Trường vẫn luôn động viên, căn dặn hai con của mình phải chăm ngoan học hành để không phải sống một cuộc đời như chính bố đã từng.
Thương cha mẹ vất vả, hai anh em Trương Công Thành và Trương Công Vinh đã học tập rất siêng năng, chăm chỉ. Không những thế, ngoài thời gian đi học, hai em còn tranh thủ làm đủ mọi việc. Thật không may, trong một buổi tối đi soi cua ở đồng làng để bán, kiếm tiền phụ giúp gia đình, em Thành đã bị rắn Khô Mộc - một trong những loài rắn cực độc cắn. Mặc dù được đưa đi cấp cứu ngay trong đêm tại Bệnh viện Đa khoa huyện Cẩm Thủy, rồi chuyển lên bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, nhưng đều nhận được những tiên lượng xấu, có khả năng cao ảnh hưởng đến tính mạng. Không chấp nhận thực tế ấy, bố mẹ Thành đã quyết tâm “còn nước còn tát”; vừa đi vay mượn người thân, vừa bán hết những tài sản có giá trị trong gia đình, kể cả đàn dê đang ở thời điểm sinh sản, tiếp tục nuôi hy vọng cứu sống con.
Trải qua 26 ngày đấu tranh để giữ lấy sinh mệnh, như một kỳ tích, Trương Công Thành đã dần hồi phục trở lại. Trải lòng về thời gian khó khăn ấy, Thành giãi bày: “Sau khi được các bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai tận tâm điều trị, nhất là sự hy sinh, đồng hành của những người thân yêu để cho em được ở lại trên đời, em cảm thấy vô cùng yêu quý, biết ơn và càng thêm trân trọng cuộc sống này hơn. Em nguyện phải sống thực sự ý nghĩa để không phụ công ơn sinh thành, dưỡng dục và những điều tốt đẹp nhất mà bố mẹ đã dành cho bản thân”.
Để rồi, đến tận ngày hôm nay, em vẫn đinh ninh lời căn dặn của bố: “Cuộc đời bố đã vất vả để nuôi 2 con ăn học, các con phải cố gắng học tập, đừng như bố, sáng ngày chỉ biết ra đồng cầm cuốc, cầm xẻng lao động để chạy ăn từng bữa. Nếu học hành đến nơi đến chốn, sau này các con chẳng những sẽ có tương lai mà còn báo hiếu được bố mẹ”, Trương Công Thành chia sẻ.
Anh “làm công tác tư tưởng” cho em
Qua bao khó khăn, thử thách, năm 2020, vợ chồng cô Trương Thị Quý đã vỡ òa trong niềm hạnh phúc tột độ, khi chỉ một năm sau cơn bĩ cực, người con trai cả Trương Công Thành đã khẳng định ý chí, nghị lực khi tham gia dự thi và trúng tuyển vào Trường Sĩ quan Chính trị. Không những thế, Thành còn là thí sinh Á khoa của miền Bắc khối C00 với số điểm 30,75. Nghĩ lại những tháng ngày phải bươn chải khắp nơi: Từ Thanh Hóa, Bắc Ninh, Hưng Yên… làm thuê, làm mướn để mưu sinh và kiếm tiền nuôi con ăn học, dẫu vô cùng vất vả, tủi thân nhưng được chứng kiến khúc ruột của mình trưởng thành, cô Quý vẫn ấm lòng.
Trong suốt hơn 3 năm học tập, rèn luyện tại Trường Sĩ quan Chính trị, đồng chí Trương Công Thành luôn giữ vững bản lĩnh, lập trường, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của người học viên. Tháng 1 năm 2023, Thành vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếp tục vững bước trên con đường phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện để trở thành người chính trị viên “vừa hồng, vừa chuyên”, người cán bộ của Đảng trong Quân đội. Không những thế, đồng chí Trương Công Thành còn thành công trong tuyên truyền, hướng nghiệp, “làm công tác tư tưởng”, giúp cậu em trai Trương Công Vinh cùng một thí sinh khác là em Phạm Ngọc Châu, học sinh trường Trung học phổ thông Cẩm Thủy 1 có thêm niềm tin, quyết tâm để tham gia đăng ký xét tuyển và đỗ vào Trường Sĩ quan Chính trị.
Nói về điều này, em trai của Thành cho biết: “Trước đó, em có nguyện vọng thi vào một trường đại học khác. Tuy nhiên, mỗi lần về quê, anh Thành thường say mê kể cho gia đình nghe về môi trường sư phạm quân sự mẫu mực, tình thầy trò sâu nặng, tình đồng chí, đồng đội thiêng liêng, cao đẹp… tại ngôi trường mà anh ấy đang học tập, công tác. Điều đó làm em cảm thấy rất phấn khích và dần thay đổi suy nghĩ, để rồi hôm nay, hai anh em của em vinh dự được cùng nhau sát cánh tại mái trường này”. Và như thế, mọi nỗ lực, cố gắng của gia đình và bản thân Thành, Vinh đã được đền đáp xứng đáng, niềm vui, niềm hạnh phúc của người cha không biết chữ và người mẹ tần tảo, lam lũ nay lại được nhân đôi.
“Đã thành đồng chí, chung câu quân hành”
Dẫu cuộc sống truân chuyên, vất vả trăm đường, công việc quanh năm bộn bề, nhưng lần nào cũng vậy, với tình yêu thương bao la, vô hạn của người mẹ, cô Trương Thị Quý đều gác lại mọi thứ để trực tiếp đưa hai con đi nhập học. Chia sẻ về cảm xúc của mình, cô Quý bộc bạch: “Vợ chồng tôi đã rất cực nhọc để hai con được học hành. Đến giờ phút này, tôi cảm thấy vô cùng viên mãn khi gia đình đã đóng góp 2 người con cho Quân đội, cho Tổ quốc”. Lời tâm sự ấy tuy mộc mạc, chân thành nhưng lại vô cùng ý nghĩa, thể hiện sâu sắc niềm tin của gia đình học viên đối với Trường Sĩ quan Chính trị, với Quân đội và với Đảng quang vinh. Đồng thời, đó cũng là sự động viên, khích lệ, trở thành chỗ dựa tinh thần vững chắc giúp hai em yên tâm học tập, công tác, gắn bó với nghề nghiệp, phấn đấu cống hiến hết mình cho Quân đội, cho quê hương, đất nước.
Nhìn vào tấm gương của hai anh em - hai người đồng chí, tôi chợt nhớ đến những vần thơ ấm tình đồng đội trong thi phẩm Tiếng hát sang xuân của nhà thơ Tố Hữu: “Lớp cha trước, lớp con sau/Đã thành đồng chí, chung câu quân hành”. Ấy không chỉ là nghị lực vượt khó để vươn lên của hai người con dân tộc Mường, mà còn là khát vọng viết tiếp câu chuyện còn dang dở của ông nội - người thanh niên xung phong năm nào và khát vọng được đến với con chữ vẫn luôn đau đáu trong tâm trí người cha. Trường Sĩ quan Chính trị chính là nơi để Trương Công Thành và Trương Công Vinh hiện thực hóa những mơ ước, hoài bão của cuộc đời.
Vậy là kể từ đây, hơi ấm đồng đội sẽ hòa quyện với hơi ấm gia đình; tình anh em thống nhất trong tình đồng chí. Quan trọng hơn là trong dòng chảy lịch sử, truyền thống Trường Sĩ quan Chính trị, sẽ có những dấu ấn về sự cống hiến, đóng góp của hai anh em Trương Công Thành, Trương Công vinh. Có thể không đậm sâu, có thể rất nhỏ bé, nhưng sẽ góp phần cùng với các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ bồi đắp, giữ vững và phát huy truyền thống quý báu: “Trung thành, sáng tạo, đoàn kết, vượt khó, dạy tốt, học tốt” của Nhà trường. Tinh thần ấy, ý chí ấy xứng đáng được nêu gương, lan tỏa, tạo động lực thôi thúc những ai đã và đang đứng trước khó khăn, thách thức biết cách vươn lên để sống có ý nghĩa hơn.
Trong không khí hào hùng của buổi sáng mùa Thu lịch sử, chúng tôi chợt nghe thấy các đồng chí học viên làm nhiệm vụ “Đồng hành ngày tựu trường” hô vang khẩu hiệu: “Chào mừng các đồng chí học viên về nhập học tại Trường Sĩ quan Chính trị”, “Sách bên hoa, đàn bên súng, nghiệp trăm năm theo bước Bác Hồ”. Đó cũng chính là con đường mà hai anh em Trương Công Thành, Trương Công vinh đã lựa chọn và nguyện đi theo đến suốt cuộc đời.
Bài, ảnh: VŨ QUỐC - NGHIÊM TÚ
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.