Bờ kinh 28 sạt lở nghiêm trọng, nhiều đoạn đường giao thông nguy cơ đổ sụp
Hiện nay, tuyến kinh 28 (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) đang xảy ra nhiều đoạn sạt lở rất nghiêm trọng. Nhiều đoạn đường giao thông có nguy cơ đổ sụp xuống kinh bất cứ lúc nào, đe dọa nghiêm trọng đời sống, sản xuất của người dân.
Hơn bao giờ hết, người dân sinh sống dọc theo tuyến kinh này đang mong mỏi được đầu tư kè chống sạt lở.
Ghi nhận thực tế tại tuyến kinh 28 vào những ngày đầu tháng 10-2023, nhiều đoạn đường giao thông dọc theo 2 bên bờ kinh đã bị sạt lở rất nghiêm trọng.
Phập phồng, bất an là tâm trạng chung của nhiều hộ dân sống dọc theo tuyến kinh. Có những đoạn, hàm ếch ăn sâu vào đường giao thông. Đường giao thông cứ ngày qua ngày bị sạt lở bào mòn, nguy cơ đổ sụp xuống kinh bất cứ lúc nào.
Có đoạn, sạt lở gây mất đường giao thông, gây khó khăn cho người dân trong việc đi lại và sinh hoạt.
Có nhà cặp tuyến kinh 28, ông Phan Văn Chí (ấp An Thạnh, xã Đông Hòa Hiệp) luôn sống trong cảnh phập phồng vì sạt lở luôn chực chờ.
Ông Chí kiến nghị: “Người dân nơi đây rất khổ sở, tâm lý luôn bất an. Bởi sạt lở diễn ra thời gian dài mà chưa được đầu tư khắc phục ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất. Chúng tôi mong muốn chính quyền các cấp đầu tư kè chống sạt sở nhanh chóng để bà con yên tâm sản xuất, đi lại thuận tiện”.
Trước tình trạng sạt lở xảy ra nghiêm trọng và luôn chực chờ, có một số hộ dân đã phải ly hương vì không thể an cư.
Bà Nguyễn Thị Diễm Loan (ấp An Lợi, xã Đông Hòa Hiệp) cho biết, tình hình sạt lở bờ kinh 28 đang diễn ra rất nghiêm trọng. Có gia đình do quá lo sợ nên đã di dời nhà đến nơi khác sinh sống. Người dân nơi đây mong muốn Nhà nước đầu tư bờ kè để chống sạt lở và người dân sẽ sẵn sàng hiến đất.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Đông Hòa Hiệp Trần Thị Thanh Phận, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cũng như tác động của dòng chảy, thời gian gần đây, trên địa bàn xã xảy ra nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng dọc theo tuyến kinh 28.
Việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân cũng bị hạn chế, đời sống gặp nhiều khó khăn.
Điều này ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế - xã hội của xã. Xã kiến nghị cấp trên sớm đầu tư kè chống sạt lở để việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân được thuận lợi, bảo vệ vườn cây ăn trái phía trong tuyến kinh nhằm phát triển kinh tế địa phương.
Theo thống kê, hiện nay, kinh 28 qua địa phận huyện Cái Bè thường xuyên bị sạt lở nghiêm trọng với tổng chiều dài sạt lở khoảng 3.760 m. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến tuyến đê bao kết hợp giao thông nông thôn liên xã của huyện Cái Bè.
Theo Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang (gọi tắt là Ban Quản lý dự án) Nguyễn Đàm Thanh Tuyến, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định bổ sung 4.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách dự phòng Trung ương năm 2023 cho các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long; trong đó, Tiền Giang được phân bổ 200 tỷ đồng.
Nguồn vốn này được phân bổ để thực hiện đầu tư Dự án Xử lý các đoạn sạt lở cấp bách kinh 28. Hiện nay, Ban Quản lý dự án đang hoàn thiện các thủ tục để chuẩn bị đầu tư dự án.
Dự án sẽ được triển khai thực hiện từ nay đến hết năm 2024. Theo đó, tỉnh sẽ triển khai đầu tư kè chống sạt lở tại 10 đoạn cấp bách (8 đoạn tại xã Đông Hòa Hiệp, 1 đoạn tại xã Hậu Thành, 1 đoạn tại xã Thiện Trung). Đây là những đoạn sạt lở nghiêm trọng nhất dọc theo 2 bên bờ kinh 28.
Sạt lở gây ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, tài sản và nhà cửa của 1.350 hộ dân đang sinh sống ven theo kinh 28 và 810 ha đất sản xuất nông nghiệp có giá trị kinh tế cao.
Nguồn ngân sách của tỉnh còn hạn chế nên không đảm bảo kinh phí kịp thời khắc phục, sửa chữa công trình.
Vì vậy, vào mùa mưa, lũ, triều cường trong năm 2023 và những năm tiếp theo, sạt lở sẽ tiếp tục lấn sâu vào bên trong gây ảnh hưởng đến khoảng 3.813 hộ dân sinh sống trong khu vực phía trong đê bao và ảnh hưởng 810 ha đất sản xuất nông nghiệp có giá trị kinh tế cao.
Đặc biệt, tính mạng, tài sản và cuộc sống của người dân trong khu vực luôn bị ảnh hưởng, thường trực các mối nguy hiểm bất thường.
Việc đầu tư xây kè xử lý các đoạn sạt lở trên kinh 28 là rất cần thiết và cấp bách. Điều này sẽ đáp ứng mong mỏi, khát vọng được an cư của người dân địa phương.