Bỏ kỷ luật đảng viên sinh con thứ ba: Kịp thời, sát thực tiễn
Từ ngày 20/3/2025, việc sinh con thứ ba sẽ không còn là căn cứ để xử lý kỷ luật đảng viên. Hướng dẫn mới của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đánh dấu một bước điều chỉnh quan trọng trong chính sách dân số, phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đón em bé chào đời vào đêm Giao thừa Tết Ất Tỵ 2025
Ngày 20/3/2025, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 15-HD/UBKTTW, sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Hướng dẫn 05-HD/UBKTTW năm 2022. Theo đó, đảng viên sinh con thứ ba sẽ không bị xem xét xử lý kỷ luật như trước đây. Đây là bước cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Công văn số 13421-CV/VPTW ngày 17/02/2025 về sơ kết 7 năm thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới. Theo đó, Bộ Chính trị đã thống nhất chủ trương điều chỉnh chính sách theo hướng không xử lý kỷ luật đảng viên sinh con thứ ba trở lên, đồng thời nhấn mạnh không hồi tố đối với các trường hợp đã bị xử lý trước đây.
Trong Hướng dẫn mới, điểm 8.1 và 8.2 mục III trong Hướng dẫn 05-HD/UBKTTW đã bị lược bỏ - đây là những điểm quy định về việc xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm chính sách dân số. Đồng thời, bổ sung quy định mới tại điểm 8.3 như sau: "Không xem xét xử lý đối với hành vi quy định tại khoản 2 Điều 1 Pháp lệnh số 08/2008/PL-UBTVQH12 ngày 27/12/2008 sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh dân số năm 2003: "Sinh một hoặc hai con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định".
Như vậy, từ ngày 20/3/2025, việc sinh con thứ ba không còn bị xem là hành vi vi phạm chính sách dân số trong nội bộ Đảng.
Linh hoạt, sát thực tiễn
Việc chấm dứt xử lý kỷ luật đối với đảng viên sinh con thứ ba được đánh giá là bước chuyển có tính linh hoạt, nhân văn và kịp thời, trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt với những thách thức lớn về dân số.
Hiện nay, Việt Nam đang bước vào giai đoạn cuối của thời kỳ dân số vàng, trong khi hiện tượng già hóa dân số diễn ra với tốc độ rất nhanh. Nếu như năm 2011, tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên chiếm khoảng 10% dân số thì đến năm 2022, con số này đã tăng lên 12,8%, tương đương khoảng 12,5 triệu người cao tuổi. Dự báo đến năm 2036, tỷ lệ người cao tuổi sẽ đạt 20%, đánh dấu việc nước ta chính thức bước vào giai đoạn dân số già.
Khi dân số già đi, tỷ lệ người lao động giảm, số người phụ thuộc tăng, dẫn đến gánh nặng tài chính và an sinh ngày càng lớn cho nhóm dân số trong độ tuổi lao động. Trong bối cảnh đó, việc tiếp tục duy trì chính sách sinh ít con không còn phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững.
Bỏ quy định xử lý kỷ luật đối với đảng viên sinh con thứ ba không chỉ tháo gỡ rào cản hành chính, giảm áp lực tâm lý, mà còn mở đường cho việc thực hiện chủ trương khuyến khích sinh đủ hai con - điều đã được đề cập trong nhiều văn kiện của Đảng và được đặt ra cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
Các hình thức kỷ luật của Đảng
Dù quy định xử lý kỷ luật đối với hành vi sinh con thứ ba đã được bãi bỏ, nguyên tắc giữ nghiêm kỷ luật của Đảng vẫn không thay đổi. Các hành vi vi phạm khác trong quá trình công tác, sinh hoạt Đảng nếu có, vẫn sẽ bị xem xét xử lý theo đúng quy định hiện hành.
Theo Điều 7 Quy định số 69-QĐ/TW năm 2022 của Bộ Chính trị, hiện nay, kỷ luật đối với đảng viên được áp dụng tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và loại hình đảng viên, cụ thể:
Đối với đảng viên chính thức, có thể bị áp dụng một trong các hình thức kỷ luật:
+ Khiển trách: áp dụng khi vi phạm lần đầu, mức độ nhẹ, có thể khắc phục.
+ Cảnh cáo: áp dụng với vi phạm có tính hệ thống hơn hoặc đã được nhắc nhở nhưng tiếp tục tái phạm.
+ Cách chức: áp dụng nếu đảng viên có chức vụ, vi phạm đến mức không còn xứng đáng giữ cương vị lãnh đạo, quản lý.
+ Khai trừ: áp dụng với vi phạm nghiêm trọng, gây hậu quả lớn, làm mất uy tín cá nhân và tổ chức đảng.
Đối với đảng viên dự bị, hai hình thức kỷ luật có thể áp dụng gồm: Khiển trách; Cảnh cáo.
Đảng viên dự bị nếu vi phạm nghiêm trọng sẽ không được xem xét chuyển chính thức và có thể bị xóa tên khỏi danh sách kết nạp.