Bố là người cho con tất cả
Mỗi lúc gặp khó khăn trong công việc tôi đều nhớ đến lời bố dạy: 'Đừng tự ti mình là người Dao không giỏi bằng những dân tộc khác, cứ nỗ lực cố gắng hết mình rồi sẽ thành công con ạ'.
Bố tôi không biết chữ, mà hầu hết những người chạc tuổi bố tôi ở cái làng Người Dao này đều không biết chữ. Và đối với họ không biết chữ không quan trọng, không có cái ăn mới là điều quan trọng.
Làng tôi nghèo, nghèo lắm, chẳng phải vì người dân quê tôi lười mà thành ra nghèo, làng tôi nghèo một phần cũng vì do thiên nhiên và thời tiết quá khắc nghiệt, những mảnh nương cheo leo trên triền núi, khô cằn và thiếu nước, vì vậy việc canh tác gặp rất nhiều khó khăn, hầu hết những gia đình ở đây đều không muốn cho con cái mình đi học, họ muốn có thêm lao động để có miếng ăn trước mắt.
Bố tôi thì khác, bố muốn tôi đi học để biết chữ, bố bảo chỉ có đi học mới thoát được cái nghèo. Chính vì vậy mà khi tôi lên sáu tuổi tôi được bố dắt tay đưa đến tận điểm trường trong làng để đăng ký vào học lớp 1, điều mà chưa một ông bố nào ở cái làng tôi làm được.
Thường thì các cô giáo phải đi vận động từng nhà một để phụ huynh cho con em đến lớp, nhưng cũng chỉ được vài buổi là sỹ số lớp học giảm dần vì chẳng ai thích đi học. Một phần vì bố mẹ chúng nó bắt ở nhà giúp việc gia đình, một phần vì làng tôi thuần là người Dao nên có khi tiếng phổ thông còn chưa nói sõi huống hồ là học cái chữ, chúng nó đi học thấy khó nên nản muốn ở nhà.
Tôi cũng vậy, khi bắt đầu nhập học được mấy bữa thì tôi bắt đầu nản, tôi thấy cái chữ của người kinh khó quá nên cũng có ý định bỏ học nhưng tôi sợ bố buồn. Mãi rồi tôi cũng nghĩ ra một cách là sáng ra tôi cứ giả vờ cắp cặp đi học rồi ra đầu làng trốn trong bụi cỏ đợi đến khi tôi biết bố tôi đã lên nương mới cắp sách quay về nhà.
Nhưng tôi chỉ trốn như thế được 3 ngày, đến tối ngày thứ 4 thì cô giáo đến nhà hỏi bố sao không cho tôi đến trường nữa. Bố nghe cố giáo hỏi thì hết sức ngạc nhiên về việc tôi bỏ học nhưng bố không nổi nóng với tôi, bố bảo cô giáo cứ về đi mai bố sẽ đưa tôi đến lớp. Khi cô giáo về rồi bố mới hỏi tôi sao không chịu đi học, tôi khóc mà rằng học cái chữ khó hơn làm nương nên tôi thích ở nhà đi làm nương hơn. Bố không nói gì kêu tôi đi ngủ sớm. Lúc đó tôi không hiểu ý của bố nhưng thấy bố không mắng tôi về tội bỏ học thì tôi cũng thấy yên tâm.
Sáng sớm hôm sau bố gọi tôi dậy sớm, bố bảo phải dậy sớm thì mới kịp lên nương, con không thích đi học thì hôm nay lên nương với bố. Tôi nghe thấy bố bảo không phải đi học thì thích quá vùng dậy ngay. Ăn sáng xong bố dắt trâu ra, rồi chỉ bao phân lớn để dưới sàn bảo “con vác đi”. Tôi lúng túng chưa hiểu thế nào, bao phân to và nặng thế thì một đứa bé 6 tuổi như tôi làm sao mà vác được. Như hiểu được suy nghĩ của tôi bố nói “con thấy nặng không vác được thì đi học đi và từ giờ đừng nghĩ đi học là khổ”.
Bố nói xong thì tay vác bao phân lên vai, tay dắt con trâu lên nương, nhìn dáng bố tôi thất thểu nặng nhọc. Tôi chạy vào nhà ôm cặp đến trường trong lòng nghĩ phải quyết tâm học không bỏ cuộc nữa.
Tôi học hết lớp 3 ở điểm trường làng thì phải ra xã học tiếp. Làng tôi cách xã những hơn 10km đường rừng nên bố phải gửi tôi ở trọ một nhà người quen gần xã. Tôi đi học buổi sáng còn buổi chiều thì giúp nhà người ta chăn trâu, lấy củi để coi như trừ vào tiền thuê trọ. Cứ cuối tuần bố tôi lại đi bộ mang ít gạo ra trường cho tôi ăn. Ngày ấy nhà tôi nghèo lắm, để có gạo cho tôi ăn học bố mẹ tôi đã phải làm việc rất vất vả, nhiều khi phải húp canh lá khoai lang trừ bữa, còn gạo để dành cho tôi đi học.
Những người trong làng xì xào bảo bố tôi gàn dở, cho tôi đi học không ra cái ăn mà lại tốn kém tiền của gia đình, dù gì tôi cũng là con gái sau này lớn lên đi lấy chồng là hết, bố mẹ tôi cũng chẳng được nhờ gì ở tôi nữa, họ khuyên bố tôi để tôi ở nhà làm việc còn có thêm lao động mà đỡ tốn cơm gạo nhưng bố nhất quyết bắt tôi phải theo học.
Tôi càng học lên cao thì bố tôi càng vất vả hơn. Vào cấp 3 tôi phải chuyển ra trường huyện học. Lúc này chi phí không chỉ tính bằng những ống gạo mang ở nhà đi nữa mà còn phải cộng thêm tiền trọ học, tiền chi tiêu sinh hoạt phí hàng tháng. Đồng tiền vất vả kiếm được ở trong làng tưởng là to mà đem ra chi tiêu nơi phố huyện lại hóa chẳng bõ bèn gì. Bố đành để lại công việc ruộng nương cho mẹ, rồi ra huyện xin làm phụ hồ nuôi tôi ăn học.
Ban ngày bố làm phụ hồ cho một công trình xây dựng, tối đến lại xin giữ xe ở quán hát karaoke. Nhìn bố ban ngày vất vả làm việc, tối về còn phải thức khuya trông xe cho quán hát tôi cầm lòng không nổi. Tôi bảo bố để tôi trông xe thay cho bố có thời gian nghỉ ngơi nhưng bố nhất quyết không chịu để tôi làm. Bố bảo tôi hãy dành thời gian để học, nếu thương bố thì cố gắng học cho thật giỏi.
Ba năm học cấp 3 của tôi cứ chầm chậm trôi qua bằng những năm tháng nhọc nhằn của bố. Cuối cùng thì tôi cũng tốt nghiệp THPT, khỏi phải nói bố vui như thế nào, chỉ có tôi là buồn biết mấy, vì đúng ngày tôi ra trường thì cũng là ngày bố phải vào viện vì làm việc quá sức nên bị lao lực. Thế mà lúc đó bố cứ ôm lấy tôi mà khóc, ông khóc vì không còn đủ sức lo cho tôi vào đại học.
Tôi xin vào xã làm cán bộ hợp đồng với quyết tâm phải làm việc thật tốt để không phụ lòng mong mỏi của bố mẹ, không phụ lại công sức vất vả mà bố tôi đã làm cho tôi trong suốt 12 năm học qua. Nhờ sự nỗ lực của bản thân và sự chỉ bảo của các cô chú, anh chị em đồng nghiệp, đặc biệt là sự động viên của bố mà không lâu sau đó tôi được bầu vào làm bí thư Đoàn xã, lúc này tôi mới có điều kiện xin đi thi Đại học nông lâm Thái Nguyên hệ vừa học vừa làm. Ngày tôi trúng tuyển đại học bố vui lắm mổ hẳn một con lợn để ăn mừng cùng bà con hàng xóm. Bố rất tự hào với mọi người vì tôi là người đầu tiên ở bản người Dao này bước chân vào cổng trường đại học.
Rồi cứ thế trên bước đường công tác tôi không ngừng nỗ lực phấn đấu để được cấp trên ghi nhận, từ một cán bộ Đoàn xã, tôi được tổ chức luân chuyển ra thị trấn công tác làm văn phòng HĐND - UBND thị trấn, rồi được nhân dân tín nhiệm bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND thị trấn, dù ở cương vị nào tôi cũng đều cố gắng hết mình.
Mỗi lúc gặp khó khăn trong công việc tôi đều nhớ đến lời bố dạy: “Đừng tự ti mình là người Dao không giỏi bằng những dân tộc khác, cứ nỗ lực cố gắng hết mình rồi sẽ thành công con ạ”. Tôi đã mang theo lời dạy đó suốt những năm học trên ghế nhà trường, trong những năm công tác và nó sẽ còn là hành trang trong cuộc sống sau này của tôi.
Tôi viết bài này với mong muốn đây sẽ là một món quà nhỏ gửi tới người bố kính yêu của tôi và tôi cũng muốn gửi lời tri ân sâu sắc tới bố: “Cảm ơn bố rất nhiều, bố là người cho con tất cả”.
Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/bo-la-nguoi-cho-con-tat-ca-d192514.html