Bộ lạc đau đầu vì nạn nghiện điện thoại, phim nóng sau khi có Internet

Sự xuất hiện của Internet khiến nhiều người trẻ trong bộ lạc Marubo từng biệt lập với thế giới thành những 'kẻ nghiện lười biếng', luôn dán mắt vào điện thoại.

Người Marubo sống trong những túp lều nhỏ dọc sông Itui ở Amazon, là một trong những bộ lạc bị cô lập nhất hành tinh. Nhưng vào tháng 9/2023, cộng đồng này đã được kết nối với mạng lưới vệ tinh Starlink của tỷ phú Elon Musk, giúp người dân có thể truy cập Internet tốc độ cao.

Cộng đồng đã đón nhận công nghệ mới, kinh ngạc vì có thể gọi trợ giúp y tế ngay khi bị rắn độc cắn cũng như giữ liên lạc với người thân ở xa.

Tuy nhiên, Internet cũng đang thể hiện những mặt trái ở bộ lạc xa xôi với khoảng 2.000 người này. Các nhà phê bình cảnh báo nhiều thành viên bộ lạc đã trở nên "lười biếng", nằm trên võng cả ngày và dán mắt vào điện thoại để buôn chuyện trên WhatsApp hoặc trò chuyện với người lạ trên Instagram.

Còn có báo cáo về việc thanh niên có hành vi tình dục hung hãn sau khi xem nội dung khiêu dâm, Alfredo Marubo (tất cả người Marubo đều cùng họ), trưởng làng Marubo, nói với The New York Times. Ông cho rằng những chàng trai trẻ lớn lên trong một nền văn hóa từng coi việc hôn nhau ở nơi công cộng là tai tiếng đã bắt đầu chia sẻ video khiêu dâm trong các cuộc trò chuyện nhóm. "Chúng tôi lo ngại những người trẻ tuổi sẽ muốn thử điều đó".

Alfredo cũng cảnh báo rằng các thành viên của bộ tộc đã ngừng nói chuyện với gia đình kể từ khi họ có quyền truy cập Internet.

 Khu vực sinh sống của người Marubo biệt lập với thế giới bên ngoài.

Khu vực sinh sống của người Marubo biệt lập với thế giới bên ngoài.

"Mọi thứ trở nên tồi tệ hơn"

Trưởng lão bộ lạc Tsainama Marubo, 73 tuổi, cho biết trong khi mọi người "vui mừng" vì có Internet thì "bây giờ mọi thứ trở nên tồi tệ hơn". "Những người trẻ tuổi trở nên lười biếng vì Internet", bà nói.

Kaipa Marubo, một ông bố ba con, cho biết ông lo lắng về việc các con mình chơi game bắn súng quá nhiều và có thể muốn bắt chước những hình ảnh bạo lực.

Một thủ lĩnh khác, Enoque Marubo, 40 tuổi, cho biết bộ lạc đã bắt đầu giới hạn số giờ các thành viên có thể truy cập Internet vì sự ra đời của nó đã "thay đổi thói quen nhiều đến mức gây hại". Các thành viên có thể truy cập Internet trong 2 giờ vào buổi sáng, 5 giờ vào buổi chiều và cả ngày vào chủ nhật.

"Trong làng, nếu bạn không săn bắn, câu cá và trồng trọt, bạn sẽ không có gì ăn", Enoque nói.

Enoque đã làm việc với nhà hoạt động người Brazil Flora Dutra để mang Internet đến với bộ tộc. Họ đã liên hệ với nhà từ thiện người Mỹ Allyson Reneau, người được cho là đã tặng 20 đơn vị Starlink cho bộ lạc Marubo.

 Enoque Marubo lắp đặt ăng-ten vệ tinh Starlink ở Manakieaway, một ngôi làng ở Marubo.

Enoque Marubo lắp đặt ăng-ten vệ tinh Starlink ở Manakieaway, một ngôi làng ở Marubo.

Starlink của Musk sở hữu khoảng 60% trong số khoảng 7.500 vệ tinh quay quanh Trái Đất và đã giúp mang lại kết nối Internet đến một số nơi xa xôi, khó khăn nhất trên thế giới. Công nghệ lần đầu tiên được cung cấp ở Brazil vào năm 2022, nhưng chỉ mới đến được những vùng sâu vùng xa của Amazon vào năm ngoái.

Khu vực này là biên giới cuối cùng của cuộc xung đột giữa các nền văn minh bắt đầu vào năm 1492, khi người châu Âu lần đầu tiên đến châu Mỹ với số lượng lớn, chinh phục người dân bản địa bằng vũ lực và áp đảo họ bằng công nghệ thời đó. Nhờ thảm thực vật dày đặc và diện tích rộng lớn, khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới vẫn bị cô lập khỏi quá trình này cho đến khi bùng nổ cao su vào cuối thế kỷ XIX.

Nhưng trong những thập kỷ gần đây, nhiều loại hàng hóa khác nhau, trên hết là dầu mỏ, gỗ và đất chăn nuôi, đã khiến ngày càng nhiều bộ lạc biệt lập xuất hiện. Một số sẵn lòng, số khác miễn cưỡng lần đầu tiên bước ra với thế giới bên ngoài.

Điều đó đã mang lại cho họ những lợi ích của thời hiện đại, chẳng hạn như Internet và y học tiến bộ hơn. Nhưng một số người đã mắc phải những căn bệnh mới mà họ không có khả năng miễn dịch, cũng như chứng nghiện rượu, bóc lột tình dục, thảm sát...

Truyền thống có thể biến mất

Kết quả là các nền văn hóa truyền thống trên khắp Amazon đang ngày càng khó duy trì, truyền thụ lại cho thế hệ trẻ.

Quá trình này có thể nhìn thấy rõ ở các thị trấn rừng rậm khắp lưu vực, nơi người dân bản địa hiện say mê xem các bộ phim hành động Hollywood, phim truyền hình dài tập của Mexico và giải bóng đá Premier League.

Những lo ngại này được nêu lên bởi TamaSay Marubo, 42 tuổi, nữ lãnh đạo đầu tiên của bộ tộc. Bà lo lắng truyền thống của bộ lạc sẽ biến mất khi những người trẻ "chỉ muốn dành cả buổi chiều lướt điện thoại".

Khi TamaSay Marubo phát biểu, mắt của những đứa trẻ vẫn hướng về phía màn hình. Thanh thiếu niên lướt Instagram. Những người đàn ông vây quanh chiếc điện thoại đang phát trực tiếp một trận bóng đá.

Dân làng sử dụng điện thoại, kết nối Internet qua Starlink.

Dân làng sử dụng điện thoại, kết nối Internet qua Starlink.

Nhưng người Marubo cũng không thể phủ nhận những tác động tích cực của Internet. Enoque cho biết việc kết nối, liên lạc nhanh chóng "đã cứu được nhiều mạng sống".

Sau nhiều năm sống ngoài rừng, ông tin rằng Internet có thể mang lại cho người dân quyền tự chủ mới, giao tiếp tốt hơn, tìm hiểu thông tin và kể câu chuyện của chính mình. "Internet sẽ mang lại cho chúng ta nhiều lợi ích hơn là có hại. Chúng ta không thể sống thiếu Internet", Enoque nói.

Chỉ sau 9 tháng với Starlink, Marubo đã phải vật lộn với những thách thức tương tự đã từng khiến các hộ gia đình Mỹ đau đầu trong nhiều năm: thanh thiếu niên dán mắt vào điện thoại, những cuộc trò chuyện nhóm đầy tin đồn, mạng xã hội gây nghiện, người lạ trực tuyến, trò chơi điện tử bạo lực, lừa đảo, thông tin sai lệch, và trẻ vị thành niên xem nội dung khiêu dâm.

Xã hội hiện đại đã giải quyết những vấn đề này trong nhiều thập kỷ khi Internet tiếp tục phát triển không ngừng. Người Marubo và các bộ lạc bản địa khác - những người đã chống lại sự hiện đại trong nhiều thế hệ - đang đối mặt với tiềm năng lẫn mối nguy hiểm của Internet cùng một lúc, đồng thời tranh luận về ý nghĩa của nó đối với bản sắc và văn hóa của họ.

Lê Vy

Ảnh: The New York Times

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/bo-lac-dau-dau-vi-nan-nghien-dien-thoai-phim-nong-sau-khi-co-internet-post1479258.html