Bộ lạc thời đồ đá sống biệt lập 30.000 năm, giết bất cứ người nào xâm nhập
Bộ lạc cuối cùng còn sót lại từ thời Đồ đá trên Trái đất đã thực sự sống tách biệt khỏi thế giới bên ngoài suốt 30.000 năm qua. Họ xua đuổi người lạ bằng tên tẩm thuốc độc.
Theo tờ Daily Mail, trong nhiều năm qua, thông điệp từ những trên hòn đảo nhỏ North Sentinel, nằm giữa Vịnh Bengal, Ấn Độ Dương, không thể rõ ràng hơn: “Hãy đi đi. Cút về nhà. Du khách không được chào đón. Chúng tôi muốn được yên”.
Thổ dân Sentinel là một trong số rất ít những cộng đồng sống biệt lập còn lại trên thế giới và họ kiên quyết duy trì cuộc sống của mình theo cách đó, từ hàng nghìn năm qua.
Những mũi tên tẩm độc, dao, mác, rìu, đá… tất cả được thổ dân trên đảo sử dụng để xua đuổi bất cứ người lạ nào tìm cách tiếp cận.
Điều đó có nghĩa là chúng ta mới chỉ biết được rất ít về ngôn ngữ, văn hóa, niềm tin tôn giáo của họ, thậm chí cũng không nắm được số lượng thành viên của bộ tộc. Tuy nhiên, những gì chúng ta đã biết là họ đã sống hạnh phúc và cơ bản là khỏe mạnh trên hòn đảo nhỏ màu mỡ rộng chỉ 20 dặm vuông trong ít nhất 30.000 năm qua.
Trong thời gian đó, họ sinh sống bằng nguồn thực phẩm có sẵn là lợn rừng, trai biển, trái cây rừng và mật ong. Thổ dân sinh hoạt tình dục kiểu cộng đồng trên bãi biển và xua đuổi người lạ bằng loạt tên tẩm thuốc độc và dao rựa.
Vì thế không mấy ngạc nhiên khi một nhà truyền đạo Cơ đốc giáo người Mỹ là John Allen Chau, 26 tuổi, tìm cách đến thăm đảo đã trúng tên tẩm thuốc độc, bị thổ dân buộc dây thừng kéo lê trên bãi biển cho đến chết.
Chau, một cựu sinh viên trường Đại học Oral Roberts, bang Oklahoma, trước đây từng tuyên bố đến thăm đảo North Sentinel, đã quyết định tìm cách truyền đạo Cơ đốc cho thổ dân Sentinel. Cái chết của Chau là một bi kịch, anh đã tiếp tục bước lên đảo trong làn tên của thổ dân.
Lẽ ra Allen Chau không nên xuất hiện trên hòn đảo. Theo luật pháp Ấn Độ, bất cứ ai có mặt trong vòng bán kính 5 hải lý quanh hòn đảo đều bị coi là bất hợp pháp. Kể từ năm 2017, ngay cả việc quay phim hình ảnh thổ dân trên quần đảo Andaman, vốn bao gồm đảo North Sentinel, cũng là trái phép.
Luật này một phần là nhằm bảo vệ những du khách mạo hiểm như Chau khỏi những phản ứng bạo lực từ thổ dân. Nhưng quan trọng hơn, nó nhằm bảo vệ sự tồn tại của một trong những bộ tộc thổ dân thời kỳ Đồ Đá cuối cùng còn lại trên Trái đất. Cộng đồng cư dân này, do sống biệt lập với thế giới hiện đại, họ cũng ít có khả năng chống chọi được với những bệnh thông thường như cúm, sởi, thậm chí cả cảm lạnh.
Sophie Grig, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc tổ chức Survival International cho rằng: “Đây là một trong những bộ tộc dễ tổn thương nhất trên hành tinh. Những căn bệnh thông thường cũng có thể xóa sổ họ theo đúng nghĩa đen”.
Người Sentinel cũng là những hậu duệ trực tiếp còn sống duy nhất của những con người đầu tiên ở châu Á. Hơn 75.000 năm trước, họ đã di chuyển từ châu Phi tới Trung Đông, Ấn Độ và Myanmar.
Cuối cùng họ đến quần đảo Andaman. Một số tiếp tục di chuyển, số khác ở lại đảo North Sentinel vì bị thu hút bởi những cánh rừng đước rậm rạp, bãi biển cát trắng và thiên nhiên nhiều ưu đãi đến mức họ chẳng cần phải canh tác.
Nam giới trong bộ tộc săn rùa, lợn bằng cung tên, đánh cá bằng xiên. Các mũi tên và xiên được họ bọc bằng xương và gỗ cứng.
Phụ nữ trên đảo hái nấm cục, dừa, mò trai và dùng lưới bắt cá. Mùa hè họ đi thu lượm mật ong bằng cách quết lên người một loại hồ nước từ lá có tác dụng xua đuổi ong.
Tất cả người trong bộ tộc đều ở trần truồng gần như hoàn toàn, ngoại trừ trang trí bằng một ít lá cây, dây sợi, và sống trong các lều thành những nhóm nhỏ như gia đình.
Đó là cách bộ tộc ở North Sentinel vẫn tồn tại 30.000 năm qua, họ được bảo vệ bởi biển cả trước làn sóng tấn công tiềm tàng từ thế giới hiện đại, thiết bị công nghệ, nhựa, chứng trầm cảm và những đồng loại khác.
Những liên hệ đầu tiên được ghi nhận với bộ tộc này diễn ra khoảng trên 1.000 năm trước bởi những nhà thám hiểm người Trung Quốc và Ả-rập. Bị xua đuổi khỏi đảo bởi làn tên, những nhà thám hiểm mô tả thổ dân cao khoảng 1 mét, mũi khoằm. Nhiều khả năng những nỗ lực lên đảo kể từ đó đều kết thúc trong bi kịch.
Khi Marco Polo tới quần đảo Andaman vào thế kỷ 13, ông viết: “Họ là thế hệ tàn bạo và bạo lực nhất, những người dường như muốn ăn thịt bất cứ ai họ bắt được”. Năm 1563, một thủy thủ là Caesar Frederick cảnh báo: “Bất cứ tàu thuyền nào không may dừng chân trên những hòn đảo này thì không ai sống sót trở về”.
Vì thế suốt một thời gian dài, kể cả thời kỳ quần đảo Andaman và quần đảo Nicobar gần đó bị thực dân Anh đô hộ vào năm 1850, những người Sentinel cũng vẫn được tự do sinh sống, săn bắn và biến hòn đảo thành thiên đường của riêng họ.
Cho đến năm 1880, đoàn thám hiểm Anh dẫn đầu là Maurice Vidal Portman đáp xuống, đi cùng là một nhóm cảnh sát vũ trang, đã bắt cóc cả một gia đình bộ tộc và đưa họ về cảng Blair trên quần đảo Andaman. Những người lớn trong gia đình thổ dân này đã tử vong lập tức và người Portman đã phải vội vàng trả 4 đứa trẻ trở lại đảo.
Trong gần một thế kỷ sau đó, những thổ dân trên đảo tiếp tục được tự do sinh sống. Tới năm 1970, một nhóm các nhà nhân chủng học đã tiếp cận được đảo, mang sổ sách và máy quay sẵn sàng. Họ được chào đón bởi một màn tên như mưa, sau đó chứng kiến màn “yêu đương” tập thể trên bãi biển, mà một trong những người quan sát mô tả là “một trong những kiểu yêu cộng đồng, một điệu nhảy điên cuồng của dục vọng”.
Người Sentinel đã thu hút sự quan tâm của quốc tế sau thảm họa sóng thần Ấn Độ Dương năm 2004, khi một trực thăng tuần tra bay qua chộp được cảnh họ đứng trên bãi biển, bắn tên vào máy bay.
Thi thoảng, thay vì bắn tên hoặc các vũ khí khác, những người đàn ông trong bộ tộc lại “chĩa” dương vật về phía người lạ đầy giận dữ. Nhưng thông điệp của họ thì không bao giờ thay đổi: “Hãy để chúng tôi được yên. Chúng tôi không muốn kết bạn với các người”.
Quyết định khước từ mọi liên hệ với thế giới bên ngoài của thổ dân Sentinel hóa ra là một quyết định khôn ngoan. Họ thường được nhắc tới như là những người còn sót lại từ thời kỳ Đồ đá, nhưng thế giới bên ngoài không có cơ hội để hiểu biết về họ. Họ còn được cho là đã quên cách làm ra lửa, vì thế họ giữ lửa cháy liên tục.
Điều kinh ngạc là toàn bộ thổ dân Sentinel được cho là đều sống sót trong thảm họa sóng thần năm 2004, khi 250.000 người dân xã hội hiện đại đã thiệt mạng. Họ được cho là có khả năng cảm nhận giống như động vật hoang dã, biết được sóng thần chuẩn bị tới và đã leo lên những cây lớn, mang theo cả ngọn lửa quý giá.
Năm 2011, từ một khoảng cách an toàn, người ta đã đếm được có 15 người trên đảo. Một cuộc khảo sát 10 năm trước đã ước tính số người trên đảo là 39.