Bộ LĐ-TB&XH: Cần những cách làm mới để hiện thực hóa mục tiêu xóa nhà dột nát

Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm ban hành nhiều chính sách hỗ trợ về nhà ở, đặc biệt là hỗ trợ nhà ở đối với các hộ nghèo. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn rất nhiều hộ nghèo, cận nghèo cần hỗ trợ về nhà ở.

Theo thống kê, tổng số hộ nghèo và hộ cận nghèo trên cả nước là 1.586.336 hộ (số hộ nghèo là 815.101 hộ, số hộ cận nghèo là 771.235 hộ); trong đó, tổng số hộ nghèo và cận nghèo thiếu hụt về chất lượng nhà ở là khoảng 315.000 hộ (trong đó số hộ nghèo thiếu hụt về chất lượng nhà ở là 230.540; số hộ cận nghèo thiếu hụt về chất lượng nhà ở là 84.489). Như vậy, dự kiến số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo cần hỗ trợ về nhà ở trên cả nước là khoảng 315.000 hộ.

Trong giai đoạn vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nhà ở như Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở; Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/08/2015 về hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 (chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg giai đoạn 2); Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung.

Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ nhà ở này hiện nay đã kết thúc.

Do vậy, việc nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách về hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo xóa nhà tạm, nhà dột nát là rất cần thiết. Mục tiêu của chính sách nhằm đảm bảo cho hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhà ở chắc chắn, an toàn, kể cả với các loại hình thiên tai thường xuyên của vùng, miền, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững, xóa bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát.

 Để hiện thực hóa mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trong năm 2025 cần một số phương pháp, cách làm mới. Ảnh minh họa. Nguồn VGP

Để hiện thực hóa mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trong năm 2025 cần một số phương pháp, cách làm mới. Ảnh minh họa. Nguồn VGP

Theo thông tin từ Bộ LĐ-TB&XH, tính từ năm 2000 đến 2023, với sự tham gia tích cực của các ban ngành, lực lượng, hơn 1,7 triệu căn đã được xây mới và sửa chữa cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, hiện nay, qua rà soát cả nước còn khoảng 400 ngàn căn nhà tạm, nhà dột nát, chưa đảm bảo “3 cứng” hoặc thiếu hụt về chất lượng.

Tại Chương trình phát động hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước với chủ đề "Mái ấm cho đồng bào tôi" diễn ra tối qua (5/10), Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã nhấn mạnh đây là thời điểm có ý nghĩa lịch sử, quan trọng để thực hiện Chương trình cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát.

“Theo thống kê của các địa phương, ngoài 2 nhóm đối tượng đã được hỗ trợ theo ngân sách nhà nước và chương trình mục tiêu quốc gia, cả nước còn 153.881 căn nhà tạm, nhà dột nát của hộ nghèo, hộ cận nghèo với kinh phí tối thiểu để thực hiện là 6.500 tỷ đồng. Hiện nay chúng ta đang trong chiến dịch 450 ngày đêm cao điểm Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát với mục tiêu là trong năm 2025 chúng ta phải hoàn thành 3 nhiệm vụ: Hỗ trợ nhà ở cho người có công khó khăn về nhà ở (khoảng 200 nghìn căn), do ngân sách nhà nước bảo đảm; Hỗ trợ nhà ở cho người dân theo các chương trình mục tiêu quốc gia (khoảng 88 ngàn căn nhà); Xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân ngoài 2 nhóm hỗ trợ trên”, ông Đào Ngọc Dung thông tin.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung tại Chương trình phát động hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước với chủ đề "Mái ấm cho đồng bào tôi" diễn ra tối 5/10/2024.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung tại Chương trình phát động hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước với chủ đề "Mái ấm cho đồng bào tôi" diễn ra tối 5/10/2024.

Từ góc độ của Bộ LĐ-TB&XH, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung kiến nghị một số phương pháp, cách làm mới để hiện thực hóa mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trong năm 2025. Trước tiên là đề cao tinh thần tự lực, tự cường của địa phương; phân chia các địa phương thành 4 nhóm (nhóm kinh tế phát triển sẽ tự đảm nhận; nhóm địa phương khó khăn, nhóm nghèo) có cơ chế huy động hỗ trợ phù hợp.

Thứ hai, đề xuất cấp có thẩm quyền cho phép sử dụng tiết kiệm chi thường xuyên năm 2024 của ngân sách địa phương và ngân sách Trung ương cùng với nguồn lực xã hội hóa để thực hiện theo cách vừa phân công, vừa giao chỉ tiêu hỗ trợ theo địa chỉ để các địa phương có điều kiện hỗ trợ các địa phương khác; vận động và phân công các Bộ, cơ quan, ngân hàng, doanh nghiệp hỗ trợ trực tiếp cho các địa phương khó khăn, địa phương nghèo.

Thứ ba, huy động sự chung tay góp sức, đồng lòng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, người dân, lan tỏa rộng khắp trong xã hội, cộng đồng theo tinh thần ai có gì góp đó, người góp sức, người góp của, không kể ít nhiều, miễn là cùng đi chung trên một con đường một mục tiêu cao cả và thiêng liêng là “Mái ấm cho đồng bào tôi”.

Trước đó, ngày 16/7/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 656/QĐ-TTg thành lập Quỹ cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo để tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện bằng tiền (bao gồm tiền mặt và chuyển khoản) của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác cho hoạt động xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định pháp luật.

Bộ Xây dựng cũng đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo xóa nhà tạm, nhà dột nát nhằm đảm bảo cho hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhà ở chắc chắn, an toàn, kể cả với các loại hình thiên tai thường xuyên của vùng, miền, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững, xóa bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát. Dự thảo đàng được lấy ý kiến của nhân dân trên Cổng TTĐT của Bộ.

Hồng Minh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/bo-ld-tbxh-can-nhung-cach-lam-moi-de-hien-thuc-hoa-muc-tieu-xoa-nha-dot-nat-post527753.html