Bộ LĐ-TB-XH lên tiếng việc bị CIEM nhận định 'đi ngược chỉ đạo của Thủ tướng'

Bộ LĐ-TB-XH cho rằng Bộ đã thực hiện đúng theo chức năng, nhiệm vụ được Chính phủ giao và đã thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng về việc cắt giảm, đơn giản danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành.

Nhiều chuyên gia nhận định việc cắt giảm điều kiện kinh doanh không thực chất - Ảnh: VTV

Nhiều chuyên gia nhận định việc cắt giảm điều kiện kinh doanh không thực chất - Ảnh: VTV

Tại hội thảo "Môi trường kinh doanh Việt Nam 2016-2019 qua xếp hạng Doing Business: Kết quả và một số gợi ý cải cách" do Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức mới đây, cơ quan này nhận định Bộ LĐ-TB-XH đi ngược chỉ đạo của Thủ tướng.

Cụ thể, báo cáo của CIEM nhận định Bộ LĐ-TB-XH về quản lý, kiểm tra chuyên ngành, quá trình chậm cải cách, thậm chí có những văn bản đi ngược với chỉ đạo của Chính phủ hoặc thể hiện cải cách hình thức, thiếu thực chất.

Ví dụ, trước đây Bộ LĐ-TB-XH thực hiện quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, sau khi Chính phủ yêu cầu các bộ rà soát, sửa đổi những quy định nhằm cắt giảm 50% danh mục mặt hàng quản lý, kiểm tra chuyên ngành và quản lý danh mục các mặt hàng theo mã HS thì Bộ LĐ-TB-XH dường như “khai thác” cơ hội này để ban hành quy định về danh mục hàng hóa nhóm 2 của Bộ với việc bổ sung danh mục nhiều hàng hóa (Thông tư 22/2018). Điều này là phản cải cách và đi ngược với chỉ đạo của Thủ tướng.

Liên quan đến vấn đề này, thông tin đến báo điện tử Một Thế Giới, Bộ LĐ-TB-XH cho rằng nhận định trên là không chính xác, Bộ không đi ngược chỉ đạo của Thủ tướng.

Theo Bộ, trước năm 2017, theo quy định tại khoản 2 điều 3 Nghị định 06/CP ngày 20.1.1995, việc nhập khẩu các loại máy, thiết bị, vật tư, các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh lao động được Bộ Thương mại cho phép sau khi trao đổi và được sự nhất trí của cơ quan thanh tra nhà nước về an toàn lao động hoặc vệ sinh lao động. Bộ LĐ-TB-XH đã ban hành Thông tư liên bộ số 26/TT-LB ngày 3.10.1995 hướng dẫn việc nhập khẩu các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiệm ngặt về an toàn lao động.

Quy định tại điểm f khoản 1 và khoản 1 điều 27 Nghị định 179/2004/NĐ-CP cũng giao Bộ LĐ-TB-XH thực hiện kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên thị trường trong nước và hàng hóa nhập khẩu đối với “máy, thiết bị, vật tư và các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, an toàn đối với công trình vui chơi công cộng”.

Theo quy định tại Quyết định số 50/200/QĐ-TTg ngày 7.3.2006 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra chất lượng, Bộ LĐ-TB-XH có trách nhiệm thực hiện quản lý công tác kiểm tra chất lượng đối với các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động và phương tiện bảo vệ cá nhân trong khâu sản xuất, nhập khẩu và lưu thông.

Cùng với đó, quy định tại điểm e khoản 2 điều 32 Nghị định 132/2008/NĐ-CP, Bộ LĐ-TB-XH được giao nhiệm vụ quản lý chất lượng đối với hàng hóa là máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động và phương tiện cá nhân trong sản xuất. Theo đó, Bộ đã ban hành danh mục hàng hóa nhóm 2 tại Thông tư 03/2010/TT-BLĐTBXH ngày 19.1.2010. Danh mục gồm 32 nhóm sản phẩm, hàng hóa.

Từ năm 2017, Thủ tướng ban hành quyết định số 37/2017/QQD-TTg ngày 17.8.2017 bãi bỏ Quyết định số 50/2006/QĐ-TTg; Ban hành Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15.5.2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 132/2008/NĐ-CP ngày 31.12.2008 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa giao Bộ LĐ-TB-XH thực hiện công tác kiểm tra chất lượng trong nhập khẩu đối với các sản phẩm đặc thù an toàn lao động, phương tiện bảo vệ cá nhân, thiết bị dạy nghề.

Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19-2017/NĐ-CP ngày 6.2.2017 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng năm 2020 và Nghị quyết 01/NĐ-CP ngày 1.1.2018 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

Theo đó, danh mục sản phẩm hàng hóa nhóm của các bộ phải điều chỉnh đảm bảo các yêu cầu: cắt giảm, đơn giản (thay đổi phương thức kiểm tra từ trước thông quan sang sau thông quan) tối thiểu 50%; hàng hóa trong danh mục phải bao gồm mã HS và tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật làm căn cứ kiểm tra.

Do đó, Bộ LĐ-TB-XH đã ban hành Danh mục hàng hóa nhóm 2 cắt giảm từ 32 nhóm sản phẩm xuống còn 19 nhóm; 6 sản phẩm hàng hóa chuyển phương thức kiểm tra sau thông quan; 1 sản phẩm thống nhất cơ quan kiểm tra chất lượng nhập khẩu về Bộ GTVT (xe nâng hàng). Vì vậy, tổng số sản phẩm hàng hóa cắt giảm, đơn giản đạt 61%.

Bộ LĐ-TB-XH cho rằng Bộ đã thực hiện đúng theo chức năng, nhiệm vụ được Chính phủ giao và đã thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng về việc cắt giảm, đơn giản danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành.

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/bo-ld-tb-xh-len-tieng-viec-bi-ciem-nhan-dinh-di-nguoc-chi-dao-cua-thu-tuong-125085.html