Bộ luật hà khắc xử ném đá đến chết những người ngoại tình bị phản đối
Nếu như ở nhiều quốc gia, ngoại tình chỉ được coi hành vi trái đạo đức chứ không đến mức là tội phải chịu trừng phạt. Nếu có cũng mới chỉ dừng lại ở những hình phạt như phạt cảnh cáo, bồi thường tiền bạc hoặc có thể sẽ phải ngồi tù. Thế nhưng, riêng ở Brunei, ngoại tình là một tội nặng, bị trừng phạt bằng án tử hình. Đặc biệt, cách tử hình những người này sẽ là bị ném đá tới chết.
Chuyện “vụng trộm” ở mọi nơi
Ở một số nước Đông Á như Hàn Quốc, Triều Tiên, Đài Loan thường xem ngoại tình là tội hình sự và có thể phạt tù giam. Hàn Quốc có luật trừng trị ngoại tình nghiêm khắc, mức án dành cho người ngoại tình (cả chồng/vợ và tình nhân) tối đa là 2 năm tù giam.
Luật Hôn nhân Trung Quốc sửa đổi tháng 7/2012 quy định một khi phát hiện vợ/chồng ngoại tình, người kia có thể kiện ra tòa đơn phương xin ly hôn và yêu cầu vợ/chồng ngoại tình bồi thường cho tổn thất tinh thần và cả thể xác.
Hay luật hiện hành của Ấn Độ định nghĩa ngoại tình là quan hệ luyến ái giữa phụ nữ có chồng và đàn ông không phải chồng mình. Người tình nhân, bất kể có vợ hay chưa, sẽ phải chịu 5 năm tù giam, trong khi đó người phụ nữ không bị hề hấn gì. Đây có lẽ là luật trừng phạt ngoại tình duy nhất trên thế giới ưu ái phụ nữ.
Còn ở Mỹ thì luật pháp lại tùy thuộc từng bang. Tính đến năm 2012 có 23 bang xem ngoại tình là một tội. Các bang Wisconsin, Michigan, Massachusetts, Idaho, Oklahoma xem đó là trọng tội, hình phạt tối đa có thể là tù chung thân. Các bang còn lại như New York, Maryland, South Carolina, Utah, Florida, Alabama xem đó là khinh tội, hình phạt thường là một khoản phạt từ 10 USD đến 500 USD và/hoặc một mức tù giam không quá 1 năm. Các bang còn lại đều lên án ngoại tình là hành vi trái đạo đức nhưng không đến mức là tội phải chịu trừng phạt.
Tuy nhiên từ thế kỷ 21, Liên Hợp quốc và nhiều tổ chức quốc tế kêu gọi các nước thôi xem ngoại tình là tội hình sự. Một trong những lý do phản đối xem ngoại tình là tội hình sự vì điều này góp phần làm tình trạng phân biệt và đối xử bạo lực với phụ nữ trầm trọng hơn, ngăn cản phụ nữ công khai các trường hợp bị cưỡng hiếp hay bị tấn công tình dục (vì sợ bị xem là đồng lõa ngoại tình), đặc biệt các luật thiên vị nam giới, tạo thuận lợi cho các tội ác chống lại phụ nữ gia tăng.
Cách xử tội hà khắc nhất hành tinh
Thế nhưng ở Brunei - một quốc gia nhỏ bé ở Đông Nam Á, nơi từng nằm dưới sự bảo hộ của Anh, với dân số 420.000 người. Gần 70% người dân Brunei là người theo đạo Hồi, còn thiểu số còn lại là người gốc Hoa và các dân tộc khác.
Vào năm 2013, vua Hassanal Bolkiah của Brunei tuyên bố bắt đầu ban hành Bộ hình luật Sharia (luật đạo Hồi) mới sau nhiều năm chuẩn bị. Bộ luật nghiêm khắc này sẽ có hiệu lực sau 6 tháng và được thi hành theo từng bước. Thời điểm đó, bộ hình luật mới được ban hành dựa trên mức độ vi phạm của từng vụ việc. Theo đó, kẻ phạm tội sẽ phải chịu các mức án cực kỳ hà khắc như bị ném đá đến chết với tội ngoại tình, chặt tay đối với tội trộm cắp và bị đánh roi đối với các hành vi khác như phá thai hay uống rượu...
Tuy nhiên, việc thực thi đã bị trì hoãn để các quan chức tìm ra những cách áp dụng thực tế, cũng như luật vấp phải sự phản đối gay gắt của các nhóm nhân quyền trên thế giới. Ngoài ra, sự phản đối của công chúng đã khiến kế hoạch áp dụng những hình phạt dã man nhất đã không được triển khai. Nhiều người hy vọng rằng, chính phủ đã lặng lẽ quyết định xóa bỏ luật.
Song bất chấp làn sóng phẫn nộ và phản đối, vào ngày 3/4/2019, luật đã có hiệu lực tại Brunei “không kèn không trống”, thậm chí không được nhắc đến. Theo thông báo từ Văn phòng Thủ tướng Brunei, “Luật Sharia, ngoài việc hình sự hóa và răn đe các hành vi trái với giáo lý Hồi giáo, còn nhằm mục đích giáo dục, tôn trọng và bảo vệ các quyền chính đáng của mọi cá nhân, xã hội hoặc quốc tịch thuộc bất kỳ tín ngưỡng và chủng tộc nào”.
Lần này, ngoài ném đá đến chết với tội ngoại tình, luật cũng có hình phạt tử hình đối với tội hiếp dâm, cướp bóc hoặc phỉ báng nhà tiên tri Mohammad. Ngoài ra, còn có hình phạt quất roi với tội phá thai và phạt hình sự cho việc đưa trẻ em Hồi giáo tiếp xúc với niềm tin của một tôn giáo khác. Hình phạt mới cho hành vi trộm cắp là cắt cụt tay phải đối với lần vi phạm đầu tiên và bàn chân trái đối với lần vi phạm thứ hai. Luật chủ yếu áp dụng cho người Hồi giáo, mặc dù một số điều sẽ áp dụng cho người không theo Hồi giáo.
Bị lên án kịch liệt
Quốc vương Brunei đã thúc đẩy giáo luật Sharia từ những năm 90, mặc dù các thành viên khác trong hoàng gia không tuân theo chuẩn mực của ông. Điển hình nhất là người anh trai của ông, Hoàng tử Jefri, có cuộc sống phóng túng với “hậu cung” gồm nhiều nhân tình người ngoại quốc.
Các tổ chức nhân quyền đã kịch liệt phản đối, lên án mạnh mẽ và kêu gọi Brunei “dừng ngay lập tức” việc thi hành các hình phạt mới. Luật chỉ trích là vô nhân đạo, lạc hậu và man rợ.
Liên Hợp quốc gọi bộ luật của Brunei là tàn nhẫn và rằng nó đánh dấu một thất bại nghiêm trọng trong việc bảo vệ nhân quyền. “Việc hợp pháp hóa các hình phạt tàn nhẫn và vô nhân đạo như vậy vốn đã là kinh khủng”, AFP dẫn lời bà Rachel Chhoa-Howard, nghiên cứu viên về Brunei của Tổ chức Amnesty International.
Hãng AFP cũng dẫn tuyên bố của Cao ủy Liên Hợp quốc về Nhân quyền, bà Michelle Bachelet trong một thông báo: “Tôi kêu gọi Chính phủ Brunei không đưa vào thực thi bộ luật hình sự mới hà khắc này vì nó sẽ đánh dấu sự thụt lùi nghiêm trọng trong việc bảo vệ nhân quyền cho người dân Brunei, nếu điều đó diễn ra”.
Trên tài khoản Twitter cá nhân, cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden viết: “Ném đá con người chết vì đồng tính luyến ái hay ngoại tình là kinh khủng và vô đạo đức. Mọi người trên trái đất đều có quyền được đối xử với phẩm giá và sống mà không sợ hãi. Chẳng có lời bào chữa nào - trái với văn hóa, truyền thống - để lý giải cho hành động thù ghét và vô nhân đạo này”.
Các nghệ sĩ nổi tiếng thế giới, trong đó có diễn viên George Clooney và ca sĩ Elton John, cũng phản đối và kêu gọi tẩy chay, không sử dụng dịch vụ tại các khách sạn hạng sang thuộc sở hữu của hoàng gia Brunei, như chuỗi khách sạn Beverly Hills tại Anh, khách sạn Bel-Air ở Los Angeles và một loạt khách sạn sang trọng khác ở Paris và Milan.
Một số người Brunei đang hy vọng rằng, cuối cùng, tất cả các điều luật này sẽ biến mất và cuộc sống sẽ sớm trở lại như bình thường. “Luật này có thể cho họ một lý do để đàn áp những người không trung thành với ngai vàng. Trong khi đó, những người không trung thành với ngai vàng thường là những người tự do và tiến bộ hơn và có thể đang làm tất cả những chuyện như ngoại tình”, Ali - một nghệ sĩ cho biết.
“Tôi không thể tưởng tượng ra việc ai đó phải chịu hình phạt này. Đây không phải là Brunei mà tôi biết, ít nhất không phải là đất nước nơi tôi lớn lên. Tương lai không sáng sủa, ảm đạm. Chúng tôi không biết những gì sắp xảy đến với mình”, Anna, một người trẻ tuổi, nói về luật mới.