Bộ luật Lao động cần quan tâm tới 'tính thời vụ'

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa có kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định trong Dự thảo Bộ luật Lao động mới sao cho phù hợp với đặc thù 'thời vụ' của một số ngành sản xuất và xuất khẩu hàng hóa quan trọng hiện nay.

Theo VASEP, nhiều ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn của Việt Nam hiện nay như dệt may, da giày, chế biến xuất khẩu thủy sản… đều có một điểm chung là mang “tính mùa vụ”. Đơn cử như đối với ngành dệt may, da giày hầu hết chỉ tập trung vào mùa noel (tháng 12 hàng năm) có nghĩa là chỉ có hoạt động sản xuất nhiều khoảng 5-6 tháng/năm.

Các DN chế biến thủy sản cũng tương tự như vậy, đa phần đều phụ thuộc yếu tố mùa vụ, bao gồm cả mùa vụ nguyên liệu và mùa vụ đơn hàng.

Nếu tiếp tục tăng lương lũy tiến làm thêm giờ theo Dự thảo, DN sẽ phải chi trả tiền lương làm thêm giờ rất cao cho NLĐ

Nếu tiếp tục tăng lương lũy tiến làm thêm giờ theo Dự thảo, DN sẽ phải chi trả tiền lương làm thêm giờ rất cao cho NLĐ

Ngay cả đơn hàng cũng có tính mùa vụ. Ví dụ như khách hàng EU, Nhật, Mỹ hay đặt hàng nhiều vào cuối hè và mùa thu (thường từ cuối tháng 6 đến tháng 10 hàng năm) để chuẩn bị hàng cho lễ Tạ ơn và lễ Noel, năm mới...

Trong khi với quy định thời giờ làm việc là 48 giờ/tuần như hiện nay, các máy móc thiết bị trong nhà máy vận hành vẫn có thể đảm bảo công suất. Tuy nhiên nếu giảm còn 44 giờ/tuần sẽ làm cho nhà máy chạy dưới công suất (hoạt động cầm chừng).

Bên cạnh đó, dù làm việc theo 48 giờ/tuần hay 44 giờ/tuần thì DN cũng phải mất nhiều chi phí cho việc cài đặt, vận hành, duy trì, bảo dưỡng để máy móc được hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên điều dễ nhận thấy rằng đáng lẽ ra chi phí này là tương ứng với hoạt động sản xuất trong 48 giờ/tuần thì nay với quy định mới chi phí sẽ phải trả tương ứng 44 giờ/tuần khiến DN không còn lợi nhuận do phải thanh toán các chi phí vận hành.

Hơn nữa, vào mùa vụ thu hoạch/khai thác là thời điểm hầu hết hiện nay các DN đều thực hiện quá số giờ làm thêm quy định. Bất cập hiện hành còn chưa được khắc phục thì nay nếu quy định về thời giờ làm thêm giảm 44 giờ/tuần có hiệu lực thi hành thì chắc chắn DN sẽ tiếp tục vi phạm.

Chưa kể, việc giảm giờ làm còn tác động trực tiếp đến thu nhập của người lao động (NLĐ). Nếu thực hiện quy định của pháp luật theo hướng giảm còn 44 giờ/tuần thì thu nhập của NLĐ đương nhiên sẽ bị giảm đi. Điều này buộc NLĐ phải đi làm thêm các công việc khác để kiếm sống, gây ra bất ổn thị trường lao động.

Đặc biệt, do mang đặc thù mùa vụ nên DN có rất ít thời gian khai thác tối đa lợi nhuận. Vào thời điểm mùa vụ là lúc cần tận dụng tối đa thời gian làm thêm giờ để khai thác tối đa hoạt động sản xuất của mình. Đây cũng là lúc NLĐ làm việc có cơ hội để tăng thu nhập lo trang trải cho cuộc sống vào những thời điểm không có việc để làm. Nhưng theo Dự thảo lần này, quy định về giới hạn giờ làm thêm không đáp ứng được mong muốn đó, DN không đáp ứng được đơn hàng để xuất khẩu, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích quốc gia về kim ngạch xuất khẩu và cả lợi ích của NLĐ khi chính bản thân họ đều có nhu cầu được làm thêm giờ để tăng thu nhập trong thời điểm đó.

Một bất cập nữa ở chỗ, tiền lương làm thêm giờ theo quy định hiện hành đang ở mức cao, tương đương với đa phần các nước trên thế giới, thậm chí ngang bằng hoặc cao hơn nhiều nước phát triển. Vì vậy, nếu tiếp tục tăng lương lũy tiến làm thêm giờ theo quy định của Dự thảo, DN sẽ phải chi trả tiền lương làm thêm giờ rất cao cho NLĐ khiến cho giá thành sản phẩm khi xuất khẩu phải đẩy lên, DN vốn đã khó cạnh tranh trên thị trường quốc tế thì nay càng khó khăn hơn.

Ngoài thời gian sản xuất trọng tâm, quãng thời gian còn lại NLĐ hầu như không có hoặc rất ít việc để làm. Tuy nhiên, DN vẫn thực hiện nghĩa vụ trả lương đầy đủ để đảm bảo trách nhiệm an sinh xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích cho NLĐ. Với hàng loạt các áp lực trên, nếu giữ nguyên cơ chế theo quy định của Dự thảo, rất có thể nhiều DN sẽ phải đóng cửa vì không còn đủ vốn để tiếp tục hoạt động.

Vì vậy, “để DN Việt Nam không bị “chết” trên chính “sân nhà” bởi những quy định khắt khe của Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, nhà nước cần sửa đổi, bổ sung một số quy định trong Dự thảo Bộ luật Lao động mới sao cho phù hợp với đặc thù “thời vụ” của một số ngành sản xuất và xuất khẩu hàng hóa quan trọng hiện nay góp phần xây dựng nền kinh tế Việt Nam phát triển và hội nhập quốc tế”, VASEP kiến nghị.

Ngọc Mai

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/bo-luat-lao-dong-can-quan-tam-toi-tinh-thoi-vu-93656.html