Bộ mặt nhân viên sân bay Việt rất 'nghiêm túc', cần bồi dưỡng để họ cười?

Ông Martin Koerner nhận xét: Khi khách đến Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài, nhân viên không thể hiện sự chào đón mà là bộ mặt rất 'nghiêm túc'.

Ngày 22-3, tại Hà Nội đã diễn ra tọa đàm "Hiến kế hút khách quốc tế". Sự kiện do Báo Đầu tư tổ chức nhằm tạo diễn đàn để các chuyên gia và các doanh nghiệp trong và ngoài nước thảo luận về những vấn đề đặt ra đối với ngành du lịch của Việt Nam, đặc biệt là đề xuất những giải pháp để thúc đẩy thu hút dòng khách quốc tế.

Thị thực vẫn khó khăn

Mở đầu bằng việc khẳng định, du lịch là một trong những ngành kinh tế năng động nhất và tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới hiện nay, Tổng Biên Tập Báo Đầu tư Lê Trọng Minh cho rằng: Việc phục hồi và phát triển ngành du lịch sẽ mang nhiều ý nghĩa tích cực như tạo nhiều cơ hội việc làm mới, hỗ trợ chuyển dịch lao động dôi dư các ngành sản xuất đang gặp khó khăn do thị trường xuất khẩu thu hẹp.

Tọa đàm thu hút đông đảo sự tham dự của các chuyên gia và các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Ảnh: VT.

Tọa đàm thu hút đông đảo sự tham dự của các chuyên gia và các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Ảnh: VT.

Tiến sĩ Nuno F. Ribeiro, Phó chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam trình bày tham luận của mình cho rằng, cải cách thủ tục hành chính là một trong những vấn đề quan trọng để cải thiện khách du lịch đến Việt Nam.

“Tôi biết quá trình ngoại giao rất khó, phức tạp nhưng làm càng tốt chúng ta càng được hưởng lợi. Việt Nam nên mở rộng diện miễn visa, mở rộng thị thực điện tử. Không có nghiên cứu nào cho thấy luật càng lỏng lẻo thì khách càng nhiều. Hãy nhìn Singapore, chúng ta thấy luật của họ chặt chẽ nhưng khách vẫn nhiều. Trong khi Việt Nam cũng có những điều luật về cấm chèo kéo khách du lịch nhưng có lẽ điều này vẫn còn”- tiến sĩ Nuno F. Ribeiro nói.

Ông Martin Koerner, Trưởng tiểu Ban Du lịch, Diễn Đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), Chủ tịch tiểu ban Du lịch và Khách sạn, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) thì cho rằng: Việt Nam cần cải thiện chính sách visa. Chính sách visa của Việt Nam so với Thái Lan, Singapore quá hạn chế và phức tạp.

Theo ông Martin Koerner, tuần trước Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có kết luận mở rộng visa cho du khách quốc tế, tuy nhiên mọi thứ đang diễn biến rất chậm.

"Tôi đến Thái Lan thấy ngay ở sân bay họ đã thể hiện sự thân thiện và thể hiện thái độ của chủ nhà chào mừng khách đến Thái. Trong khi khách đến Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài thấy nhân viên không thể hiện sự chào đón mà là bộ mặt rất "nghiêm túc". Vì vậy có lẽ cần bồi dưỡng để họ có thể mỉm cười khi gặp du khách’- ông Martin Koerner nói.

Tiến sỹ Nuno F. Ribeiro, Phó chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam. Ảnh: VT.

Tiến sỹ Nuno F. Ribeiro, Phó chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam. Ảnh: VT.

Trưởng ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB) Hoàng Nhân Chính cũng cho rằng, “Ngành du lịch cần chú trọng đặc biệt tới việc tạo điều kiện thuận lợi về thị thực, bao gồm thị thực điện tử và miễn thị thực”.

Kinh nghiệm từ Thái Lan

Trình bày tham luận từ thực tiễn của du lịch Thái Lan, bà Nareekarn Srichainak, Bí thư thứ Nhất, Đại sứ quán Thái Lan tại Hà Nội đánh giá, ngành du lịch Thái Lan và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng trong văn hóa và cảnh sắc thiên nhiên, chính vì vậy, Việt Nam có thể học hỏi bài học kinh nghiệm thu hút thành công khách quốc tế của Thái Lan để áp dụng cho ngành du lịch nước nhà.

Chia sẻ về các yếu tố giúp du lịch Thái Lan thành công thu hút khách quốc tế, bà Nareekarn Srichainak bày tỏ: “Đầu tiên, chúng tôi xây dựng một môi trường chính sách kiến tạo, thiết lập trung tâm phản ứng y tế, phân cấp phân quyền địa phương nhằm ứng phó các vấn đề liên quan đến dịch bệnh.

Tiếp theo là nâng cấp dịch vụ trong nước trong thời gian chờ khách du lịch nước ngoài quay lại. Bên cạnh đó, chúng tôi hợp tác chặt chẽ với các cơ quan y tế liên ngành để đảm bảo y tế và nâng cao nhận thức của người dân".

Ngoài ra, theo bà Nareekarn Srichainak, nước bạn cũng hợp tác mật thiết với Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông vận tải nhằm tìm kiếm mô hình phù hợp có mức độ ảnh hưởng tiêu cực thấp nhất với các địa phương. Song song quá trình đó, chúng tôi cũng có những chương trình hợp tác quốc tế như chương trình “bong bóng” du lịch đường không với Ấn Độ.

Kết thúc phần chia sẻ kinh nghiệm, Bà Nareekarn Srichainak nhấn mạnh: “Thái Lan sẵn sàng cùng Việt Nam thúc đẩy phát triển du lịch.

VIẾT THỊNH

Nguồn PLO: https://plo.vn/bo-mat-nhan-vien-san-bay-viet-rat-nghiem-tuc-can-boi-duong-de-ho-cuoi-post725092.html