Bộ máy hành chính cấp huyện, xã đang 'phình to' và bài toán sáp nhập

30 năm qua, số đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện và cấp xã đã tăng lên đáng kể. Đáng nói, rất nhiều đơn vị có quy mô dân số và diện tích tự nhiên chưa đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định hiện hành. Do vậy, xu thế sáp nhập các đơn vị này là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, việc sáp nhập cũng đặt ra nhiều vấn đề đòi hỏi phải được giải quyết một cách thấu tình đạt lý…

Sẽ có đề án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã

Số liệu thống kê cho thấy, trong vòng 30 năm (1986-2016), ĐVHC cấp huyện được tổ chức lại trên cơ sở chia tách tăng từ 431 lên 713 đơn vị; ĐVHC cấp xã cả nước tăng từ 9.657 lên 11.162. Theo đánh giá của các chuyên gia, việc tăng số lượng ĐVHC như vậy dẫn đến bộ máy các cơ quan Nhà nước ngày càng cồng kềnh, biên chế ngày càng tăng. Ngân sách Nhà nước không chỉ phải tăng chi lương cho số biên chế tăng thêm, mà còn phải tăng chi cho việc xây dựng cũng như vận hành trụ sở, mua sắm trang thiết bị làm việc, các khoản chi thường xuyên khác cũng tăng thêm.

Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 đã quy định rõ tiêu chuẩn với các ĐVHC ở nông thôn, miền núi, vùng cao, thành thị. Chiếu theo nghị quyết này, cả nước đang có 259/713 ĐVHC cấp huyện chưa đạt 50% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên hoặc quy mô dân số (chiếm 36,33%); trong đó, 18 đơn vị đồng thời chưa đạt 50% tiêu chuẩn cả hai tiêu chí, 16 đơn vị sẽ phải tiến hành sáp nhập. Cấp xã cũng có tới 6.191 đơn vị chưa đạt 50% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên hoặc quy mô dân số (chiếm 55,46%); trong đó 637 đơn vị đồng thời chưa đạt cả 50% tiêu chuẩn cả hai tiêu chí.

Theo Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) Phan Văn Hùng, hiện nay, Bộ Nội vụ đang tổng hợp ý kiến, hoàn thiện dự thảo đề án tổng thể sắp xếp các ĐVHC cấp huyện và cấp xã từ nay đến năm 2021 để trình cấp có thẩm quyền xem xét.

 Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 quy định, xã miền núi phải có diện tích tối thiểu 50km2. Ảnh: TRỌNG HẢI.

Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 quy định, xã miền núi phải có diện tích tối thiểu 50km2. Ảnh: TRỌNG HẢI.

Lượng hóa những vấn đề định tính

Góp ý với dự thảo Đề án tổng thể sắp xếp các ĐVHC cấp huyện và cấp xã từ nay đến năm 2021, có ý kiến băn khoăn về những vấn đề được nêu ra chỉ mang tính định tính; việc lựa chọn cán bộ đứng đầu sau sáp nhập có dẫn tới tình trạng chạy chọt và số lượng cán bộ cấp phó sau sáp nhập có bảo đảm theo đúng quy định hiện hành hay không?…

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa khi trả lời câu hỏi của phóng viên đã nhấn mạnh tới việc lượng hóa những vấn đề còn mang tính định tính trong dự thảo đề án để sẵn sàng giải pháp cho những tình huống phát sinh trong thực tế. Ví dụ, yếu tố văn hóa đặc thù, vị trí chiến lược quan trọng là những vấn đề cần được lượng hóa. “Hiện nay, nhiều cái định tính khi đọc, nghe thì rất tốt, như đề nghị tăng cường nọ kia, giữ ổn định, có tính kế thừa, bảo đảm chính sách cán bộ, nhưng đúng là phải lượng hóa được. Bất cứ trường hợp nào xảy ra cũng phải có phương pháp xử lý hiệu quả, hợp lý”, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa nói.

Về công tác cán bộ, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa nêu ví dụ, khi sáp nhập xã A và xã B thành xã AB, thì chủ tịch UBND xã A hay chủ tịch UBND xã B sẽ được chọn làm chủ tịch UBND xã AB? Việc lựa chọn cán bộ trong trường hợp này sẽ theo quy trình của ban thường vụ huyện ủy, từ đánh giá cán bộ, tiêu chuẩn cán bộ cho đến phương án bố trí cán bộ. Cùng với việc lựa chọn cán bộ sau sáp nhập, cũng cần đặt ra vấn đề sắp xếp với những người đang làm lãnh đạo nhưng thôi làm lãnh đạo, vấn đề độ trễ về thời gian để giải quyết số lượng cấp phó tăng lên…

Giảm cấp phó cần có độ trễ thời gian

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa cho rằng, chuyện chia tách, sáp nhập là bình thường để sắp xếp bộ máy tổ chức, bố trí con người tốt nhất, phục vụ nền hành chính, chính quyền mạnh mẽ nhất, hiệu quả nhất, hiệu lực nhất. Nếu công tác dự báo, phân tích dữ liệu khoa học và sắp xếp được tiến hành hợp lý thì bộ máy sẽ phát huy hiệu quả cao nhất. Việc sáp nhập có thể sẽ làm tăng thêm cấp phó. Ví dụ, khi sáp nhập Hà Nội và Hà Tây, cấp phó ở các cơ quan xoay quanh con số 10 người. Dự thảo đề án đã sắp xếp một cách khoa học, có tính đến độ trễ và có lộ trình, sau khi sáp nhập có thể số lượng cấp phó tăng, nhưng sau một thời gian nhất định phải trở về với quy định chung. Quan điểm chỉ đạo là, sau sắp xếp, cố gắng bảo đảm theo đúng quy định về công tác cán bộ. Tuy nhiên, tùy từng trường hợp cụ thể có thể xem xét để có lộ trình giảm dần.

Về những ý kiến băn khoăn, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa nêu quan điểm: “Đã làm cái gì đổi mới đều khó khăn cả, đều phải chấp nhận khó khăn để tiến tới làm tốt hơn. Nếu đã ngại va chạm, ngại đổi mới, chấp nhận những gì đang có, đang trì trệ hằng ngày thì không có đổi mới”.

Tuy vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau xung quanh bộ tiêu chuẩn ĐVHC, nhưng qua những con số thống kê cụ thể cho thấy xu hướng thu gọn đầu mối ĐVHC cấp huyện, xã là cần thiết và khó né tránh. Để tiến tới sáp nhập các ĐVHC cấp xã, huyện, trước mắt là những đơn vị không đáp ứng đủ cả hai tiêu chuẩn về quy mô dân số và diện tích tự nhiên còn nhiều vấn đề thực tiễn đặt ra cần phải giải quyết thấu tình đạt lý. Do đó, sự thận trọng và tinh thần sẵn sàng lắng nghe ý kiến góp ý trong trường hợp này là rất quan trọng để bảo đảm rằng, đề án sau khi được ban hành sẽ có tính khả thi cao, góp phần xây dựng được một bộ máy hành chính thực sự tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

CHIẾN THẮNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/bo-may-hanh-chinh-cap-huyen-xa-dang-phinh-to-va-bai-toan-sap-nhap-548963