Bố, mẹ, con trai, con gái có những quyền gì?

Khi con viết nhật ký hay con có những ý kiến, quan điểm riêng thì bố mẹ thường đánh giá bằng nhận thức và tư duy của người lớn và cho rằng nhu cầu, quan điểm của con là không phù hợp, không chính xác.

Sự kiện thu hút được nhiều học sinh tham gia trao đổi.

Sự kiện thu hút được nhiều học sinh tham gia trao đổi.

Đó là một trong những dẫn chứng mà TS Giáo dục Nguyễn Thị Bích Thủy nêu ra tại cuộc tọa đàm do NXB Kim Đồng phối hợp với Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội tổ chức ngày 6/11, nhân dịp ra mắt bộ sách mua bản quyền từ Pháp “Tuyên bố về quyền”. Theo TS Bích Thủy, trong xã hội ngày nay, nhiều bậc phụ huynh chưa quan tâm đúng, đủ với các quyền của các con.

TS Giáo dục Nguyễn Thị Bích Thủy là giảng viên khoa Các khoa học giáo dục trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, ngoài ra chị còn cộng tác với Un Women và Unicef. Là chuyên gia về các vấn đề xã hội - bình đẳng giới, tâm lý học xã hội, TS Thủy cho rằng, thực tế có những quyền mà trong xã hội hiện đại rất đề cao như quyền tôn trọng đời sống riêng tư hay quyền được học tập, được tự do ngôn luận tuy nhiên, ở trong gia đình, những quyền này chưa được nhiều phụ huynh chưa quan tâm đến. Theo TS Thủy, bố mẹ không biết được rằng chính chúng ta đang vi phạm quyền của con.

Qua bộ sách do dịch giả Hải Ngân chuyển ngữ, NXB Kim Đồng ấn hành, gồm 4 cuốn: Tuyên bố quyền của bố, Tuyên bố quyền của mẹ, Tuyên bố quyền của con trai, Tuyên bố quyền của con gái, các bậc phụ huynh lẫn các bạn đọc nhỏ tuổi biết được hàng loạt quyền nhằm nhắc nhở rằng việc tôn trọng sự bình đẳng giữa tất cả mọi người là vô cùng cần thiết trong xã hội hiện đại.

Đây là bộ sách của Pháp đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, làm thay đổi suy nghĩ và những định kiến vốn có về quyền của mỗi người trong cuộc sống...

Bộ sách đã có mặt trên các hiệu sách.

Bộ sách đã có mặt trên các hiệu sách.

Bố, giống như mẹ, có quyền không hoàn hảo, hay lầm bầm khi con tè dầm, quyền làm “gà trống nuôi con”, quyền không thích thể thao, không biết sửa chữa và cũng chẳng cần cơ bắp. Bố có quyền sống hạnh phúc như trong câu chuyện tình yêu mà mình hằng mong ước…

Mẹ, giống như bố, có quyền không hoàn hảo, quyền biết sửa xe đạp, tỏa sáng trong công việc, được yên tĩnh khi ngồi đọc sách trong nhà vệ sinh hay quyền đi bước nữa và sống hạnh phúc như trong câu chuyện tình yêu mà mẹ hằng mong ước…

Con trai, giống như con gái, cũng có quyền khóc nhè, chơi búp bê, mặc quần áo màu hồng, học giỏi môn Tập đọc, có quyền thoát khỏi gánh nặng trở thành siêu anh hùng! Con gái, giống con trai, có quyền được ăn mặc lôi thôi, để tóc bù xù, được nghịch ngợm, châm chọc người khác, có quyền chọn nghề nghiệp mình yêu thích, tự do thoát khỏi cái mác công chúa!

Trao đổi với các em nhỏ tham gia sự kiện, TS Luật học Võ Khánh Linh (Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam) cho rằng, giá trị của quyền không dừng lại ở việc luật quy định và ghi nhận trẻ em có quyền mà còn ở vấn đề được biết về quyền của mình và được bố mẹ tạo điều kiện thực hiện quyền của mình.

Hoàng Thu Phố

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/bo-me-con-trai-con-gai-co-nhung-quyen-gi-522832.html