Bố mẹ là cảnh sát ở Trung Quốc, con cái bị từ chối visa vào Mỹ
Sinh viên Trung Quốc có cha mẹ làm việc ở các cơ quan an ninh trở thành nạn nhân cuộc đối đầu giữa Washington và Bắc Kinh, khi bị từ chối cấp thị thực nhập cảnh vào Mỹ để du học.
Trong khi Mỹ dần dỡ bỏ các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, tạo điều kiện cho sinh viên quốc tế trở lại du học, một số sinh viên Trung Quốc lại gặp trở ngại mới, mà nguyên nhân đến từ nghề nghiệp của cha mẹ họ, theo South China Morning Post.
Cha mẹ làm cảnh sát, con bị cấm nhập cảnh
Lucy Xu, sinh viên 19 tuổi, là một nạn nhân của chính sách thị thực mới. Mùa thu năm 2020, Xu đăng ký theo học tại một trường đại học của Mỹ. Suốt gần một năm qua, nữ sinh này tham gia các khóa học trực tuyến.
Giờ đây, hy vọng được đến Mỹ tham gia kỳ học vào mùa thu tới gần như tan biến bởi đơn xin thị thực của cô bị đình chỉ. Nguyên nhân bởi cha của Xu là sĩ quan cảnh sát ở thành phố Vũ Hán.
Xu cho biết đơn xin thị thực của cô nộp tại Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh và bị nhà chức trách Mỹ đình chỉ, ngay cả khi cô đã nhiều lần giải thích rằng cha mình chỉ là một sĩ quan cấp thấp.
Từ tháng 5, Mỹ dừng cấp thị thực nhập cảnh cho quan chức, nhân viên làm việc ở 4 cơ quan tình báo và an ninh của Trung Quốc. Vợ, chồng, con cái của những người này cũng sẽ không được cấp thị thực.
Theo thống kê được công bố chính thức, Trung Quốc có khoảng 2 triệu cảnh sát.
Với nữ sinh viên 19 tuổi Xu, cô không có lựa chọn nào khác ngoài đợi chờ phía Mỹ dỡ bỏ hạn chế nhập cảnh. Một nhân viên Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh nói những hạn chế chỉ là tạm thời.
"Tôi có lẽ không nên đánh giá mọi chuyện ở mức độ quan hệ giữa hai quốc gia. Nhưng đây có lẽ là một hình thức trừng phạt nào đó với Trung Quốc. Với tôi, một sinh viên bình thường, một công dân Trung Quốc bình thường, chờ đợi là điều duy nhất có thể làm được", Xu nói.
Một nạn nhân khác của lệnh cấm nhập cảnh là Tia Li, sinh viên 19 tuổi sống tại Cáp Nhĩ Tân. Li dự định theo học ngành quan hệ quốc tế tại Mỹ. Thế nhưng, đơn xin thị thực của cô bị từ chối cũng bởi cha là cảnh sát.
"Lúc đầu, tôi không hiểu chuyện gì xảy ra, bởi tôi chưa từng nghĩ nghề nghiệp của cha mẹ sẽ ảnh hưởng tới việc học của bản thân", Li nói.
Quyết định không cấp thị thực cho sinh viên có cha mẹ làm việc cho các cơ quan an ninh Trung Quốc là bước đi mới nhất của Washington, nhằm hạn chế sự xâm nhập của tình báo Bắc Kinh tại các cơ sở giáo dục ở Mỹ.
Từ tháng 5/2020, Mỹ đã hủy thị thực của hơn 1.000 sinh viên và nghiên cứu sinh Trung Quốc bị tình nghi có liên hệ với quân đội.
Sinh viên Trung Quốc vẫn thích đến Mỹ
Một năm đại dịch Covid-19 làm gián đoạn giao thông quốc tế, khiến sinh viên Trung Quốc không thể đến Mỹ du học. Trong tháng 5, Đại sứ quán và các Tổng lãnh sự quán Mỹ ở Trung Quốc đã mở lại dịch vụ cấp thị thực nhập cảnh cho sinh viên.
Tuy nhiên, công ty tư vấn giáo dục Gewai Education Consulting (trụ sở ở Bắc Kinh) cho biết Mỹ tạm thời không cấp thị thực cho những người làm việc tại 4 cơ quan Trung Quốc, gồm Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh quốc gia, Ủy ban Giám sát quốc gia, Bộ An ninh nhà nước, và Bộ Công an.
Quyết định này được đưa ra trên cơ sở Đạo luật Nhập cư và Quốc tịch. Ngoài đối tượng là công chức tại 4 cơ quan nhà nước nói trên, vợ, chồng và con cái dưới 21 tuổi của họ cũng không được cấp thị thực nhập cảnh vào Mỹ.
Guo Shize, chuyên gia về nhập cư và du học nước ngoài tại văn phòng luật Ying Zhong, nhận định chính sách thị thực mới chỉ là biện pháp ngắn hạn, và sẽ không khiến sinh viên Trung Quốc mất hứng thú với cơ hội học tập ở Mỹ.
Mỹ tiếp tục là một trong những điểm đến được sinh viên Trung Quốc ưa thích hàng đầu, ngay cả khi quan hệ giữa hai nước không được cải thiện dưới thời Tổng thống Joe Biden, ông Guo nhận xét.
"Nhu cầu (du học Mỹ) không hề hạ nhiệt dù quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc", ông Guo nói.
Số khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ để tới Mỹ tại văn phòng luật Ying Zhong tăng 50%, sau khi con đường nhập cảnh hợp pháp bị đóng hoàn toàn trong năm 2020 vì đại dịch, ông Guo cho biết.
Ngoài Mỹ, các nước châu Âu khác, đặc biệt là Anh, cũng đang thu hút lượng lớn du học sinh từ Trung Quốc.
Sau khi 3 năm liên tiếp vượt qua Mỹ, Anh trở thành đích đến du học được sinh viên Trung Quốc ưa chuộng nhất.
Theo ước tính của công ty tư vấn du học EIC Education, 30% du học sinh Trung Quốc lựa chọn Anh trong năm 2020.
Một số quốc gia nhỏ hơn ở châu Âu cũng đang tìm cách thu hút sinh viên Trung Quốc.
Tuomas Kauppinen, giám đốc một công ty giáo dục tại Phần Lan, cho biết nước này muốn đón tiếp 150.000 du học sinh nước ngoài trong những năm tới nhằm giải quyết vấn nạn thiếu hụt lao động.
Nhưng không dễ để các nước nhỏ ở châu Âu có thể giành được sự quan tâm của sinh viên Trung Quốc.
Qiao Xiangdong, CEO của công ty tư vấn giáo dục Gewai Education, cho biết ngay cả khi châu Âu có mức học phí và phúc lợi xã hội ưu đãi hơn, các đại học tại Mỹ vẫn có ưu thế áp đảo nhờ nguồn lực khổng lồ.
"Ít có khả năng sinh viên Trung Quốc đã đặt mục tiêu du học tại Mỹ sẽ thay đổi quyết định để lựa chọn các nước châu Âu", ông Qiao cho biết.