Bố mẹ mắc COVID-19, bé gái 1 tuổi và người giúp viêc cùng dương tính với SARS-CoV-2
Đà Nẵng ghi nhận thêm 3 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có cháu bé 1 tuổi là con của BN 3403 và BN 3395.
Đà Nẵng tiếp tục ghi nhận thêm các ca nghi ngờ mắc COVID-19.
Ngày 11/5, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Đà Nẵng cung cấp thông tin về 3 ca nghi nhiễm COVID-19 tại thành phố và 2 ca nghi tại Quảng Trị liên quan đến Đà Nẵng.
Trong số này có cháu bé mới 1 tuổi, có bố, mẹ và dì ruột là bệnh nhân COVID-19, sống tại chung cư F-Home, quận Hải Châu, Đà Nẵng.
Cụ thể, bệnh nhân N.T.N.M.C (nữ, 1 tuổi, trú chung cư F-Home, số 16 Lý Thường Kiệt, quận Hải Châu, Đà Nẵng. Bé gái là con của chị N.T.P.A (BN 3404) và anh N.Q.T (BN 3395). Gia đình sống cùng dì ruột là N.T.N.A (BN 3403).
Bệnh nhân V.T.T (nữ, 37 tuổi, trú chung cư F-Home), là người giúp việc nhà cho BN 3404, BN 3395, trông giữ cháu N.T.N.M.C.
Bệnh nhân V.T.H (nam, 29 tuổi, trú đường Thanh Thủy, Hải Châu, Đà Nẵng). Anh V.T.H là nhân viên chuyển phát.
Đà Nẵng cũng ghi nhận 2 trường hợp dương tính SARS-CoV-2 là người địa phương khác, hiện sinh sống, học tập tại thành phố.
Cụ thể, bệnh nhân N.B.H (nam, 23 tuổi, hộ khẩu đường Phù Đổng Thiên Vương, Khu phố 5, phường 3, Đông Hà, Quảng Trị, tạm trú đường Lê Độ, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng). Anh H. là thợ cắt tóc tại quán Nâu BarberShop, đường Trần Cao Vân Đà Nẵng.
Bệnh nhân N.T.D (nữ, 23 tuổi, hộ khẩu Quốc Lộ 9, phường 3, Đông Hà, Quảng Trị, tạm trú An Thượng 2, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng). Chị D. hiện là sinh viên năm cuối trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng.
Kiên quyết tạm dừng hoạt động các bệnh viện không an toàn
Theo Ths. Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh nhận định, có thể còn có ca dương tính trong cộng đồng mà chúng ta chưa phát hiện ra. Nên cần siết chặt công tác đảm bảo lây nhiễm trong bệnh viện.
Ông Khoa cho biết bệnh viện là nơi có khả năng lây nhiễm cao, nhất là các bệnh viện tuyến cuối, bệnh nhân và người nhà đến từ nhiều tỉnh thành, việc phân luồng sàng lọc bệnh nhân đến khám vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, có khoảng 80% ca COVID-19 không có triệu chứng nên khả năng lọt các trường hợp nghi nhiễm rất dễ xảy ra. ….
Phó Cục trưởng Cục quản lý khám chữa đề nghị, các cơ sở y tế bên cạnh việc thực hiện nghiêm chỉ đạo phòng kiểm soát lây nhiễm của Bộ Y tế, cần chọn 1 đơn vị cơ sở khám chữa bệnh tập trung điều trị COVID-19 khi dịch bùng phát… Điều này sẽ giúp các địa phương vừa tiết kiệm nhân lực và các nguồn lực khác để ứng phó với dịch bệnh. Ngoài ra, cần tăng cường tập huấn hướng dẫn, kiểm tra giám sát các bệnh viện, đặc biệt những bệnh viện có nguy cơ cao như bệnh viện phổi, sản, nhi… Địa phương cần kiên quyết tạm dừng hoạt động các bệnh viện không đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh.
Bộ Y tế lưu ý các cơ sở y tế phải chủ động thực hiện nghiêm xét nghiệm định kỳ đối với những bệnh nhân, người nhà thường xuyên ra vào bệnh viện, trong đó cần quan tâm đến vấn đề sàng lọc. Chỉ chuyển tuyến với bệnh nhân có kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Kinh nghiệm tại BV K cho thấy, chính nhờ xét nghiệm định kỳ mà bệnh viện đã phát hiện ra một số ca COVID-19, đây là bài học cho thấy xét nghiệm định kỳ giúp giảm thiểu nguy cơ.
Các cơ sở y tế cần chú ý tới vấn đề giãn cách trong bệnh viện, tránh lây nhiễm chéo. Tại khu cấp cứu, cần bố trí vùng đệm, cách ly tạm thời để khám và điều trị cho người bệnh cấp cứu trong khi chờ kết quả xét nghiệm SARS C0V-2. Bộ Y tế cho hay, qua kiểm tra vùng đệm trong khu cấp cứu nhiều bệnh viện chưa làm tốt, Ths Khoa cho biết.