Bộ não có thể khiến bạn mắc kẹt trong những quyết định sai lầm

Chúng ta thường ngại từ bỏ vì sợ lãng phí công sức đã đầu tư. Nhưng liệu tiếp tục có phải là lựa chọn tốt nhất?

Bạn từng rơi vào tình huống này chưa? Bạn đã dành rất nhiều thời gian, công sức, thậm chí tiền bạc để theo đuổi một công việc, một mối quan hệ hay một dự án, nhưng dù cố gắng đến đâu, kết quả vẫn không như mong đợi. Dù nhận ra điều đó, bạn vẫn không thể dứt ra mà tiếp tục níu kéo, hy vọng rằng "chỉ cần cố thêm một chút nữa" thì mọi thứ sẽ thay đổi? Nếu có, bạn không phải là người duy nhất.

Bộ não con người có những cơ chế tâm lý mạnh mẽ khiến chúng ta mắc kẹt trong những quyết định sai lầm, ngay cả khi đã nhận thấy dấu hiệu rõ ràng rằng mình nên từ bỏ. Một trong những nguyên nhân lớn nhất chính là hiệu ứng chi phí chìm - khi đã đầu tư quá nhiều, chúng ta không nỡ rời bỏ vì cảm thấy sẽ lãng phí tất cả công sức trước đó. Đây là lý do nhiều người tiếp tục gắn bó với công việc họ ghét, dự án kém hiệu quả hay mối quan hệ không còn hạnh phúc, chỉ vì "đã đi quá xa để quay lại".

Trong cuốn sách Từ bỏ - (Quit), tác giả Annie Duke - nhà nghiên cứu tâm lý học nhận thức và chuyên gia trong lĩnh vực ra quyết định - đã phân tích sâu sắc những bẫy tâm lý này. Bà chỉ ra rằng ta không chỉ mắc kẹt vì chi phí chìm mà còn vì nỗi ám ảnh mất mát - sợ mất mát đến mức không dám buông bỏ. Con người không chỉ sợ mất tiền, mà còn sợ cảm giác mất, dù đôi khi việc giữ lại còn tổn hại hơn nhiều.

 Thành công không nằm ở việc bám chặt lấy mục tiêu, mà nằm ở việc lựa chọn mục tiêu đúng đắn để gắn bó và từ bỏ mọi thứ còn lại. Ảnh H.Q.

Thành công không nằm ở việc bám chặt lấy mục tiêu, mà nằm ở việc lựa chọn mục tiêu đúng đắn để gắn bó và từ bỏ mọi thứ còn lại. Ảnh H.Q.

Chẳng hạn, trong thế giới kinh doanh, rất nhiều tập đoàn lớn đã rơi vào cái bẫy này. Blockbuster, từng là ông hoàng trong ngành cho thuê băng đĩa, đã không chịu chuyển đổi sang mô hình streaming vì đã đầu tư quá nhiều vào hệ thống cửa hàng vật lý. Họ tin rằng mình có thể giữ vững vị thế, nhưng kết quả là sự sụp đổ hoàn toàn khi Netflix bùng nổ.

Tương tự, nhiều doanh nghiệp tiếp tục rót hàng triệu đô-la vào những mô hình kinh doanh lỗi thời chỉ vì họ không muốn thừa nhận rằng mình đã sai.

Không chỉ trong kinh doanh, trong cuộc sống cá nhân, không ít người duy trì một mối quan hệ đã không còn hạnh phúc vì không nỡ từ bỏ những năm tháng đã gắn bó, mà quên rằng hạnh phúc trong tương lai mới là điều quan trọng hơn.

Vậy làm sao để thoát khỏi những cái bẫy tâm lý này? Annie Duke đề xuất những chiến lược quan trọng trong cuốn "Từ bỏ", giúp bạn học cách tư duy theo giá trị kỳ vọng, thiết lập bộ tiêu chí khai tử để biết khi nào nên dừng lại, và quan trọng nhất là xây dựng tư duy linh hoạt để không mắc kẹt trong những quyết định sai lầm.

Từ bỏ đúng lúc không phải thất bại - đó là một chiến lược của những người thành công. Những người thành công nhất không phải là những người bám chặt vào mọi thứ, mà là những người biết khi nào nên buông bỏ để mở đường cho những cơ hội tốt hơn. Bạn có đang mắc kẹt trong một quyết định đáng lẽ nên từ bỏ từ lâu? Nếu có, cuốn sách Từ bỏ của Annie Duke sẽ giúp bạn có câu trả lời và hướng đi đúng đắn.

Việt Khang

Nguồn Znews: https://znews.vn/bo-nao-co-the-khien-ban-mac-ket-trong-nhung-quyet-dinh-sai-lam-post1542996.html