Bộ, ngành Tư pháp: Lắng nghe để 'theo sát' và 'tháo gỡ đến cùng' vướng mắc pháp lý của doanh nghiệp

Bám sát tinh thần Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp (DN), cùng với đó là chỉ đạo của Tổng Bí Thư Tô Lâm 'đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật, vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển, huy động tối đa các nguồn lực phát triển, tạo không gian phát triển mới', thời gian qua, Bộ, ngành Tư pháp đã triển khai nhiều hoạt động để góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho DN.

TS. Nguyễn Thanh Tịnh, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; TS. Vũ Hoài Nam, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam; TS. Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế; đồng chí Bạch Quốc An, Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế chủ trì và điều hành Tọa đàm Hoàn thiện chính sách, pháp luật về doanh nghiệp dân tộc tại Việt Nam.

TS. Nguyễn Thanh Tịnh, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; TS. Vũ Hoài Nam, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam; TS. Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế; đồng chí Bạch Quốc An, Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế chủ trì và điều hành Tọa đàm Hoàn thiện chính sách, pháp luật về doanh nghiệp dân tộc tại Việt Nam.

Gắn kết cơ quan quản lý nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp

Một trong những dấu ấn nổi bật của ngành Tư pháp năm 2024 đồng thời cũng là điểm nhấn của công tác hỗ trợ pháp lý DN đó là việc Bộ Tư pháp chủ động tham mưu, đề xuất Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) Trung ương tổ chức thành công Diễn đàn “Kinh doanh và Pháp luật” năm 2024.

Diễn đàn được tổ chức ngày 09/10/2024 dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương. Bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến tại 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Diễn đàn đã thu hút hơn 3.700 người tham dự.

Với chủ đề “Chung tay tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho DN”, nội dung Diễn đàn xoay quanh 2 chủ đề thảo luận chính là: Các vướng mắc pháp lý về trình tự, thủ tục các dự án đầu tư có sử dụng đất và giải pháp tháo gỡ; các vướng mắc pháp lý về thuế và giải pháp tháo gỡ.

Đây là Diễn đàn đối thoại trực tiếp giữa Lãnh đạo Chính phủ, các Bộ, ngành và cộng đồng doanh nghiệp nhằm nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về chính sách, thể chế liên quan đến đời sống pháp lý DN, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh, thể hiện trách nhiệm và sự quyết tâm của Chính phủ trong hỗ trợ, đồng hành cùng DN vì sự phát triển bền vững của đất nước.

Diễn đàn là cơ hội để các Bộ, ngành nắm bắt những vấn đề pháp lý mà DN đang gặp trở ngại trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, từ đó có giải pháp khắc phục về thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm “thống nhất cao xác định đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ “điểm nghẽn”, rào cản, lấy người dân, DN làm trung tâm, huy động, khơi thông mọi nguồn lực bên trong, bên ngoài, nguồn lực trong dân…”.

Phát biểu tại Diễn đàn, đồng chí Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Phối hợp PBGDPL Trung ương nhấn mạnh, Diễn đàn được tổ chức nhằm tạo cầu nối để cơ quan có thẩm quyền và DN “lắng nghe tiếng nói” của nhau; tiếp tục cùng nhau xác định những vấn đề pháp lý liên quan hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh hiện nay và đề xuất các kiến nghị, giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến DN.

Diễn đàn khẳng định cam kết luôn đồng hành, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của DN trong bất cứ hoàn cảnh nào; luôn lắng nghe, chia sẻ với các khó khăn và chung tay cùng tháo gỡ để cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng DN, người dân.

Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh cũng nêu rõ: Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương, các Bộ, ngành, địa phương sẵn sàng đồng hành, “theo sát” và cùng cộng đồng DN “tháo gỡ đến cùng” các khó khăn, vấn đề pháp lý mà cộng đồng DN gặp phải, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh thông thoáng, thuận lợi một cách thực chất.

Nhiều gợi mở xây dựng cơ chế, chính sách về doanh nghiệp dân tộc

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương được tổ chức theo hình thức trực tuyến ngày 8/1/2025, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã nêu lên 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá năm 2025. Một trong số đó là là huy động tối đa các nguồn lực xã hội, khai thác hiệu quả nguồn lực từ DN nhà nước, phát triển mạnh DN tư nhân. Trong đó, có nhiệm vụ xây dựng Đề án về cơ chế, chính sách hình thành và phát triển DN dân tộc, giữ vai trò tiên phong, dẫn dắt.

Đồng chí Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương phát biểu tại Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2024.

Đồng chí Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương phát biểu tại Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2024.

Tại buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp ngày 07/11/2024, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã đặt ra yêu cầu “Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông nguồn lực để phát triển, dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”.

Ngày 27/12/2024 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã có Công điện số 140/CĐ-TTg về việc phấn đấu tăng trưởng kinh tế hai con số năm 2025. Trong đó, nêu rõ cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách, coi đây là “đột phá của đột phá”, để tháo gỡ “điểm nghẽn của điểm nghẽn”; đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật, vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển, huy động tối đa các nguồn lực phát triển, tạo không gian phát triển mới.

Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới đã xóa bỏ mọi rào cản để đội ngũ doanh nhân phát triển, trong đó đề ra nhiệm vụ, giải pháp “Có chính sách đột phá để hình thành, phát triển doanh nghiệp dân tộc”.

Thực hiện những chỉ đạo trên và thực hiện chủ trương của Lãnh đạo Bộ Tư pháp về việc chủ động nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện pháp luật để thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Báo Pháp luật Việt Nam đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Tọa đàm “Hoàn thiện chính sách, pháp luật về doanh nghiệp dân tộc tại Việt Nam” (ngày 9/1/2025).

Tọa đàm thu hút sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nhân, chuyên gia pháp lý trao đổi về các khía cạnh liên quan về doanh nghiệp dân tộc, làm rõ khái niệm “doanh nghiệp dân tộc” tại Việt Nam cũng như tiêu chí nào để xác định DN dân tộc. Từ đó, đề xuất, gợi mở cho những người làm chính sách, pháp luật thông tin, cứ liệu để xây dựng cơ chế, chính sách phục vụ hình thành và phát triển DN dân tộc cũng như xác định vai trò, trách nhiệm của DN dân tộc đối với đất nước.

Về phía các cơ quan Bộ, ngành, địa phương, căn cứ vào chính sách về DN dân tộc được ban hành, cần thực hiện vai trò định hướng, dẫn dắt, xây dựng DN dân tộc trong ngành, lĩnh vực, địa phương mình quản lý. Về phía Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục phát huy tính chủ động, trách nhiệm phối hợp cùng với các Bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất, tham mưu Chính phủ xây dựng, ban hành Đề án về cơ chế, chính sách hình thành và phát triển DN dân tộc.

Ngoài những hoạt động nổi bật nêu trên, Bộ Tư pháp còn tổ chức nhiều hoạt động đồng hành, tháo gỡ vướng mắc cho DN, nâng cao chất lượng hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN như: Hội thảo góp ý hoàn thiện kế hoạch triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN nhỏ và vừa năm 2024; Tọa đàm đánh giá công tác hỗ trợ pháp lý cho DN nhỏ và vừa tại tỉnh Bình Dương; Tọa đàm về tình hình thực hiện Đề án tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân và hỗ trợ pháp lý cho DN tại Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Hội thảo Nâng cao hiệu quả hỗ trợ pháp lý cho DN nhỏ và vừa theo yêu cầu của Nghị quyết số 66 /NQ-CP; sửa đổi Nghị định 55/2019/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho DN nhỏ và vừa…

Thông qua các hoạt động này đã làm rõ những khó khăn, hạn chế, vướng mắc của công tác hỗ trợ pháp lý cho DNnhỏ và vừa hiện nay, đồng thời kiến nghị, đề xuất nâng cao hiệu quả công tác này để đáp ứng yêu cầu thực tiễn; đưa ra các giải pháp khắc phục một số bất cập về thể chế, quy định hiện hành về hỗ trợ pháp lý cho DN.

Ngay sau Diễn đàn “Kinh doanh và Pháp luật” năm 2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã có văn bản chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, xử lý các vấn đề vướng mắc pháp lý thực tiễn mà cộng đồng DN đã phản ánh; tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng hoạt động hỗ trợ pháp lý DN trong thời gian tới. Đặc biệt, thông qua Diễn đàn đã lan tỏa nội dung, tinh thần ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, hỗ trợ thúc đẩy DN sản xuất kinh doanh làm giàu chính đáng, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho DN.

Kim Quy

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/bo-nganh-tu-phap-lang-nghe-de-theo-sat-va-thao-go-den-cung-vuong-mac-phap-ly-cua-doanh-nghiep-post538442.html