Bỏ ngỏ lĩnh vực chế biến nông sản

Hiện nay, lĩnh vực công nghiệp chế biến nông sản ở tỉnh ta còn bỏ ngỏ, chưa thu hút các doanh nghiệp (DN) tham gia đầu tư.

Dự án Khu Sản xuất chế biến thức ăn và Chăn nuôi bò sữa tập trung ứng dụng công nghệ cao Vinamilk (Trang trại bò sữa Vinamilk) Quảng Ngãi được xem là một trong những đột phá của tỉnh trong quá trình thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và chế biến nông sản. Sau 5 năm triển khai, đến nay, trang trại này đã triển khai nuôi 2.700 con bò sữa, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, đồng thời hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm từ sữa đến các sản phẩm phụ trợ.

Do chưa có nhà máy chế biến, nên ớt thường xuyên rơi vào tình trạng được mùa, rớt giá.

Nhất là việc liên kết trồng bắp sinh khối để phục vụ chăn nuôi bò sữa, góp phần tạo sinh kế bền vững và ổn định cho nông dân các huyện Mộ Đức, Nghĩa Hành và TX.Đức Phổ... Tuy nhiên, không có nhiều DA đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và chế biến nông sản thực hiện đúng cam kết như Trang trại bò sữa Vinamilk Quảng Ngãi.

Quảng Ngãi là tỉnh có nguồn nguyên liệu nông sản phục vụ lĩnh vực công nghiệp chế biến khá dồi dào. Song, theo đánh giá của ngành nông nghiệp, dù sản lượng lúa hằng năm của tỉnh khá lớn (gần 420 nghìn tấn), nhưng công suất chế biến của một số DN chỉ đạt ở quy mô nhỏ, chưa tạo được thương hiệu lớn trên thị trường. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chỉ có một số DN, như: Công ty TNHH Nông lâm nghiệp TBT, Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ Nông Tín... xây dựng nhà máy chế biến lúa gạo có quy mô khép kín.

Đối với các loại rau đậu, củ quả, dù có trên 17,5 nghìn hécta sản xuất, nhưng phần lớn sản phẩm chỉ mới tiêu thụ ở dạng thô. Việc liên kết với DN cũng chỉ dừng lại ở khâu sơ chế, chưa chế biến thành các mặt hàng được thị trường ưa chuộng, như: Hoa quả đóng hộp, sấy khô hay thực phẩm dinh dưỡng. Vì vậy, sản lượng nông sản của tỉnh nhiều, nhưng giá trị còn rất thấp và thường xuyên rơi vào tình trạng được mùa thì mất giá.

Để nâng tầm nông sản, ngành nông nghiệp cần thực hiện có hiệu quả các giải pháp thu hút DN đầu tư chế biến nông sản, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương và ngành chức năng cần tập trung rà soát bổ sung, điều chỉnh vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng, phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng từng vùng để bố trí cây trồng, vật nuôi phù hợp.

“Cùng với việc vận động, tuyên truyền người dân tuân thủ quy trình sản xuất và thực hiện đúng cam kết với DN, chính quyền và ngành chức năng cần xem xét ban hành chính sách riêng đối với DN đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản và bao tiêu nông sản cho nông dân, tạo điều kiện thuận lợi để DN đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phục vụ sản xuất và chế biến”, Giám đốc Công ty TNHH Thái Huy Nam Nguyễn Trần Châu Luyến kiến nghị.

Bài, ảnh: THANH PHONG

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2025/202104/bo-ngo-linh-vuc-che-bien-nong-san-3052177/