Bỏ ngỏ tiềm năng

Tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng giữ vai trò quan trọng kết nối vận tải hàng hóa từ cảng Hải Phòng đi Yên Viên (Hà Nội), rồi đi tiếp các tuyến Ðồng Ðăng, Lào Cai, tuyến bắc - nam và ngược lại. Ðáng chú ý, kết nối vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt, hàng hóa từ Trung Quốc thường quá cảnh tại cảng Hải Phòng với sản lượng rất lớn.

Tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng giữ vai trò quan trọng kết nối vận tải hàng hóa từ cảng Hải Phòng đi Yên Viên (Hà Nội), rồi đi tiếp các tuyến Ðồng Ðăng, Lào Cai, tuyến bắc - nam và ngược lại. Ðáng chú ý, kết nối vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt, hàng hóa từ Trung Quốc thường quá cảnh tại cảng Hải Phòng với sản lượng rất lớn.

Tuy nhiên, khảo sát tại Hoàng Diệu và Vật Cách - hai cảng hàng hóa tổng hợp lớn ở Hải Phòng có đường sắt chạy thẳng vào tận cảng và kho bãi, lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng sản lượng hàng hóa lên tới hơn chục triệu tấn của cảng, gần 90% còn lại vận tải bằng đường bộ. Mặc dù hai cảng có đầy đủ hệ thống bãi hàng, đường ray cho tàu làm hàng nhưng hoạt động chưa bao giờ hết công suất vì những lý do "không đáng có" như thiếu đầu máy, thiếu toa khiến hàng hóa thường xuyên ách tắc tại cảng. Nếu tính tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng Hải Phòng, lượng hàng vận chuyển bằng đường sắt chỉ bèo bọt ở mức 1 đến 2%. Ðiều này khiến ngành đường sắt giảm doanh thu, trong khi doanh nghiệp cũng thiệt hại do hàng không được giải phóng sớm. Dù giá rẻ là lợi thế số 1 của vận tải hàng hóa đường sắt, nhưng chỉ giá thôi thì chưa đủ. Nếu tính cước đơn thuần (tấn/km), đường sắt chỉ bằng khoảng 70% đường bộ, nhưng nếu tính trọn gói từ nhà tới nhà, chi phí vận tải đường sắt vẫn cao hơn đường bộ do chi phí hai đầu bị đội lên rất cao.

Tỷ lệ dịch vụ logistics đường sắt hiện chỉ đáp ứng dưới 10% khối lượng hàng hóa, tập trung vào tuyến bắc - nam và thực tế cụ thể tại tuyến Lào Cai - Hải Phòng chính là câu chuyện buồn cho thấy vận tải hàng hóa bằng đường sắt bị bỏ lại phía sau rất xa. Ở nhiều ga trên tuyến đường sắt, một số đường xếp dỡ, đường nhánh dùng riêng đã bị bóc dỡ, các thành phố có tốc độ đô thị hóa nhanh nên tìm cách hạn chế giờ chạy tàu, hạ tầng đường sắt bị xâm hại, lấn chiếm, khả năng kết nối của đường sắt với các loại hình giao thông khác kém. Theo đánh giá của các chuyên gia, việc cạnh tranh kém của logistics đường sắt Việt Nam là do chưa khai thác và phát triển đúng tiềm năng của hệ thống kho bãi các ga, nơi trung chuyển kết nối vận tải chưa được quy hoạch, sắp xếp hợp lý, cộng với bất cập về thời gian và giá cước. Mặt khác, năng lực xếp dỡ và trung chuyển công-ten-nơ tại các ga đường sắt cũng là thách thức lớn vì các ga hầu như không có kho bãi cho doanh nghiệp tập kết công-ten-nơ. Số lượng các toa chuyên dụng và các trang thiết bị xếp dỡ công-ten-nơ lên xuống trên đường sắt còn thiếu, chưa đồng bộ đã phần nào hạn chế các doanh nghiệp logistics trong việc tiếp cận loại hình vận tải khá ưu việt này.

Tuy các doanh nghiệp ngành đường sắt thời gian qua đã có nhiều giải pháp chuyển hướng đầu tư, nhưng những hạn chế, yếu kém cố hữu về hạ tầng, năng lực,… khiến dịch vụ vận tải còn lẹt đẹt, đi sau rất xa so đường bộ hoặc hàng không. Dịch vụ tuy đã tạo thuận lợi cho khách hàng, hướng tới chuyên nghiệp hóa, nhưng phương tiện xếp dỡ lạc hậu, hệ thống kho bãi xuống cấp,... khiến vận tải đường sắt vẫn phải chịu cảnh bỏ ngỏ tiềm năng chưa biết đến bao giờ!

XÍCH TÙNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/44112402-bo-ngo-tiem-nang.html