Bộ Ngoại giao: Bộ Công Thương duy trì xuất khẩu kỷ lục, đóng góp rất lớn vào tăng trưởng GDP cả nước
Theo Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, năm qua đối với Trung Quốc, Bộ Công Thương đã tích cực tháo gỡ khó khăn, đảm bảo thông suốt hoạt động xuất khẩu.
Phát biểu tham luận tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Công Thương, ông Nguyễn Minh Vũ - Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đánh giá cao những kết quả, thành tích mà ngành Công Thương đã đạt được. Những kết quả này góp phần quan trọng vào thành tích chung của cả nền kinh tế.
Theo Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, trước hết, năm 2024, ngành Công Thương duy trì thành tích xuất khẩu ấn tượng, đóng góp thiết thực vào tăng trưởng GDP của năm 2024.
Đáng chú ý, trong bối cảnh tình hình thế giới phức tạp, kinh tế thế giới tuy phục hồi nhưng còn nhiều khó khăn, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đã vượt khó, tăng tốc để tiếp tục là lực lượng tăng trưởng quan trọng.
Đặc biệt, năm qua đối với Trung Quốc, Bộ Công Thương đã tích cực tháo gỡ khó khăn, đảm bảo thông suốt hoạt động xuất khẩu hàng hóa; mở cửa chính ngạch cho nhiều mặt hàng nông sản: dừa tươi, sầu riêng đông lạnh, cá sấu... góp phần thúc đẩy kim ngạch thương mại hai nước tiếp cận con số kỷ lục là 200 tỷ USD.
Thứ hai là hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, thực chất, hiệu quả, góp phần nâng tầm đối ngoại đa phương, tạo mạng lưới liên kết kinh tế rộng khác.
Ngành Công Thương và cả nước đã tích cực thúc đẩy ký kết các FTA thế hệ mới, nâng tổng số FTA Việt Nam ký kết và tham gia lên 17 FTA, trong đó nổi bật Hiệp định CEPA và kỷ lục về thời gian đàm phán đã mở ra nhiều cơ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với cả khu vực Trung Đông.
Không những vậy, Bộ Công Thương cũng nhanh chóng bắt kịp xu thế chuyển đổi xanh và chuyển đổi số, tăng cường các động lực phát triển kinh tế đất nước.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai mạnh mẽ công tác hoàn thiện thể chế trong các lĩnh vực năng lượng, khoáng sản phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững.
Về chuyển đổi số, ngành Công Thương đã tận dụng xu hướng chuyển đổi số để thúc đẩy thương mại điện tử tăng trưởng mạnh mẽ, trở thành trung tâm phối quan trọng, góp phần phát triển chuỗi cung ứng và lưu thông hàng hóa trong và ngoài nước.
Không những vậy, theo lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao nhất Đông Nam Á và đã vượt Philippines, trở thành thị trường thương mại điện tử lớn thứ ba trong khu vực.
Dù vậy, lãnh đạo Bộ Ngoại giao cho rằng, bước vào năm 2025 kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, đặt ra nhiều thách thức cho ngành Công Thương, song cơ hội thúc đẩy xuất khẩu, mở rộng thị trường cũng luôn rộng mở. Để kịp thời nắm bắt cơ hội, tận dụng những lợi thế, trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho rằng, sẽ có 4 xu hướng lớn tác động đến hoạt động ngành Công Thương trong năm 2025:
Thứ nhất, kinh tế toàn cầu có sự phục hồi song vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, tác động tới xuất khẩu, nhất là cạnh tranh chiến lược, về kinh tế, thương mại, công nghệ. Không những vậy, các biến động chính trị xung đột ngày gay gắt, tiềm ẩn nguy cơ phức tạp, tác động lên chuỗi cung ứng tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Đây là thách thức lớn, đòi hỏi ngành Công Thương cần chủ động, quyết liệt mở rộng thị trường, tháo gỡ khó khăn cho các ngành hàng, nhanh nhạy nắm bắt cơ hội về điều chỉnh chính sách của các nước.
Thứ hai là sức ép chuyển đổi chính sách công nghiệp trong nước trong bối cảnh ngày càng nhiều quốc gia trên thế giới điều chỉnh chính sách công nghiệp, tăng cường ban hành các công cụ chính sách, những thay đổi thị trường ngày càng khắt khe.
Thứ ba, thay đổi trong nền tảng thương mại đầu tư toàn cầu, nổi lên là chuyển dịch cơ cấu kinh tế các nước, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tiêu dùng bền vững, thân thiện với môi trường...
"Do đó, yêu cầu đặt ra là cần tiếp tục triển khai hiệu quả các chủ trương của Đảng và Nhà nước về đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ kinh tế quốc tế, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập kinh tế sâu rộng, hiệu quả thực chất, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, tận dụng các động lực tăng trưởng mới" - Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.
Thứ tư, xu hướng cụ thể hóa nội hàm cho các liên kết kinh tế thương mại thế hệ mới, nhất là kinh tế số chúng cung ứng năng lượng tái tạo, giảm phát thải, tạo ra cả cơ hội và thách thức cho công tác triển khai hội nhập kinh tế quốc tế. Do đó, trong thời gian tới cần đẩy mạnh tranh thủ tận dụng các cơ chế ta có lợi ích, giảm thiểu những tác động không mong muốn khi các nước lớn đẩy nhanh tiến độ triển khai các sáng kiến liên kết kinh tế quốc tế.
Trên cơ sở đó, Bộ Ngoại giao đề xuất một số phương hướng phối hợp công tác giữa Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao trong năm 2025:
Một là, công tác đối ngoại: Bộ Ngoại giao sẵn sàng hỗ trợ ngành Công Thương làm mới động lực xuất khẩu tăng cường lồng ghép với các nội dung về kinh tế thương mại cho các hoạt động đối ngoại cấp cao và các cấp, các khuôn khổ hợp tác song phương và đa phương.
Tận dụng quan hệ chính trị, ngoại giao tốt đẹp để thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại và tăng cường kinh tế thương mại để củng cố quan hệ song phương. Tiếp tục thúc đẩy đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa trong chuỗi cung ứng, khai thác những thị trường mới, nhiều tiềm năng như: thị trường Thái Lan, thị trường châu Phi, Nam Á và châu Mỹ.
Cùng với đó, tích cực triển khai các FTA đã ký kết, thúc đẩy đàm phán FTA với các nước châu Phi và Vùng vịnh. Tiếp tục vận động các nước công nhận quy chế, thể chế kinh tế thị trường cho Việt Nam.
Hai là, trong bối cảnh thế giới có những thay đổi căn bản của định hướng phát triển đất nước có nhiều đổi mới, cần nghiên cứu xây dựng định hướng chiến lược mới cho hội nhập kinh tế quốc tế nhằm thu hút nguồn lực cho phát triển và nâng cao vị thế đất nước.
Tăng cường phối hợp đề xuất chủ trương đối với các sáng kiến do các nước lớn khởi xướng các khuôn khổ liên kết với với nội hàm mới của kinh tế số và năng lượng.
Ba là, tăng cường hợp tác quốc tế nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, tranh thủ cơ hội đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, thu hút nguồn vốn, công nghệ chất lượng cao phục vụ chuyển đổi năng lượng theo hướng bền vững.
Bốn là, tranh thủ xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng, phối hợp vận động xúc tiến đầu tư với tập đoàn, doanh nghiệp lớn và các ngành kinh tế trọng điểm phù hợp với định hướng và quy hoạch kinh tế xã hội, nhất là kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng.
Năm là, phát huy hơn nữa vai trò và sự phối hợp giữa các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có Thương vụ Việt Nam với các Đại sứ Quán Việt Nam tại nước ngoài của Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành, địa phương trong nước trong các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, hội nhập kinh tế quốc tế, thu hút nguồn lực phục vụ phát triển của đất nước.