Bộ Ngoại giao đồng hành với tỉnh Quảng Ninh trong việc hoàn thiện hồ sơ đề cử 'Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc' là di sản thế giới
Chiều ngày 20/3, tại Trụ sở Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tiếp, làm việc với bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, trao đổi về các biện pháp phối hợp nhằm đẩy nhanh quá trình hoàn thiện hồ sơ đề cử UNESCO công nhận 'Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc' là di sản văn hóa thế giới.
Tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao tỉnh Quảng Ninh chủ động phối hợp với tỉnh Bắc Giang, Hải Dương và các Bộ, cơ quan liên quan tích cực triển khai các công việc để sớm hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc" là di sản văn hóa thế giới.
Vượt qua khó khăn của dịch bệnh Covid-19, từ năm 2020 đến nay tỉnh đã quyết liệt triển khai các công việc liên quan, trong đó có thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ Công tác xây dựng hồ sơ; tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế để xác định các tiêu chí, giá trị tiêu biểu nổi bật toàn cầu của Quần thể di tích Yên Tử nói riêng trong Quần thể di tích và danh thắng "Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc" nói chung.
Ba tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương cũng phối hợp thường xuyên để triển khai xây dựng Hồ sơ khoa học chung, thống nhất trình và đã được Phó Thủ tướng Chính phủ đồng ý về tên gọi, tiêu chí và phạm vi của “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc”.
Bà Nguyễn Thị Hạnh bày tỏ đánh giá cao và cảm ơn sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đã luôn đồng hành trong suốt quá trình xây dưng hồ sơ mấy năm qua. Trong giai đoạn nước rút hiện nay, ba tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương mong muốn Bộ Ngoại giao, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tiếp tục quan tâm, hỗ trợ trong việc hướng dẫn về thủ tục, tư vấn về chuyên môn giúp tham vấn với các chuyên gia của UNESCO, giúp tháo gỡ một số “nút thắt” vướng mắc hiện nay để có thể sớm hoàn thiện hồ sơ vào tháng 7/2023.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá cao sự phối hợp và hợp tác giữa ba tỉnh với Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan khác trong công tác chuẩn bị hồ sơ đề cử, đồng thời đồng tình với sự quyết liệt, khẩn trương của Quảng Ninh với vai trò đầu mối trong công tác hoàn thiện hồ sơ.
Chia sẻ với các những khó khăn của tỉnh trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hồ sơ vào đúng thời điểm dịch bệnh, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng hoan nghênh tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp chặt chẽ với Bắc Giang và Hải Dương trong giải quyết các vướng mắc thống nhất được tên gọi, tiêu chí và phạm vi để đi vào xây dựng hồ sơ.
Bộ trưởng cũng cho biết, UNESCO ngày càng khắt khe hơn với các hồ sơ trình công nhận là di sản thế giới, vì vậy Quảng Ninh cần tiếp tục phối hợp, hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan có liên quan, hoàn thiện tốt nhất hồ sơ trình để các cấp có thẩm quyền thông qua trước khi trình UNESCO vào cuối năm nay.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng đóng góp ý kiến trên một số vấn đề cụ thể giúp ba tỉnh tháo gỡ một số “nút thắt” hiện nay. Đặc biệt, cuối tháng 3/2023, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam sẽ mời ông Lazare Eloundou, Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới của UNESCO thăm Việt Nam, và Bộ trưởng đã chỉ đạo thu xếp để ông Lazare thăm và làm việc với tỉnh Quảng Ninh để có những tư vấn cụ thể trong công tác xây dựng hồ sơ.
Bộ trưởng khẳng định, Bộ Ngoại giao nói chung và Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam nói riêng sẽ luôn đồng hành, phối hợp hiệu quả với ba tỉnh Bắc Giang và Hải Dương Quảng Ninh trong suốt quá trình xây dựng, hoàn thiện hồ sơ cũng như công tác vận động quốc tế ủng hộ cho việc UNESCO công nhận “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc" là di sản văn hóa thế giới.