Bộ Ngoại giao lần đầu tiên tổ chức Tọa đàm về chăm sóc sức khỏe tinh thần cho cán bộ
Tối 23/8 (giờ Việt Nam), Vụ Tổ chức Cán bộ, Học viện Ngoại giao, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã phối hợp tổ chức Tọa đàm trực tuyến Xây dựng môi trường làm việc văn minh, hiện đại và nhân văn 'Chăm sóc sức khỏe tinh thần - Nâng cao năng lực thích ứng của cán bộ ngành ngoại giao trong tình hình mới'.
Xuất phát từ truyền thống luôn quan tâm chăm sóc, bảo đảm chế độ chính sách cho cán bộ, nhân viên, nhận thức về tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần trong hệ sinh thái công sở và hướng tới kỷ niệm 76 năm thành lập ngành, đây là lần đầu tiên Bộ Ngoại giao tổ chức Tọa đàm về chủ đề chăm sóc sức khỏe tinh thần cho cán bộ ngoại giao.
Thay mặt Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu chủ trì tọa đàm. Tham dự có các diễn giả là các chuyên gia đầu ngành về tâm thần, tâm lý học của Việt Nam, một số Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và hơn 300 cán bộ, nhân viên đang công tác tại các đơn vị trong nước và Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu khẳng định quan điểm nhất quán của Bộ Ngoại giao coi nguồn nhân lực là tài sản quý giá nhất và ưu tiên công tác bồi dưỡng và chăm lo cho cán bộ, nhân viên.
“Bộ Ngoại giao xác định chăm sóc sức khỏe tinh thần là một hợp phần quan trọng của hệ sinh thái công sở văn minh, hiện đại, nhân văn, tạo điều kiện cho cán bộ ở trong và ngoài nước được quan tâm, chăm sóc cả về thể chất, tinh thần để yên tâm công tác”, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu nhấn mạnh.
Tại phiên thảo luận thứ nhất với chủ đề “Nhận diện, chăm sóc, nâng cao sức khỏe tinh thần trong cuộc sống thường nhật và trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 – Góc nhìn từ các chuyên gia”, 3 chuyên gia đầu ngành về tâm thần, tâm lý học của Việt Nam là PGS. TS. Võ Văn Bản, Chủ tịch Hội Tâm lý trị liệu Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Bệnh viện Việt – Pháp Hà Nội; PGS. TS. Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng Bộ môn Tâm thần, Bệnh viện Đại học Y, Phó Viện trưởng Viện sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai; PGS.TS. Phạm Mạnh Hà, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội đã trình bày những kiến thức, hiểu biết sâu rộng về sức khỏe tinh thần, giúp cán bộ ngoại giao nhận thức rõ hơn về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe quan trọng này.
Các diễn giả cũng nhiệt tình trao đổi, giải đáp một số câu hỏi của khán giả về những áp lực trong xã hội hiện đại, nhất là đối với cán bộ ngoại giao và gia đình công tác nhiệm kỳ ở nước ngoài, và một số biện pháp để ứng phó, giải tỏa, về cách xây dựng tư duy tích cực để vươn lên trong cuộc sống và công tác.
Tại phiên thảo luận thứ 2 về chủ đề “Xây dựng môi trường làm việc văn minh, hiện đại, nhân văn - Nâng cao năng lực của cán bộ ngoại giao thích ứng với thay đổi trong tình hình mới”, đại biểu được lắng nghe những chia sẻ, kinh nghiệm quý báu của 4 Đại sứ đã có nhiều năm công tác và giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý gồm Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Hà Kim Ngọc, Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Đặng Minh Khôi, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu và Đại sứ Việt Nam tại Đức Nguyễn Minh Vũ.
Hai lãnh đạo đơn vị trong nước là Đại sứ Hoàng Minh Sơn, Cục trưởng Cục Quản trị Tài vụ và ông Bùi Nguyên Long, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ có tham luận trình bày tại Tọa đàm.
Các diễn giả đánh giá cao những nỗ lực của ngành trong công tác chăm sóc cán bộ, nhân viên, phân tích những yếu tố tác động đến sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần của cán bộ ngoại giao trong và ngoài nước cùng thành viên gia đình, đề xuất một số biện pháp Bộ Ngoại giao có thể triển khai để hỗ trợ tốt hơn cho cán bộ, nhân viên.
Các diễn giả cũng trao đổi sâu về những thành tố của một công sở văn minh, hiện đại, nhân văn và những kinh nghiệm tích lũy qua hàng chục năm công tác trong ngành nhằm cải tiến môi trường làm việc năng suất, thân thiện hơn cũng như ứng phó hiệu quả hơn với những biến động lớn của môi trường như đại dịch Covid-19.
Phát biểu bế mạc Tọa đàm, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu hoan nghênh những ý kiến, đề xuất của các diễn giả và đề nghị các đơn vị trong Bộ nghiên cứu, tiếp thu để có thể cung cấp cho cán bộ ngoại giao những dịch vụ hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tinh thần, nâng cao khả năng thích ứng của cán bộ, nhân viên với những thay đổi của môi trường.
Thứ trưởng cũng đề nghị bổ sung các tiêu chí đánh giá bản lĩnh của cán bộ trong công việc và xem xét những thành tố liên quan đến sức khỏe tinh thần trong công tác xây dựng môi trường làm việc văn minh, hiện đại và nhân văn.
Tọa đàm diễn ra thành công tốt đẹp, tạo sức lan tỏa lớn trong Bộ cũng như tại các Cơ quan đại diện.
Kết quả Tọa đàm sẽ là một tiền đề để Bộ Ngoại giao tiếp tục cải tiến các nỗ lực xây dựng hệ sinh thái công sở văn minh và thân thiện, đóng góp cho Chiến lược Xây dựng ngành ngoại giao đến năm 2030, hướng tới một nền ngoại giao toàn diện, hiện đại như mục tiêu đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra.