Bộ Ngoại giao Mỹ ra chiến lược ngăn chặn Trung Quốc 'xét lại'
Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ được xây dựng dựa trên nhận định Bắc Kinh muốn 'xét lại trật tự thế giới mang tính nền tảng' với những mục tiêu của riêng mình.
Bản báo cáo, hé lộ đầu tiên bởi Axios vào ngày 17/11, được thực hiện bởi Phòng Hoạch định Chính sách Bộ Ngoại giao Mỹ. Toàn văn báo cáo dài 74 trang, với tiêu đề "Những yếu tố của Mối thách thức Trung Quốc", được Bộ Ngoại giao Mỹ công bố chính thức trên cổng thông tin vào ngày 19/11.
Theo Axios, báo cáo lấy cảm hứng từ bức điện tín nhiều ảnh hưởng vào năm 1947 của nhà ngoại giao George Kennan - lãnh đạo đầu tiên tại Phòng Hoạch định Chính sách và là người đưa ra ý tưởng về chiến lược kiềm tỏa Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh.
"Đối mặt với thách thức Trung Quốc đòi hỏi Mỹ trở về với những điều căn bản", báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định.
Các tác giả tại Phòng Hoạch định Chính sách cho rằng Mỹ cần ưu tiên "chính sách bền lâu, vượt lên trên tranh cãi nhỏ nhặt quan liêu, những tranh quyền giữa các cơ quan và phải lâu dài hơn những kỳ bầu cử ngắn hạn".
"Mục tiêu bao trùm với Mỹ phải là đảm bảo tự do", báo cáo nhấn mạnh.
Bài toán ngăn chặn Trung Quốc
Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ đặt ra 10 nhiệm vụ mà nước này cần thực hiện để đối phó thách thức từ Trung Quốc. Theo các tác giả, Mỹ cần duy trì lực lượng quân sự mạnh nhất thế giới, củng cố trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, đánh giá lại đồng minh và củng cố hệ thống đồng minh, tạo ra những tổ chức quốc tế mới để thúc đẩy những giá trị mà Mỹ ủng hộ.
Bên cạnh đó, những vấn đề đối nội cũng được các tác giả đề cập trong nhóm nhiệm vụ cần thực hiện.
Báo cáo kêu gọi phát huy mô hình chính quyền và xã hội Mỹ ngay tại nước này, đồng thời đào tạo "thế hệ công chức mới hiểu biết về cạnh tranh nước lớn với Trung Quốc", thông tin cho người Mỹ về thách thức này và cải cách hệ thống giáo dục để học sinh hiểu về "trách nhiệm công dân trong kỷ nguyên thông tin phức tạp".
Báo cáo đề xuất giữ định hướng đối ngoại linh hoạt "hợp tác với Trung Quốc khi có thể và kiềm hãm Bắc Kinh khi phù hợp", đồng thời Mỹ phải thúc đẩy những tôn chỉ tự do bằng cả lời nói lẫn hành động.
"Trung Quốc là thách thức chính vì những hành động của nước này", các tác giả nhấn mạnh ngay tại trang đầu của tài liệu.
Họ lập luận rằng Bắc Kinh "không đơn thuần nhắm đến vị thế ưu việt trong trật tự thế giới vốn đã định hình... mà là sự xét lại mang tính nền tảng về trật tự thế giới, đặt Trung Quốc ở trung tâm". Các tác giả báo cáo nhận định quá trình xét lại này nhằm phục vụ những mục tiêu và tham vọng quyền lực của Bắc Kinh.
Báo cáo cũng đồng thời tiết lộ chính phủ Tổng thống Donald Trump đã đi đến kết luận: Những hành động kiên quyết và các mục tiêu được giới lãnh đạo Bắc Kinh tuyên bố đã "buộc Mỹ và các nước phải xem lại những giả định và phát triển một học thuyết chiến lược mới để đáp ứng tính cấp thiết và hệ trọng của mối thách thức Trung Quốc".
Hàm ý cho chính phủ kế nhiệm
Steve Tsang - chuyên gia tại Trường Nghiên cứu Phương Đông và Châu Phi (SOAS) thuộc Đại học London và là lãnh đạo Viện Trung Quốc SOAS - đánh giá lập trường cứng rắn thể hiện trong báo cáo sẽ được duy trì cả trong chính phủ kế nhiệm.
Cựu Phó tổng thống Joe Biden, ứng viên đảng Dân chủ được truyền thông Mỹ tuyên bố chiến thắng cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020, trong thời gian tranh cử cũng cam kết nhìn nhận nghiêm túc về những thách thức từ Trung Quốc.
"Tại Washington, cả 2 đảng ngày một thống nhất về hướng tiếp cận trong những mối quan hệ với Trung Quốc. Điều này bao gồm nhận thức chung rằng một trong các giả định trước đây của Washington - cụ thể là việc Trung Quốc rồi sẽ giống Mỹ hơn - không còn bền vững. Họ cần chọn một hướng tiếp cận thực tế hơn", Tsang trả lời South China Morning Post.
"Điều này sẽ không thay đổi dưới thời Biden. Điều thay đổi là ông Biden sẽ thống nhất và tính toán nhiều hơn trong cách tiếp cận với Trung Quốc, đồng thời phối hợp với các đồng minh của Mỹ trong vấn đề này", Tsang nhận định.
Tiết lộ với Axios, một quan chức giấu tên trong chính phủ Mỹ cho rằng "đại dịch đã giúp thế giới nhận ra mối thách thức Trung Quốc". Tuy nhiên, theo vị quan chức này, nhiều người tại Mỹ và các nước khác vẫn chưa đánh giá đúng quyết tâm của giới lãnh đạo Trung Quốc nhằm "xây lại trật tự thế giới cho mục tiêu thống lĩnh toàn cầu".
Theo Rush Doshi, Giám đốc Sáng kiến Chiến lược Trung Quốc của Viện Brookings, điểm độc đáo trong báo cáo là nó tập trung vào cách thức thế giới quan của giới lãnh đạo Trung Quốc định hình cách hành xử của nước này.
"Đây là điều hiếm có trong các tài liệu chính phủ Mỹ và cần trở thành một phần lớn hơn trong tranh luận chính sách Mỹ", Doshi lưu ý rằng những vấn đề trung tâm trong cạnh tranh Mỹ - Trung là kinh tế và công nghệ vẫn chưa xuất hiện nhiều trong báo cáo.
Trong khi đó, Steve Tsang cũng đánh giá báo cáo "mới phản ánh phần nào sự thay đổi về căn bản trong cách thức chính quyền Mỹ nhìn nhận quan hệ Mỹ - Trung".
"Sẽ là một sự nhầm lẫn nếu kết luận rằng tài liệu này, được thực hiện vào cuối nhiệm kỳ một chính phủ, có thể quyết định chính sách cho nhiều thế hệ sau", ông chia sẻ.