Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo lên Quốc hội kế hoạch giải thể USAID
Bộ Ngoại giao Mỹ đã chính thức thông báo lên Quốc hội về kế hoạch giải thể Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), kênh tài trợ chính của Washington cho các dự án hỗ trợ ở nước ngoài.
Ngày 29/3, hãng tin RT dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio nhấn mạnh mặc dù viện trợ nước ngoài có thể phục vụ lợi ích quốc gia song chi phí quá cao do đó chính quyền Mỹ quyết định cắt bỏ phần lớn các sáng kiến do USAID tài trợ.

Nhân viên USAID được yêu cầu rời khỏi trụ sở làm việc ở thủ đô Washington, Mỹ (Ảnh: Reuters).
"Từ lâu USAID đã đi chệch hướng khỏi sứ mệnh ban đầu … Nhờ có Tổng thống Trump, những sai lầm và lãng phí ngân sách đó đã chấm dứt. Chúng tôi đang định hướng lại các chương trình viện trợ nước ngoài cho phù hợp nhất với lợi ích quốc gia và người dân Mỹ", ông Rubio tuyên bố.
Ngoại trưởng Mỹ đồng thời cam kết các chương trình thực sự thiết yếu và giúp bảo vệ sinh mạng của người dân phù hợp với ưu tiên trong chính sách "Nước Mỹ trên hết" sẽ được Bộ Ngoại giao tiếp quản.
Trong khi đó, phần còn lại của USAID sẽ kết thúc hoạt động trước ngày 1/7.
Trong một diễn biến có liên quan, Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng ngày thông báo ông đã có cuộc trao đổi với giới chức Myanmar về trận động đất kinh hoàng tại quốc gia Đông Nam Á này đồng thời cam kết Mỹ sẽ cung cấp viện trợ cho Naypyidaw.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Tammy Bruce khẳng định sự thay đổi tại USAID sẽ không gây ảnh hưởng đến việc Chính phủ Mỹ triển khai Đội Phản ứng Hỗ trợ Thảm họa (DARTs) tới hỗ trợ chiến dịch tìm kiếm, cứu hộ tại các quốc gia bị ảnh hưởng bởi trận động đất ở Myanmar.
Đội Ứng Phó Hỗ Trợ Thảm Họa (DARTs) gồm các nhân viên được đào tạo chuyên sâu, có khả năng huy động trong vòng 24 đến 48 giờ sau thảm họa để dẫn đầu phản ứng nhân đạo của chính phủ Mỹ tại hiện trường.
DARTs đã từng được triển khai trong những trường hợp khẩn cấp nghiêm trọng nhất trong lịch sử gần đây, bao gồm trận động đất năm 2010 ở Haiti làm 300.000 người thiệt mạng, trận động đất và sóng thần năm 2011 ở Nhật Bản dẫn đến sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima, cũng như các cuộc chiến ở Iraq và Syria.
Trước đó, ngay sau khi nhậm chức vào ngày 20/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khởi động tiến trình giải thể USAID.
Tỷ phú Elon Musk, người được ông Trump bổ nhiệm đứng đầu đứng đầu Ủy ban Hiệu quả Chính phủ (DOGE), lên tiếng chỉ trích USAID là "tổ chức tội phạm" từng tài trợ cho những dự án nghiên cứu vũ khí sinh học cùng nhiều chương trình gây tranh cãi khác.
Kể từ đó, hàng nghìn nhân viên đã bị sa thải hoặc cho nghỉ phép, hàng tỷ USD hợp đồng viện trợ đã bị đóng băng hoặc hủy bỏ hoàn toàn theo chương trình cắt giảm lãng phí liên bang do Ủy ban Hiệu quả Chính phủ (DOGE) thực hiện.
Tuy nhiên, quyết định giải thể USAID và chuyển các phần còn lại của cơ quan này sang Bộ Ngoại giao đã gặp phải các thách thức pháp lý, bao gồm cả lệnh tạm thời đóng băng do một Thẩm phán liên bang ban hành vào tuần trước.
Song, mới đây nhất ngày 28/3, Tòa Phúc thẩm Mỹ tại Khu vực D.C. ra phán quyết nêu rõ DOGE đã hành động hoàn toàn trong phạm vi quyền hạn của mình khi xem xét tái cấu trúc các chương trình viện trợ nước ngoài.