Bộ Ngoại giao sẵn sàng đồng hành với địa phương kết nối hợp tác và thu hút đầu tư nước ngoài
Sáng ngày 15/4, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) diễn ra khai mạc Hội nghị Lãnh đạo các cơ quan Ngoại vụ địa phương và tổng kết, tập huấn công tác thanh tra chuyên ngành Ngoại giao, do Bộ Ngoại giao và UBND tỉnh Bình Định phối hợp tổ chức.
Tham dự Hội nghị có ông Trần Thanh Huân, Cục trưởng Cục Ngoại vụ - Bộ Ngoại giao; ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định; đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ Ngoại giao cùng 200 đại biểu đại diện các cơ quan ngoại vụ địa phương trên cả nước.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Trần Thanh Huân, Cục trưởng Cục Ngoại vụ - Bộ Ngoại giao cho biết, trong bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều biến động, những thách thức, đặc biệt từ các vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, an ninh năng lượng và an ninh lương thực cũng như vấn đề tranh chấp biên giới, lãnh thổ, tài nguyên tiếp tục gia tăng.
Đặc biệt, đại dịch Covid-19 tiếp tục có những diễn biến bất thường, tác động đến nhiệm vụ đối ngoại của ta. Bên cạnh đó, thế giới đang phải trải qua thời kỳ khó khăn về phát triển kinh tế, đặc biệt là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc vẫn tiếp diễn, đã tác động mạnh đến mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Để tiếp tục triển khai thành công chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước trong tình hình mới, ông Trần Thanh Huân cho rằng, bên cạnh những hoạt động của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, sự tham gia và phối hợp của các địa phương là rất cần thiết.
Các địa phương cần chủ động, tích cực hơn nữa trong việc thúc đẩy và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế với các đối tác nước ngoài thông qua việc tăng cường trao đổi các đoàn với các quốc gia và vùng lãnh thổ; ký kết thỏa thuận quốc tế trên nhiều lĩnh vực; tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế thu hút sự quan tâm và tham dự của các doanh nghiệp, đối tác nước ngoài...
Bộ Ngoại giao nói chung và các đơn vị trong Bộ luôn sẵn sàng hỗ trợ, phối hợp, giúp đỡ địa phương trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ kinh tế xã hội, nhất là mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trên cơ sở phù hợp với điều kiện và nhu cầu của địa phương.
Phát biểu chào mừng Hội nghị, ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết: Bình Định là tỉnh cực Nam của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, một trong những cửa ngõ ra biển gần nhất và thuận lợi nhất của các tỉnh Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan thông qua Quốc lộ 19 và Cảng biển quốc tế Quy Nhơn.
Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Định đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác ngoại vụ địa phương, hội nhập quốc tế theo đúng chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước ta và đạt được những kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, nhất là trên lĩnh vực giáo dục, khoa học và công nghệ, thu hút đầu tư...
Đặc biệt, những năm gần đây, tỉnh Bình Định đã phối hợp với Hội Gặp gỡ Việt Nam (Pháp) tổ chức các Hội thảo, Hội nghị khoa học quốc tế tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành, đây là nơi duy nhất của Việt Nam đã đón tiếp hàng nghìn nhà khoa học từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đến tham dự, trong đó có nhiều giáo sư đoạt giải Nobel, giải Field, Shaw, Kavli.
Cũng tại Hội nghị này, ông Trần Thanh Huân, Cục trưởng Cục Ngoại vụ đã thông qua kế hoạch tổ chức các hoạt động hỗ trợ địa phương năm 2021 do Cục Ngoại vụ chủ trì, bao gồm kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng dành cho cán bộ ngoại vụ địa phương; các sự kiện gặp gỡ và kết nối; quản lý đoàn ra, đoàn vào; hội nghị, hội thảo quốc tế; tổ chức phi chính phủ nước ngoài.
Trong đó, ông Trần Thanh Huân đặc biệt lưu ý đối với các địa phương về việc mở rộng hợp tác với các đối tác trọng tâm như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ trong thời gian tới có xu hướng tiếp tục mở rộng hợp tác tại Việt Nam, tuy nhiên sẽ có khó khăn trong việc tìm kiếm nhà đầu tư mới.
Do vậy, các địa phương nên chủ động tìm kiếm cơ hội mở rộng hợp tác với các nhà đầu tư cũ. Các sự kiện như Gặp gỡ Nhật Bản, Gặp gỡ Hàn Quốc sắp tới là cơ hội tốt để các địa phương tiếp tục mở rộng hợp tác với đối tác này.
Mặc dù các sự kiện sẽ được tổ chức theo các nhóm địa phương có đặc điểm tương đồng như đã nêu, mỗi địa phương khi tham gia cần nêu bật thế mạnh riêng về tiềm năng, lợi thế, đặc biệt là về chính sách ưu đãi dành cho các nhà đầu tư nước ngoài tại địa phương (thủ tục hành chính thuận lợi, nguồn nhân lực tại chỗ dồi dào và có trình độ, tay nghề); Các chính sách này cần đồng bộ với chủ trương, chính sách tại Trung ương và có tính lâu dài, ổn định, hạn chế thay đổi.
Trong thời gian diễn ra hội nghị (15-16/4), các đại biểu sẽ được phổ biến về chính sách đối ngoại Đảng và Nhà nước của Đại hội XIII; kế hoạch công tác của Bộ Ngoại giao và các địa phương; trao đổi về chủ đề hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 20; phổ biến hướng dẫn Quyết định 06/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quản lý và tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam; một số điểm mới tại Thông tư liên tịch 02/2015/TTLT-BNG-BNV ngày 28.6.2015 của Bộ Ngoại giao và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Ngoại vụ thuộc UBND cấp tỉnh. Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao cũng sẽ tổng kết, tập huấn công tác thanh tra chuyên ngành ngoại giao năm 2021; tổ chức tọa đàm về công tác quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho các tổ chức nước ngoài tại địa phương; lấy ý kiến về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định việc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế nhân danh tổng cục, cục thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã ở khu vực biên giới và cơ quan cấp tỉnh của tổ chức.
Văn Toại
(từ Quy Nhơn)