Bộ Ngoại giao sẽ thúc đẩy hợp tác 3 trọng tâm đột phá với TP. Hồ Chí Minh trong tăng trưởng xanh

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh lần thứ 4 (HEF 2023) ngày 15/9, Trợ lý Bộ trưởng Nguyễn Minh Vũ khẳng định, Bộ Ngoại giao đang và sẽ đồng hành, sát cánh cùng các binh chủng đối ngoại khác 'phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại', phục vụ triển khai Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 của quốc gia, trong đó có Thành phố mang tên Bác.

Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh lần thứ 4, khai mạc sáng 15/9. (Ảnh: An Chu)

Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh lần thứ 4, khai mạc sáng 15/9. (Ảnh: An Chu)

Theo Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, chỉ hai năm sau đại dịch, TP. Hồ Chí Minh đã phục hồi ấn tượng, khôi phục vị thế đầu tàu về kinh tế, ngày càng thể hiện tầm vóc của một trung tâm tri thức và khoa học công nghệ của cả nước. Với vai trò đó, Diễn đàn đã lớn mạnh thành một sự kiện quốc tế uy tín, thu hút sự tham gia của nhiều đối tác. Chủ đề của Diễn đàn lần này hết sức thiết thực, vừa là vấn đề cấp bách, vừa có ý nghĩa chiến lược.

Cuộc cách mạng xanh mang tính thời đại

Trợ lý Bộ trưởng đồng tình với đánh giá đây là cuộc cách mạng xanh mang tính thời đại. Từ góc độ Bộ Ngoại giao, ông chia sẻ 3 điểm nổi bật:

Thứ nhất, công nghệ và đổi mới sáng tạo là nền tảng phát triển của mọi quốc gia. Trong giai đoạn tới, khả năng tiếp cận các công nghệ xanh là điều kiện tiên quyết để chuyển đổi xanh thành công và bền vững.

Thứ hai,cuộc cách mạng chuyển đổi xanh đang diễn ra với mức độ và quy mô chưa từng có: nhanh hơn về tốc độ, toàn diện hơnvề lĩnh vực,sâu rộng hơn về tầm ảnh hưởng so với tất cả các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây.

Thứ ba, các liên kết quốc tế, tập hợp lực lượng mớigắn với các lĩnh vực xanh chiến lược đang được thúc đẩy mạnh mẽ, ngày càng mở rộng về chủ thể, hình thức, đặc biệt là xuất hiện các liên minh, liên kết công-tư, đa bên. Đây là thời điểm then chốt để Việt Nam xác lập, không ngừng gia tăng vị thế trong các chuỗi giá trị toàn cầu.

"Các chuyển đổi mạnh mẽ, đan quyện giữa thách thức và cơ hội đã đem tới thời cơ chưa từng có, đặt Việt Nam trước ngưỡng cửa quyết định. Nếu ta kịp thời nắm bắt được các xu thế mới, triển khai quyết liệt với phương châm 'nghĩ lớn, làm lớn, nghĩ khác, làm khác'đây sẽ là động lực cho chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, nâng cao năng suất, hướng tới mục tiêu kép là tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững", Trợ lý Bộ trưởng Nguyễn Minh Vũ khẳng định.

4 định hướng trọng tâm

Theo Trợ lý Bộ trưởng Nguyễn Minh Vũ, trong giai đoạn quyết định này, đất nước rất cần những mũi thuyền tiên phong để bứt phá, mở đường. TP Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, khoa học công nghệ, cửa ngõ giao lưu quốc tế của cả nước, là động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Thành phố có tiềm năng phát triển to lớn về hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cao và thể chế chính sách. Từ đó, Bộ Ngoại giao đề xuất 4 định hướng trọng tâm đóng góp vào kế hoạch, quy hoạch chuyển đổi xanh của Thành phố:

Các đại biểu dự phiên khai mạc Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, ngày 15/9. (Ảnh: An Chu)

Các đại biểu dự phiên khai mạc Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, ngày 15/9. (Ảnh: An Chu)

Một là, Thành phố cần xây dựng tầm nhìn trở thành Trung tâm dịch vụ, nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạotrong các lĩnh vực kinh tế xanh. Theo đó, Thành phố cần phát huy tối đa lợi thế về khung thể chế đã khá hoàn thiện để cụ thể hóa thành các chính sách cụ thể, phù hợp với điều kiện đặc thù ở địa bàn, trong đó cần lưu ý tính kết nối vùng, bảo đảm tính đồng bộ với các quy định, tiêu chuẩn mới trên thế giới để bắt kịp và tận dụng được các xu hướng của thời đại.

Hai là, với mục tiêu trở thành Trung tâm Tài chính quốc tế, Thành phố đang có điều kiện rất thuận lợi để trở thành “cực thu hút” các nguồn tài chính xanh đang có xu hướng gia tăng hiện nay. Trung tâm Tài chính của TP. Hồ Chí Minh phải là Trung tâm Tài chính quốc tế thế hệ mới, với tài chính khí hậu, tài chính xanh, tài chính công nghệ đóng vai trò trung tâm.

Thành phố cần sớm ban hành chính sách hoặc cho thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với một số công cụ tài chính mới như: phát hành trái phiếu xanh, xây dựng sàn giao dịch các-bon theo tiêu chuẩn quốc tế, tiến tới kết nối với các nước ASEAN để trở thành trung tâm giao dịch tín chỉ các-bon của khu vực với tầm nhìn toàn cầu.

Ba là, "hiền tài là nguyên khí quốc gia", phát huy tiềm năng nguồn nhân lực là nhân tố then chốt để nâng cao tầm vóc của Thành phố trở thành đầu tàu về tăng trưởng xanh. Cần có cơ chế đột phá để thu hút nhân tài, các nhà khoa học, nhà sáng chế khu vực và quốc tế, phát triển các trung tâm nghiên cứu, phát minh để TP. Hồ Chí Minh trở thành điểm hội tụ tri thức, đầu nguồn phát kiếnnhững ý tưởng mới, làm chủ các phát minh đột phá trong các lĩnh vực xanh trọng yếu.

Trong bối cảnh cạnh tranh thu hút đầu tư FDI chất lượng cao ở khu vực ngày càng quyết liệt, Thành phố cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, các chính sách ưu đãi mới để tham gia sâu vào các chuỗi đầu tư xanh, nhằm hấp thụ công nghệ, tri thức mới và nâng cao kỹ năng người lao động.

Cuối cùng, cần đầu tư nguồn lực để xây dựng và quảng bá thương hiệu TP. Hồ Chí Minhở tầm quốc tế, là một siêu đô thị xanh, thông minh, bền vững; điểm đến đầu tư lý tưởng của các tập đoàn, quỹ đầu tư lớn. Trong thế giới toàn cầu hóa hiện nay, đây chính là biện pháp chiến lược nhằm thu hút được nguồn lực đầu tư dài hạn, thúc đẩy thương mại, du lịch bền vững, đóng góp tích cực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Các đại biểu tại phiên khai mạc Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh năm 2023. (Nguồn: TTXVN)

Các đại biểu tại phiên khai mạc Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh năm 2023. (Nguồn: TTXVN)

3 trọng tâm hợp tác đột phá

Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ bày tỏ tin tưởng, với tầm nhìn và sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước, sự phối hợp nhịp nhàng của các ban, bộ, ngành TW và địa phương, đặc biệt là quyết tâm của chính quyền và nhân dân TP. Hồ Chí Minh, Thành phố chắc chắn sẽ thành công trong công cuộc chuyển đổi xanh phía trước.

"Trên hành trình đó, Bộ Ngoại giao đang và sẽ đồng hành, sát cánh cùng các binh chủng đối ngoại khác 'phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại', phục vụ triển khai Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 của quốc gia nói chung, trong đó có Thành phố mang tên Bác nói riêng", Trợ lý Bộ trưởng Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh.

Từ đó, Trợ lý Bộ trưởng đề nghị hai bên cùng phối hợp thúc đẩy hợp tác thông qua 3trọng tâm đột phá:

Về chiến lược-tham mưu, Bộ Ngoại giao có thể hỗ trợ Thành phố xây dựng một kế hoạch tổng thểvề hình thành và triển khai mạng lưới các đối tác phát triển để tư vấn, đồng hành cùng TP.Hồ Chí Minh hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế chính sách thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Về thu hút nguồn lực,Bộ Ngoại giao sẽ tích cực chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, kết nối các đối tác phát triển uy tín trên thế giới để nâng cao hiệu quả thực chất công tác thu hút nguồn lực tài chính, đầu tư cho TP. Hồ Chí Minh.

Về nâng tầm vị thế, trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẵn sàng đồng hành để quảng bá thương hiệu TP. Hồ Chí Minh trên trường quốc tế thông qua tổ chức các hoạt động đa phương cấp cao.

"Việc lựa chọn chủ đề của Diễn đàn kinh tế thành phố lần thứ 4 'Tăng trưởng xanh - Hành trình hướng tới giảm phát thải bằng không' thể hiện tư duy, tầm nhìn, quyết tâm cũng như tinh thần hành động kịp thời của TP. Hồ Chí Minh trong việc bắt kịp các xu thế mới, chuyển đổi xanh và bền vững.

Với chủ đề đổi mới, thiết thực, tôi tin rằng Diễn đàn kinh tế thành phố năm nay sẽ mang tới một khởi đầu mới, tạo nên những làn sóng đầu tư mới, tạo động lực bứt phá cho phát triển TP.Hồ Chí Minh trong thời gian tới để 'mùa Xuân trên TP. Hồ Chí Minh quang vinh' trường tồn cho thế hệ mai sau", Trợ lý Bộ trưởng Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh.

Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (HEF) là sự kiện quốc tế thường niên do UBND TP. Hồ Chí Minh chủ trì tổ chức nhằm mục tiêu tiếp nhận các ý kiến đóng góp của các diễn giả, chuyên gia trong nước và quốc tế về các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố nói chung và các Đề án, mục tiêu, chương trình trọng điểm của Thành phố nói riêng.

Thông qua những trao đổi thẳng thắn, thực chất, Thành phố đã có được cái nhìn sâu sắc và toàn diện về hiện trạng và xu hướng tăng trưởng xanh hướng đến phát triển bền vững trên thế giới, đặc biệt là những bài học kinh nghiệm và đề xuất khả thi có thể áp dụng đối với thực tiễn của Thành phố.

Trong khuôn khổ Diễn đàn có chương trình “Hợp tác kinh tế song phương Việt Nam và Vùng Flanders - Vương quốc Bỉ về xây dựng thành phố bền vững, thích ứng điều kiện khí hậu”; công bố chương trình hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh và Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF); chương trình lãnh đạo Thành phố gặp gỡ các bộ ngành, địa phương, chuyên gia quốc tế; chương trình kết nối CEO 100 Tea Connect giữa lãnh đạo Thành phố với khách mời VIP và 100 CEO của Việt Nam và quốc tế; chương trình talkshow của chuyên gia, diễn giả trong nước và quốc tế; giao lưu trực tiếp giữa chuyên gia quốc tế với sinh viên, doanh nghiệp; chương trình tham quan cho khách mời quốc tế...

Chuỗi sự kiện HEF 2023 còn có Không gian triển lãm sản phẩm, dịch vụ tăng trưởng xanh tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (chính thức mở cửa cho người dân và du khách tham quan từ ngày 13-17/9); Lễ trao danh hiệu “Doanh nghiệp Xanh” cho các doanh nghiệp Thành phố có công trình, sản phẩm, dịch vụ hoặc ý tưởng đã và đang áp dụng mô hình tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

Nhóm PV

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bo-ngoai-giao-se-thuc-day-hop-tac-3-trong-tam-dot-pha-voi-tp-ho-chi-minh-trong-tang-truong-xanh-242205.html