Bộ Ngoại giao theo dõi, nghiên cứu, tổng hợp dư luận báo chí nước ngoài phục vụ công tác thông tin đối ngoại

Về công tác thông tin đối ngoại, Bộ Ngoại giao triển khai tuyên truyền về các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng và Nhà nước; theo dõi, nghiên cứu, tổng hợp dư luận báo chí nước ngoài phục vụ công tác thông tin đối ngoại; phát ngôn quan điểm, lập trường chính thức của Việt Nam về các vấn đề quốc tế, đối ngoại; tổ chức họp báo quốc tế trong phạm vi thẩm quyền của Bộ Ngoại giao và theo quy định của pháp luật.

Theo đó, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 28/2025/NĐ-CP ngày 24/02/2025 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao.

Cụ thể, về đại diện trong hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước, Bộ Ngoại giao có nhiệm vụ đại diện cho Đảng, Nhà nước trong quan hệ đối ngoại, ngoại giao với các nước, các tổ chức quốc tế liên chính phủ; tiến hành các hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước theo quy định; trình Chính phủ việc thiết lập, thay đổi mức độ hoặc đình chỉ quan hệ ngoại giao, lãnh sự với các nước, các tổ chức quốc tế liên chính phủ; việc thành lập, tạm đình chỉ hoặc chấm dứt hoạt động của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài theo quy định;

Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước quyết định cử, triệu hồi đại sứ đặc mệnh toàn quyền, đại diện của Chủ tịch nước tại các tổ chức quốc tế.

 Trụ sở Bộ Ngoại giao.

Trụ sở Bộ Ngoại giao.

Về công tác ngoại giao kinh tế, Bộ Ngoại giao có nhiệm vụ xây dựng quan hệ chính trị đối ngoại và khuôn khổ hợp tác song phương, đa phương phù hợp nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam; nghiên cứu, dự báo và thông tin về các vấn đề kinh tế thế giới và quan hệ kinh tế quốc tế; phối hợp tham mưu, xây dựng chủ trương, chính sách phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, xử lý các vấn đề nảy sinh liên quan đến kinh tế đối ngoại và vận động chính trị, ngoại giao hỗ trợ các hoạt động kinh tế đối ngoại theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cấp có thẩm quyền;

Tham mưu xây dựng các chủ trương, chính sách, kế hoạch về ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển và củng cố quan hệ chính trị đối ngoại; hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, người dân xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch hoạt động ngoại giao kinh tế, mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế quốc tế theo quy định.

Về công tác thông tin đối ngoại, Bộ Ngoại giao triển khai tuyên truyền về các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng và Nhà nước; theo dõi, nghiên cứu, tổng hợp dư luận báo chí nước ngoài phục vụ công tác thông tin đối ngoại; phát ngôn quan điểm, lập trường chính thức của Việt Nam về các vấn đề quốc tế, đối ngoại; tổ chức họp báo quốc tế trong phạm vi thẩm quyền của Bộ Ngoại giao và theo quy định của pháp luật.

Về công tác lãnh sự, Bộ Ngoại giao thực hiện nhiệm vụ bảo hộ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài theo quy định; thực hiện công tác hợp pháp hóa lãnh sự, chứng nhận lãnh sự, ủy thác tư pháp, hộ tịch, quốc tịch, con nuôi, xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam và người nước ngoài thuộc đối tượng do Bộ Ngoại giao quản lý theo quy định.

Về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao nghiên cứu, tổng hợp tình hình, đề xuất và thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về người Việt Nam ở nước ngoài; thực hiện công tác đại đoàn kết dân tộc đối với người Việt Nam ở nước ngoài, chăm lo, tạo điều kiện thu hút nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài; tổ chức, hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài trong các mối liên hệ với trong nước và ngược lại, đóng góp vào sự phát triển đất nước; hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài ổn định cuộc sống, hòa nhập vào đời sống xã hội nước sở tại, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Về biên giới, lãnh thổ quốc gia, Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan có liên quan và các địa phương theo quy định: đề xuất chủ trương, chính sách, chiến lược, biện pháp và thực hiện nghiên cứu, tổng hợp, đánh giá tình hình biên giới, lãnh thổ quôc gia trên đất liền, hải đảo, vùng trời, các vùng biển của Việt Nam; giải quyết tranh chấp pháp lý về biên giới, lãnh thổ; đấu tranh chính trị, ngoại giao, pháp lý, dư luận bảo vệ biên giới, toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trên đất liền, hải đảo, vùng trời, các vùng biển của Việt Nam; tham mưu, đề xuất xây dựng, triển khai chủ trương, chính sách, chiến lược, quy hoạch, phát triển hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền trên toàn quốc...

Theo Nghị định, cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao bao gồm: 1- Vụ Châu Âu; 2- Vụ Châu Mỹ; 3- Vụ Đông Bắc Á; 4- Vụ Đông Nam Á - Nam Á - Nam Thái Bình Dương; 5- Vụ Trung Đông - Châu Phi; 6- Vụ Chính sách đối ngoại; 7- Vụ Ngoại giao kinh tế; 8- Vụ ASEAN; 9- Vụ các Tổ chức quốc tế; 10- Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế; 11- Vụ Thông tin Báo chí; 12- Vụ Tổ chức Cán bộ; 13- Văn phòng Bộ; 14- Thanh tra Bộ; 15- Cục Cơ yếu - Công nghệ thông tin; 16- Cục Lãnh sự; 17- Cục Lễ tân Nhà nước và Phiên dịch đối ngoại; 18- Cục Ngoại vụ và Ngoại giao văn hóa; 19- Cục Quản trị Tài vụ; 20- Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh; 21- Ủy ban Biên giới quốc gia; 22- Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài; 23- Học viện Ngoại giao; 24- Báo Thế giới và Việt Nam; 25- Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Quốc Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bo-ngoai-giao-theo-doi-nghien-cuu-tong-hop-du-luan-bao-chi-nuoc-ngoai-phuc-vu-cong-tac-thong-tin-doi-ngoai-post335943.html