'Bỏ nhà' đi cứu nhau - tình người tỏa sáng trong mưa lũ miền Trung
Mặc dù bão lũ dồn dập đổ về đe dọa đến tính mạng, tài sản nhưng nhiều người dân ở miền Trung vẫn không quản ngại để lại nhà mình để cứu giúp những hoàn cảnh khó khăn khác - minh chứng cho tình người trong mưa bão, lũ dữ.
Tình người tỏa sáng trong mưa lũ lịch sử ở miền Trung
Từ đầu tháng 10 đến nay, các tỉnh miền Trung đã phải đối mặt với nhiều cơn bão, lũ lớn, gây thiệt hại nặng nề về người và của. Tính đến nay đã có hàng trăm người thiệt mạng và mất tích, rất nhiều người bị thương nặng; hàng vạn ngôi nhà ngập chìm trong bão lũ; nhiều cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang đã hy sinh anh dũng trong lúc vượt lũ dữ, nguy cơ lở núi để cứu dân… Nhiều công trình giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế bị sụp đổ hoặc ngập sâu trong lũ lớn. Tài sản của người dân miền Trung gần như mất trắng.
Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT và tổ chức UN Women (Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ), mỗi khi thiên tai xảy ra, những đối tượng dễ bị tổn thương nhất lại là phụ nữ và trẻ em. Tuy nhiên khi mưa lũ lịch sử xảy ra ở miền Trung vừa qua, lại xuất hiện rất nhiều tấm gương phụ nữ không quản hiểm nguy cùng chính quyền và nhân dân địa phương đi cứu người, hỗ trợ đồng bào của mình.
Trong chuyến đi thực tế cùng đoàn Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, tổ chức UN Women và đặc biệt là cùng với Đoàn thiện nguyện của VOV thăm, tặng quà người dân tại một loạt các tỉnh miền Trung mới đây. Tận mắt thấy những mất mát to lớn của người dân, chúng tôi cũng thấy được những tấm gương tỏa sáng trong mưa lũ.
Bà Phạm Thị Sương (62 tuổi, thôn Đại Phong, xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) chia sẻ: “Đời tôi chưa bao giờ chứng kiến lũ lớn khủng khiếp đến như thế. Mặc dù sống tại dải đất miền Trung - nơi thường xuyên hứng chịu thiên tai, kiến thức về ứng phó với mưa lũ đã ngấm vào xương máu, tuy nhiên lũ về quá nhanh và lớn quá mức tưởng tượng khiến chúng tôi đối phó không kịp. Dòng nước quá mạnh cuốn trôi thóc, gạo, tài sản cho dù trước đó đã được chúng tôi kê cao hơn mức hàng năm. Nước đổ về trong đêm vội sơ tán đồ đạc, lương thực lên chỗ cao hơn nhưng căn nhà cấp 4 của tôi cũng chẳng còn chỗ nào cao nữa nên gia đình bị thiệt hại khoảng 5 tạ thóc và nhiều đồ đạc khác”.
Theo bà Sương, mưa lũ về, có người chết không thể đi chôn, phải đưa tạm lên mái nhà, 4 - 5 ngày sau lũ rút mới đưa xuống đi mai táng. Cho đến giờ, nhiều người vẫn còn chưa hết bàng hoàng. Giờ cứ nghe tin bão là người thấy rét vì hoang mang lo sợ. “Đôi khi không sợ chết mà sợ nhất là chết không có ai biết”, bà Sương kể.
Khi lũ về trong đêm tối, người phụ nữ sống đơn thân này đã liều mình băng qua dòng nước lũ để sang ngôi trường tiểu học gần đó trú ẩn. Khi chuyện tính mạng tạm thời không bị đe dọa, những ngày sau đó bà Sương đã tích cực cùng chính quyền địa phương đi tiếp nhận hàng cứu trợ như đồ ăn, nước uống,… để phân phát cho bà con trong vùng.
“Những ngày đầu người dân rất cần đồ ăn, nước uống, nên tôi đã cùng lãnh đạo địa phương đi tiếp nhận hàng cứu trợ rồi phân phát cho bà con. Tình đồng bào trong lũ dữ cao lắm nên chúng tôi làm mà quên đi bản thân dù cũng đang thiếu thốn đủ bề”, bà Sương nhớ lại.
Với tinh thần tương thân tương ái trong khó khăn, hoạn nạn khi mưa lũ về, người dân xã Hải Ninh (Quảng Ninh - Quảng Bình) mà nòng cốt là chị em phụ nữ trong xã khi thấy người dân vùng lũ ngập sâu gọi điện kêu cứu, lập tức họ đi vận động người dân quanh vùng, một mặt dùng tàu thuyền vào cứu người dân, mặt khác kêu gọi góp lương thực - thực phẩm và nấu hàng nghìn suất cơm chuyển vào phát miễn phí cứu đói người dân vùng lũ.
Chị Nguyễn Thị Lướng (sinh năm 1982, ở thôn Tân Định, xã Hải Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình) chia sẻ: “Khi lũ về, ngay trong đêm 18/10, mọi người đã cùng nhau xuống biển kiếm thuyền đưa về làm phương tiện sơ tán người dân khu vực ngập sâu. Sáng 19/10, chị em chúng tôi dùng gạo từ gia đình nấu cơm hỗ trợ người dân, khi hết gạo từ các thành viên, chúng tôi lại đi đến từng nhà trong vùng xin gạo, kêu gọi các gia đình, ai có gạo góp gạo, có rau góp rau và một số thực phẩm khác như cá khô, tép khô,… để đưa đến nhà nào rộng làm điểm nấu nướng tập trung. Từ ngày 19/10 đến 24/10, chúng tôi đã nấu được khoảng 26.000 suất cơm để phát cho bà con vùng ngập sâu”.
Chị Lướng chia sẻ thêm: “Thời điểm đó, chúng tôi nhiều khi phải gửi con nhờ hàng xóm trông giúp và bỏ cả nhà cửa để cùng lãnh đạo, lực lượng xung kích phòng chống thiên tai địa phương đi hỗ trợ bà con vùng lũ. Khi thấy thuyền đưa được bà con ra khỏi vùng nguy hiểm đến nơi an toàn chúng tôi thấy vui lắm”.
Theo UN Women khuyến nghị, cần tăng cường vai trò của Hội phụ nữ trong Ban Phòng chống thiên tai; Cần có chương trình cụ thể nhằm hỗ trợ vai trò của phụ nữ ở cấp địa phương thông qua truyền thông về giảm nhẹ rủi ro thiên tai, y tế và trong lĩnh vực sinh kế với tài liệu chuẩn;...
Phương châm "bốn tại chỗ" đã phát huy hiệu quả
Chia sẻ với phóng viên VOV.VN, ông Lê Thanh Phong, Trưởng phòng Phòng chống thiên tai và Quản lý đê điều (Chi cục Thủy lợi – Sở NN&PTNT Quảng Bình) cho biết, hai đợt mưa lũ vừa qua, đặc biệt là đợt mưa lũ từ ngày 16/10 đến 22/10 đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản trên địa bàn tỉnh, nhất là 2 huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy. Ước tính tổng giá trị thiệt hại toàn tỉnh là hơn 3.500 tỷ đồng.
“Nhiều người lớn tuổi cho biết, trận mưa lũ vừa qua họ chưa từng gặp trong đời, nằm ngoài sự tính toán trong phương án ứng phó. Tuy nhiên, do phát huy rất tốt phương châm ứng phó “bốn tại chỗ” nên đã hạn chế được thiệt hại rất nhiều”, ông Phong cho biết.
Theo số liệu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai (PCTT), tính đến ngày 4/11/2020, bão, mưa, lũ, sạt lở đất chỉ tính riêng trong tháng 9 và tháng 10/2020 đã làm 242 người chết và mất tích, hơn 200.000 nhà bị sập đổ, hư hỏng, tốc mái; nhiều công trình cơ sở hạ tầng bị thiệt hại nghiêm trọng phải mất nhiều thời gian, nguồn lực mới phục hồi, tái thiết lại được. Tổng thiệt hại kinh tế ước tính trên 28.000 tỷ đồng.
Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho biết, trước mỗi đợt thiên tai, các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương vào cuộc rất khẩn trương để cùng với người dân lên phương án ứng phó, sơ tán người dân khỏi khu vực nguy hiểm kịp thời nên đã giảm thiểu thiệt hại đáng kể.
“Đợt thiên tai trong tháng 9 và tháng 10/2020 ở miền Trung nhiều chỗ bị ngập sâu, ngập lâu và diện rộng như vậy mà người chết chủ yếu do bất cẩn, còn chết do lũ lớn quá thì hầu như không có. Thiệt hại về người do sạt lở đất đá thì đúng vẫn còn là bài toán rất khó về khâu cảnh báo sớm, không chỉ ở Việt Nam mà thế giới cũng vậy”, ông Hoài chia sẻ./.