Bổ nhiệm cán bộ và 'con cháu các cụ'

Những vụ việc này cho thấy, người đứng đầu từ cấp sở đến cấp tỉnh có thể làm những việc sai phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng. Vậy, các đoàn thể, các bộ, ngành chức năng ở đâu để những vị đứng đầu này làm bừa như vậy?

Gần 2 năm nay, mỗi kỳ họp của ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKT T.Ư) ngày càng khiến không ít quan chức nhúng chàm khiếp sợ. Dư luận không còn băn khoăn “tắm” từ đâu và khái niệm hạ cánh an toàn cũng không còn. Những cú “điểm huyệt” này, chắc chắn răn đe được nhiều vị có ý định làm… liều.

Trong kết luận kỳ họp lần thứ 20 của UBKT T.Ư, trong 4 vụ việc được đưa ra, có tới 2 vụ liên quan chủ yếu đến sai phạm về công tác cán bộ. Từ vụ việc cụ thể này, chúng tôi muốn đề cập “lỗi hệ thống” trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm mà chúng ta thường nghe nói, “con cháu các cụ cả”.

Ông Lê Phước Hoài Bảo (giữa) được bổ nhiệm làm Giám đốc sở KH&ĐT Quảng Nam khi mới 30 tuổi tới đây sẽ mất hết chức danh lãnh đạo.

Ông Lê Phước Hoài Bảo (giữa) được bổ nhiệm làm Giám đốc sở KH&ĐT Quảng Nam khi mới 30 tuổi tới đây sẽ mất hết chức danh lãnh đạo.

Việc ông Nguyễn Xuân Anh mất hết chức vụ trong Đảng, dư luận cho rằng, nguyên nhân quan trọng là do ông Xuân Anh bị “chín ép”.

Lần này, ông Lê Phước Hoài Bảo – Giám đốc sở KH&ĐT Quảng Nam, về nguyên tắc sẽ mất hết chức vụ như ông Nguyễn Xuân Anh, tuy nhiên cũng có những điểm khác biệt.

Khác bởi lẽ, ông Hoài Bảo ngoài khuyết điểm thiếu trung thực trong khai lý lịch, bỏ sinh hoạt đảng mà UBKT T.Ư còn chỉ rõ, những quy trình bổ nhiệm ông đều sai phạm. Tất nhiên, người chịu trách nhiệm chính việc bổ nhiệm sai này phải là người đưa ra những chỉ đạo, quyết định cách làm sai nguyên tắc. Người đó không ai khác, chính là ông Lê Phước Thanh – Bí thư Tỉnh ủy (nhiệm kỳ 2010 - 2015), bố của ông Lê Phước Hoài Bảo.

Vấn đề dư luận đặt ra là vì sao ông Phước Thanh có thể ưu ái đưa con mình thăng tiến thần tốc dễ dàng như vậy?

Câu hỏi này có vẻ lạc hậu, bởi với dư luận, người đứng đầu ngành, địa phương muốn đưa ai lên, hạ ai xuống không còn là điều gì mới mẻ, huống hồ đây là cha cất nhắc con. Nhưng tôi vẫn đưa ra bởi, trong vụ này, không chỉ bí thư mà cả hai phó bí thư tỉnh ủy “mượn gió” bí thư để “ăn theo”.

Như vậy, phải chăng việc bổ nhiệm thần tốc con cháu các vị lãnh đạo của tỉnh này thành một… phong trào? Liệu đây đã điển hình cho những tiêu cực trong công tác bổ nhiệm cán bộ, đặc biệt với “con cháu các cụ”?

Cũng là công tác cán bộ, việc UBKT T.Ư ra quyết định kỷ luật cảnh cáo và Ban Bí thư vừa ra quyết định cách hết các chức vụ trong Đảng với ông Ngô Văn Tuấn - nguyên Giám đốc sở Xây dựng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.

Trong vụ này, người gây ra sai phạm chỉ là cán bộ đứng đầu cấp sở và người được bổ nhiệm không phải là “con cháu các cụ” mà là cô gái “nóng bỏng” Trần Vũ Quỳnh Anh. Và phó của ông Tuấn cũng mắc sai phạm về công tác cán bộ chẳng kém gì sếp của mình.

Tuy nhiên, dư luận vẫn đặt ra những câu hỏi nóng: Vì sao ông Tuấn có thể mắc sai phạm nghiêm trọng, liên tục trong việc bổ nhiệm bà Trần Vũ Quỳnh Anh? Tại sao, không chỉ bà Quỳnh Anh mà còn một loạt vị trưởng, phó phòng khác được bổ nhiệm không đúng quy định vẫn không bị lãnh đạo tỉnh, cơ quan chức năng ở tỉnh phát hiện ra, không những vậy, ông Tuấn còn được thăng chức lên Phó Chủ tịch tỉnh?

Dám có những hành vi sai phạm nghiêm trọng như vậy mà vẫn được thăng chức, phải chăng đã có ai đó bật đèn xanh và làm ô dù cho ông Tuấn?

Vì vậy, dư luận tin rằng, tới đây, UBKT T.Ư sẽ làm tiếp và làm rõ ai đứng đằng sau sai phạm của ông Tuấn. Không thể để lọt người, lọt tội.

Những vụ việc này cho thấy, người đứng đầu từ cấp sở đến cấp tỉnh có thể vô tư làm những việc sai nghiêm trọng, rất nghiêm trọng. Vậy, các đoàn thể, các bộ, ngành chức năng đã ở đâu để những vị đứng đầu này làm bừa như vậy?

Lỗ hổng quản lý công tác cán bộ quá lớn, quá nguy hiểm.

Vương Hà

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/nguoi-dung-dau-sai-pham-bo-nhiem-can-bo-va-con-chau-cac-cu--a351938.html