Bộ NN&PTNT làm việc với Quảng Bình về khắc phục hậu quả mưa lũ
Hai đợt mưa lũ trong tháng 10 đã khiến tỉnh Quảng Bình bị thiệt hại hơn 3.510 tỷ đồng, 25 người chết, 197 người bị thương...
Ngày 11/11, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với tỉnh Quảng Bình về công tác triển khai ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ năm 2020.
UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, trong tháng 10, địa phương chịu lũ chồng lũ, đặc biệt đợt mưa lũ lịch sử từ ngày 16-21/10 với cường độ lớn, nhất là địa bàn huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, các địa phương lưu vực sông Gianh, sông Son.
Mặc dù đã có sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, nhưng do mưa quá lớn, nước lên rất nhanh, vượt quá năng lực ứng phó của thiết chế hạ tầng, hệ thống phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn nên tính mạng, tài sản, nhà cửa của người dân, công trình hạ tầng của Nhà nước vẫn bị thiệt hại, tổn thất hết sức nặng nề, sản xuất bị đình trệ, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân.
Mưa lũ đã làm 25 người bị chết, 197 người bị thương... ước tổng thiệt hại sơ bộ toàn tỉnh là hơn 3.510 tỷ đồng.
Hiện tỉnh đang chỉ đạo Sở NN&PTNT hướng dẫn các địa phương khẩn trương triển khai sản xuất ngô, rau màu ngắn ngày vụ Thu Đông để đáp ứng nhu cầu trước mắt; tranh thủ nguồn hỗ trợ giống cây trồng của Trung ương để chuẩn bị sản xuất, kiên quyết không để ruộng hoang vì thiếu giống; nhanh chóng tiêu độc khử trùng, tái đàn chăn nuôi; khắc phục hư hỏng đối với các công trình thủy lợi để phục vụ kịp thời cho sản xuất....
Tại buổi làm việc, tỉnh Quảng Bình đã kiến nghị Bộ NN&PTNT báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành ưu tiên hỗ trợ khẩn cấp 2.000 tấn giống lúa, 120 tấn giống ngô, 200 tấn giống lạc, 20 tấn giống rau các loại, 700 con bò, 17.000 con lợn, 3.000 con thỏ New Zealand, 750.000 con gà, 20.000 con vịt; các loại vaccine, hóa chất sát trùng, thức ăn hỗn hợp cho gia súc, gia cầm; giống thủy sản…
Địa phương cũng đề nghị được hỗ trợ 298,8 tỷ đồng để gia cố khẩn cấp, sửa chữa công trình thủy lợi, đê kè, nước sạch nông thôn bị hư hỏng; đồng thời hỗ trợ kinh phí di dân khẩn cấp vùng sạt lở do lũ đối với vùng sạt lở bản Cha Lo, xã Dân Hóa, xã Minh Hóa (huyện Minh Hóa), xã Thạch Hóa, xã Thuận Hóa (huyện Tuyên Hóa), bản Sắt, xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh).
Về lâu dài, Quảng Bình đề nghị hỗ trợ gói khắc phục cơ sở hạ tầng thủy lợi; hỗ trợ xây dựng Đề án phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh Bắc Trung bộ thích ứng với biến đổi khí hậu; hỗ trợ nghiên cứu giải pháp thoát lũ cho vùng Lệ Thủy, Đồng Hới, Phong Nha.
Phát biểu tại buổi làm việc Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, bão lụt đi qua, công tác khắc phục và tái thiết sau thiên tai để ổn định đời sống lâu dài của người dân thông qua tạo sinh kế bền vững là vô cùng quan trọng. Giai đoạn trước mắt cần đặc biệt nhanh chóng khôi phục chăn nuôi gia cầm, vì chu kỳ sản xuất ngắn có thể tạo sản phẩm trước Tết Nguyên đán cho bà con.
Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Cục Chăn nuôi phối hợp với Trung tâm Khuyến nông quốc gia và các đơn vị liên quan xây dựng mô hình nuôi gia cầm sau mưa lũ để phổ biến, nhân rộng tại các địa phương, đồng thời chỉ đạo các viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản và cơ quan quản lý địa phương tổ chức quan trắc môi trồng vùng nuôi, đảm bảo môi trường an toàn trước khi thả nuôi, tránh thiệt hại.
Dịp này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đã trao 33,2 tỷ đồng hỗ trợ Quảng Bình khắc phục hậu quả lũ lụt. Trước đó, đoàn cũng đã trao con giống, thức ăn chăn nuôi và chế phẩm sinh học hỗ trợ sản xuất tại một số trang trại, hộ chăn nuôi bị thiệt hại do các đợt mưa lũ vừa qua.