Bộ Nội vụ đặt mục tiêu hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính trước 30/6

Bộ Nội vụ đặt mục tiêu hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã trước ngày 30/6/2025, nhằm tối ưu hóa bộ máy, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước và tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Hội nghị toàn quốc về vấn đề này dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 16/4 tới.

Đẩy nhanh tiến độ sắp xếp đơn vị hành chính.

Đẩy nhanh tiến độ sắp xếp đơn vị hành chính.

Chính quyền cấp xã vận hành từ 1/7, cấp tỉnh sau 30/8

Tại Hội nghị giao ban công tác tháng 3, triển khai nhiệm vụ công tác quý II và tháng 4, diễn ra chiều 01/4 tại Trụ sở Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ tập trung cao độ cho nhiệm vụ sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã, tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp.

Theo đó, các đề án sắp xếp cần được khẩn trương hoàn thiện và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội trước ngày 30/6/2025. Mục tiêu là để chính quyền cấp xã bắt đầu vận hành từ ngày 01/7/2025 và chính quyền cấp tỉnh sẽ đi vào hoạt động sau ngày 30/8/2025.

Bộ trưởng nhấn mạnh: “Thời điểm này, dư luận có nhìn nhận và đánh giá tốt về đề án. Đây là cuộc cách mạng vĩ đại để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển hùng cường và thịnh vượng của dân tộc”.

Sắp xếp lại Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân…

Bộ trưởng lưu ý, từ ngày 01/5, khối lượng công việc sẽ tăng lên đáng kể khi 63 tỉnh, thành phố đồng loạt gửi đề án sắp xếp đơn vị hành chính về Bộ Nội vụ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội. Do đó, Bộ Nội vụ sẽ phải phối hợp, hỗ trợ và hướng dẫn các bộ, ngành trong việc điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật, nhằm đảm bảo việc vận hành của chính quyền địa phương hai cấp sau khi không còn cấp huyện.

Về lộ trình thực hiện, Đảng ủy Chính phủ sẽ trình bày báo cáo về đề án của Đảng ủy Chính phủ tại Hội nghị lần thứ 11 của Ban Chấp hành Trung ương. Tiếp theo, Bộ Chính trị dự kiến tổ chức Hội nghị toàn quốc vào ngày 16/4 để triển khai việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã, cũng như tổ chức chính quyền địa phương hai cấp. Hội nghị này cũng sẽ xác định các nhiệm vụ liên quan đến việc sắp xếp lại Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan tòa án và viện kiểm sát.

Yêu cầu người đứng đầu các đơn vị tăng cường phối hợp để hoàn thành tốt công tác tham mưu cho Bộ, đặc biệt là trong việc sắp xếp và vận hành chính quyền địa phương hai cấp sau khi bỏ đơn vị hành chính cấp huyện.

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính các cấp đã được Bộ Chính trị chỉ đạo sát sao với nhiều kết luận quan trọng. Đặc biệt, Kết luận 137-KL/TW xác định rõ định hướng về sắp xếp chính quyền cấp tỉnh, tổ chức lại chính quyền cấp xã và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Bộ Nội vụ đã chủ động, khẩn trương tham mưu các cấp có thẩm quyền, xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Công tác này được Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá cao, cho thấy sự chuẩn bị kỹ lưỡng và quyết tâm chính trị lớn.

Thận trọng, khoa học, đảm bảo tính ổn định, phát triển bền vững

Bắc Ninh là một trong những địa phương tích cực triển khai chủ trương này. Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận số 137-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Theo báo cáo từ Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh, tỉnh hiện có 08 huyện, thị xã, thành phố, với tổng số 121 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 66 xã, 50 phường và 05 thị trấn. Thực hiện Kết luận số 137-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính (ĐVHC) các cấp và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, cùng với dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp ĐVHC, thời gian qua, Sở Nội vụ đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng để rà soát, tham mưu và xây dựng các phương án sáp nhập ĐVHC cấp xã.

Dự kiến, tổng số ĐVHC cấp xã sau sắp xếp sẽ giảm khoảng 50%, nhằm đảm bảo tương quan hợp lý, tránh tạo sự giãn cách lớn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số giữa các xã, phường mới; đồng thời, phát huy tiềm năng, lợi thế, mở rộng không gian phát triển của địa phương, bảo đảm chính quyền cấp cơ sở gần dân, sát dân và phục vụ người dân được tốt nhất.

Mới đây, tại Hội nghị Ban Chỉ đạo Xây dựng Đề án không tổ chức đơn vị hành chính cấp huyện và sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã do Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn chủ trì, Bắc Ninh cơ bản thống nhất trình cấp có thẩm quyền phương án giảm khoảng 50% số đơn vị hành chính cấp xã sau sáp nhập. Tỉnh dự kiến tổ chức lấy ý kiến nhân dân từ ngày 18 - 23/4; từ ngày 24 - 25/4, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết tán thành chủ trương không tổ chức ĐVHC cấp huyện, sáp nhập ĐVHC cấp xã để trình Chính phủ Đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã của tỉnh Bắc Ninh trong ngày 25/4/2025.

Bên cạnh sự chủ động của các địa phương như Bắc Ninh, việc sắp xếp đơn vị hành chính cũng nhận được nhiều sự quan tâm và đóng góp ý kiến từ các chuyên gia và các địa phương khác trên cả nước.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc sắp xếp đơn vị hành chính là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển của đất nước. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cần được tiến hành thận trọng, khoa học, đảm bảo tính ổn định và phát triển bền vững của địa phương.

Một số ý kiến nhấn mạnh cần chú trọng đến yếu tố lịch sử, văn hóa, truyền thống của từng địa phương khi tiến hành sáp nhập, đổi tên các đơn vị hành chính. Đồng thời, cần có lộ trình phù hợp, tránh gây xáo trộn lớn trong đời sống của người dân.

Kiến trúc sư Nguyễn Hải Nam, chuyên gia về lĩnh vực quy hoạch đô thị cho rằng: “Các phương án đề xuất cần được xem xét và điều chỉnh để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả trên thực tế. Việc giảm số lượng đơn vị hành chính có thể làm suy yếu sự điều phối giữa các khu vực đô thị, dẫn đến tình trạng các phường hoạt động độc lập, thiếu sự liên kết và đồng bộ trong phát triển. Các khu vực đô thị tập trung đông dân cư có thể trải qua những thay đổi lớn, dẫn đến xáo trộn trong quy hoạch và tổ chức không gian đô thị. Theo đó, cần xác định rõ ràng và khoa học các tiêu chí cho việc sắp xếp và phân chia đất đai”.

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã là một nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị. Với sự chỉ đạo sát sao của Bộ Nội vụ, sự vào cuộc tích cực của các địa phương và sự đồng thuận của nhân dân, tin rằng chủ trương này sẽ được triển khai thành công, tạo động lực mới cho sự phát triển của đất nước.

Nguyên Khánh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/bo-noi-vu-dat-muc-tieu-hoan-thanh-sap-xep-don-vi-hanh-chinh-truoc-306-397689.html