Bộ Nội vụ nói gì về dự thảo đề án tách Tổng cục Đường bộ Việt Nam?
Liên quan đến dự thảo đề án tổ chức lại Tổng cục Đường bộ Việt Nam thành Cục Đường bộ Việt Nam và Cục Đường bộ cao tốc Việt Nam, mới đây Bộ Nội vụ đã có thông tin chính thức về vấn đề này.
Sáng 20/6, Bộ Nội vụ tổ chức họp báo cung cấp thông tin định kỳ và gặp mặt các nhà báo nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà chủ trì buổi họp báo.
Liên quan đến dự thảo đề án tổ chức lại Tổng cục Đường bộ Việt Nam thành Cục Đường bộ Việt Nam và Cục Đường bộ cao tốc Việt Nam; đặc biệt, mới đây Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện khẳng định "không đồng ý tách" vì sẽ có bất cập, ông Vũ Hải Nam, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế cho biết, các bộ, ngành đã bám sát quan điểm, nguyên tắc chỉ đạo trong vấn đề sắp xếp theo hướng tinh gọn bộ máy, giảm cấp trung gian.
"Tổng cục nào sau đánh giá cho thấy cần tổ chức lại để giảm cấp trung gian thì các bộ ngành đều xây dựng phương án, sau đó Bộ Nội vụ có ý kiến và tổng hợp để báo cáo Ban Chỉ đạo đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ" – ông Vũ Hải Nam nói và cho biết, hiện nay Bộ Giao thông vận tải vẫn đang trong quá trình xây dựng phương án, chưa có ý kiến chính thức gửi Bộ Nội vụ để báo cáo Ban chỉ đạo.
Theo ông Vũ Hải Nam, có 3 tiêu chí thành lập Tổng cục được quy định rất rõ trong Nghị định 101/2020/NĐ-CP của Chính phủ: Có đối tượng quản lý nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực lớn, phức tạp, quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội; Chuyên ngành, lĩnh vực cần quản lý tập trung, thống nhất ở trung ương, trường hợp đặc biệt do Chính phủ xem xét quyết định; Được phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng để quyết định các vấn đề thuộc phạm vi quản lý nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực.
Đối chiếu vào đó thì Tổng cục Đường bộ Việt Nam có một tiêu chí chưa đáp ứng đầy đủ liên quan đến việc được giao ngành, lĩnh vực tập trung, không phân cấp cho địa phương.
Ông Vũ Hải Nam cho biết, đường quốc lộ, đường cao tốc là huyết mạch giao thông, có sự quan tâm quản lý tập trung tương đối đồng bộ và thống nhất trên cả nước. Nhưng bên cạnh đó còn có hệ thống tỉnh lộ và huyện lộ đang được Chính phủ tính tới đẩy mạnh phân cấp cho địa phương tham gia quản lý, bảo trì, giải phóng mặt bằng, đầu tư...
"Khi tách Tổng cục Đường bộ Việt Nam thì có ý kiến băn khoăn liệu về việc có chồng chéo hay không? Xét về mặt đối tượng, dưới góc độ nghiên cứu của chúng tôi thì không có sự chồng chéo. Trong đường bộ có đường cao tốc, nhưng đường cao tốc đang được xác định là tuyến đường huyết mạch, kết nối các trục tăng trưởng, tạo ra động lực tăng trưởng mới nên cần có phương thức quản lý tập trung thống nhất. Phương thức quản lý đường cao tốc hiện nay khác đường bộ. Đường cao tốc được xây dựng mới, thu hút nguồn lực nên cần có quản lý riêng, tập trung hơn. Vì vậy phải xem phương án như thế nào cho thống nhất, hợp lý" - Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế nói.
Ông Vũ Hải Nam cho biết, nếu Tổng cục Đường bộ Việt Nam được tách thành 2 Cục thì sẽ phải phân công rõ đầu mối, đảm bảo chính sách được thực hiện thống nhất, hợp lý nhất trong quản lý, vừa tinh gọn vừa hiệu quả./.
Khẩn trương rà soát, tiến hành sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong
Phát biểu tại buổi họp, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà gửi lời cảm ơn tới các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và địa phương trong thời gian qua đã đồng hành cùng Bộ Nội vụ trong việc tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đặc biệt là các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ.
Thông tin cho báo chí, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, Bộ Nội vụ đã tham mưu trình Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản, đề án về các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ như: lĩnh vực tổ chức, biên chế; công chức, viên chức; chính quyền địa phương; cải cách hành chính; thi đua, khen thưởng; văn thư, lưu trữ; công tác tôn giáo…
Đặc biệt đã tham mưu giúp Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV ngày 15/6/2022 và trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở tại Kỳ họp thứ 3 theo quy trình 2 kỳ họp.
Về lĩnh vực tổ chức bộ máy và biên chế, Bộ Nội vụ đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ các văn bản chỉ đạo, đôn đốc các Bộ, cơ quan ngang Bộ khẩn trương rà soát, tiến hành sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong gắn với việc xây dựng dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo hướng giảm đầu mối trung gian và đáp ứng nguyên tắc, tiêu chí thành lập tổ chức theo quy định của Chính phủ và tinh thần Nghị quyết số 18, 19 của Trung ương bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Đến thời điểm này, Bộ Nội vụ đã tham mưu Ban Chỉ đạo đổi mới sắp xếp các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ xem xét, cho ý kiến đối với dự thảo Nghị định của 26 bộ, ngành.
“Hết năm 2021, về tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính, đã giảm 561 đơn vị hành chính cấp xã, 8 huyện, 2.099 phòng và tương đương phòng cấp tỉnh, cấp huyện. Theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo đổi mới sắp xếp các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Ngay khi có kết quả sắp xếp, Bộ Nội vụ sẽ công khai trên các phương tiện thông tin, báo chí." - bà Phạm Thị Thanh Trà cho biết.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng nhấn mạnh, bên cạnh đó, tiếp tục sắp xếp các đơn vị sự nghiệp thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ theo tinh thần những đơn vị phục vụ trực tiếp nhiệm vụ quản lý nhà nước thì giữ lại, các đơn vị khác có thể phân cấp cho địa phương hoặc chuyển sang cơ chế tự chủ. Khó khăn lớn nhất là nhận thức và đồng thuận.
Về quản lý công chức, viên chức cũng là vấn đề nóng bỏng, do đó, Bộ Nội vụ đã đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ và cắt giảm các loại chứng chỉ như bỏ chứng chỉ về tin học, ngoại ngữ, các loại chứng chỉ bồi dưỡng khác…
Phân cấp về tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, thi nâng ngạch, thăng hạng, Bộ Nội vụ chỉ chủ trì thi nâng ngạch, thăng hạng lên chuyên viên cao cấp để bảo đảm tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các bộ, ngành và địa phương trong công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức. Bộ Nội vụ đang đề nghị các bộ ngành địa phương thực hiện tốt Nghị định số 89/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, 6 tháng đầu năm 2022 và năm 2021 là sự nỗ lực vượt bậc của Bộ Nội vụ trên các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ. Đạt được những kết quả đó là sự chia sẻ, đồng hành của các cơ quan thông tin, báo chí ở Trung ương và địa phương. Các bài viết có sức lan tỏa mạnh mẽ, truyền tải thông điệp tích cực, đổi mới, kịp thời; báo chí đã dành sự quan tâm, chia sẻ sâu sắc, tạo ra sự thống nhất, đồng thuận cao trong mọi tầng lớp Nhân dân, đóng góp to lớn vào kết quả đạt được của Bộ Nội vụ./.