Bộ Nội vụ nói về đình chỉ công tác với công chức, viên chức bị điều tra
Bộ Nội vụ cho biết, hết thời hạn tạm giữ, tạm giam mà được tại ngoại, việc tạm đình chỉ công tác thực hiện theo đề nghị của cơ quan tiến hành tố tụng.
Thời hạn đình chỉ cán bộ bị điều tra
Mới đây, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đề nghị Bộ Nội vụ quy định rõ hơn về thời hạn đình chỉ chức vụ và công tác đối với công chức, viên chức bị cơ quan có thẩm quyền điều tra, khởi tố hoặc chờ xử lý vi phạm.
Về vấn đề này, Bộ Nội vụ thông tin, ngày 23/5/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 148-QĐ/TW về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Nội vụ đã rà soát các quy định có liên quan đến tạm đình chỉ công tác để kịp thời thể chế hóa các quy định của Đảng. Hiện nay, nội dung về tạm đình chỉ công tác đối với công chức đã được bổ sung tại khoản 45 Điều 1 Nghị định số 116/2024/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và Nghị định số 06/2023/NĐ-CP ngày 21/2/2023 quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức.
Đồng thời, để giải quyết khó khăn, vướng mắc về việc tạm đình chỉ đối với cán bộ, công chức, viên chức có liên quan đến các vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, tại khoản 20 Điều 1 Nghị định số 71/2023/NĐ-CP (bổ sung tại Điều 41 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP) đã quy định đối với cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian bị tạm giữ, tạm giam thì đương nhiên bị tạm đình chỉ công tác.
Trường hợp hết thời hạn tạm giữ, tạm giam mà được tại ngoại, việc tạm đình chỉ công tác thực hiện theo đề nghị của cơ quan tiến hành tố tụng hoặc theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức đã có quyết định khởi tố bị can nhưng được tại ngoại thì việc tạm đình chỉ công tác được thực hiện theo đề nghị của cơ quan tiến hành tố tụng hoặc theo quyết định của cơ quan quản lý hoặc được phân cấp thẩm quyền quản lý.
Hạ một mức khen thưởng đối với cá nhân bị kỷ luật
Ý kiến từ UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, đề nghị Bộ Nội vụ hướng dẫn cụ thể việc “Hạ một mức khen thưởng đối với cá nhân bị kỷ luật, khiển trách, cảnh cáo”.
Phản hồi vấn đề này, Bộ Nội Nội vụ thông tin: Tại khoản 3 Điều 6 Nghị định số 98/2023/NĐ-CP ngày 31/12/2023 của Chính phủ đã quy định một số vấn đề.
Cụ thể, không khen thưởng đối với cá nhân bị kỷ luật khai trừ khỏi Đảng, bị kỷ luật ở hình thức buộc thôi việc; bị tước danh hiệu quân nhân, công an nhân dân, quân hàm sĩ quan hoặc quân hàm chuyên nghiệp. Đối với cá nhân đã bị kỷ luật khai trừ Đảng, sau đó đã sửa chữa khuyết điểm, phấn đấu và được kết nạp lại vào Đảng, nếu đạt tiêu chuẩn theo quy định thì thời gian, chức vụ sau khi kết nạp Đảng lần sau được xét khen thưởng.
Hạ một mức khen đối với cá nhân đã bị kỷ luật khai trừ khỏi Đảng sau đó được kết nạp lại, cá nhân: Bị cách chức, giáng chức, giáng cấp bậc, quân hàm, hạ bậc lương, khiển trách, cảnh cáo. Hình thức kỷ luật chỉ xem xét một lần đối với một hình thức khen thưởng (những lần xét khen sau không căn cứ vào hình thức kỷ luật đã xét khen thưởng lần trước)".
Do đó, Bộ Nội vụ đề nghị địa phương thực hiện theo quy định nêu trên và quy định của pháp luật về khen thưởng cống hiến để khen thưởng đối với cá nhân bị kỷ luật.
Năm 2024, Bộ Nội vụ thông tin thực hiện nghiêm các quy định về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyển dụng và quản lý gắn với siết chặt kỷ cương hành chính, kỷ luật công vụ.
Tăng cường thanh tra công vụ, công chức tại các bộ, ngành, địa phương. Kịp thời chấn chỉnh những sai phạm, khuyết điểm trong công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức, nhất là công tác quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, năm 2024 các bộ, ngành, địa phương đã xử lý kỷ luật 4.741 cán bộ, công chức, viên chức.