Bộ Nông nghiệp gửi công điện khẩn yêu cầu Đồng Nai ngăn chặn gia cầm nhập lậu
Trước nguy cơ nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm có chiều hướng tăng trong thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn gửi cho nhiều tỉnh đề nghị kiểm soát gia cầm nhập lậu, gần đây nhất là gửi tỉnh Đồng Nai.
Kiểm soát chặt dịch bệnh lây lan
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) có công điện gửi UBND tỉnh Đồng Nai về việc ngăn chặn tình trạng nhập lậu, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam.
Công điện nêu rõ, hiện tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam tiếp tục diễn biến phức tạp. Mỗi ngày có hàng vạn con gia cầm được nhập lậu vào Việt Nam. Theo Bộ NN&PTNT, đây là nguyên nhân dẫn đến các chủng virus cúm gia cầm và các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi gia cầm, sức khỏe người dân, gây bức xúc trong xã hội. Đồng thời, tình trạng này ảnh hưởng đến môi trường đầu tư phát triển chăn nuôi trong nước.
Tính đến tháng 2/2024, tổng đàn gia cầm Đồng Nai ước tính hơn 25,9 triệu con, tăng 1,18% so cùng kỳ. Trong đó, đàn gà hơn 23 triệu con, tăng 1,76%. Đàn gà tăng do thị trường tiêu thụ ổn định, dịch bệnh không phát sinh, các trang trại đã chủ động tăng đàn.
Bộ NN&PTNT đề nghị chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các sở, ban ngành và chính quyền các cấp của địa phương tập trung tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp theo quy định và theo các chỉ đạo của Thủ tướng.
Bộ cũng yêu cầu Đồng Nai tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát, đặc biệt tại các địa bàn giáp ranh với các tỉnh có đường bộ, đường sông,… để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc vào Việt Nam. Chỉ đạo lực lượng công an, lập chuyên án đấu tranh với các trường hợp vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc. Đồng thời tổ chức tuyên truyền cho nhân dân về sự nguy hiểm của bệnh cúm gia cầm và tác hại khi buôn bán, vận chuyển gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc...
Việc tỉnh Đồng Nai nhận được công điện khẩn của Bộ NN&PTNT về việc ngăn chặn nhập lậu gia cầm khiến nhiều người có phần bất ngờ, bởi Đồng Nai không phải là tỉnh biên giới như nhiều địa phương khác.
Ông Lê Văn Quyết - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ cho biết, không phải là tỉnh biên giới nhưng nhiều năm nay Đồng Nai phải vất vả đối phó với tình trạng nhập lậu gia cầm. Theo ông Quyết, có 3 tình huống có thể hình dung từ công điện của Bộ NN&PTNT. Thứ nhất, không loại trừ khả năng nhiều người đưa gia cầm nhập lậu vào Đồng Nai, rồi gắn mác là sản phẩm của địa phương sau đó đưa đi các nơi để tiêu thụ. Việc này vừa đe dọa an toàn thực phẩm của người tiêu dùng, vừa gây mất an toàn vệ sinh phòng bệnh trong chăn nuôi, có khả năng tàn phá ngành chăn nuôi gia cầm trong tỉnh. Cuối cùng, Đồng Nai có đơn vị đang chăn nuôi gia cầm xuất khẩu sang Nhật Bản, việc kiểm soát chặt dịch bệnh lây lan là cần thiết.
Cần xây dựng vùng an toàn dịch bệnh
Để ngăn chặn tình trạng nhập lậu gia cầm, đến nay Bộ NN&PTNT đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành 2 công điện và ra 18 văn bản chỉ đạo địa phương, ban ngành liên quan để có biện pháp xử lý, ngăn chặn tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm. Thủ tướng đã ký ban hành Chỉ thị số 29 về việc ngăn chặn nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát tốt dịch bệnh, phát triển chăn nuôi bền vững, bảo đảm nguồn cung thực phẩm.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Long - Cục trưởng Cục Thú y cho biết, hiện cả nước đã có 4.000 cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh, tuy nhiên Việt Nam vẫn chưa có vùng an toàn dịch bệnh theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới (OIE/WOAH). Do vậy, trong thời gian tới cần tiếp tục kiểm soát tốt các loại dịch bệnh, không để xảy ra trên phạm vi diện rộng, nhất là những vùng đã đạt chuẩn an toàn dịch bệnh.
Ngoài ra, muốn đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước thì phải nâng cấp vùng an toàn dịch bệnh lên theo tiêu chuẩn của OIE/WOAH, vận động người chăn nuôi tham gia vào việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an và các cơ quan truyền thông để ngăn chặn tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm. Đây là những điều kiện tiên quyết để có thể xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi.
Theo ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, tình trạng lợn (heo) nhập lậu qua biên giới vẫn phức tạp, đặc biệt vào thời điểm cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn, với trung bình mỗi đêm có khoảng 6.000 - 7.000 con heo từ Campuchia nhập lậu vào Việt Nam. Nếu không quyết liệt ngăn chặn, việc này có thể đánh gục ngành chăn nuôi đang phải gồng lỗ suốt thời gian dài vừa qua.
.