Bộ Nông nghiệp Mỹ xin ý kiến công chúng về nhập khẩu xoài tươi Việt Nam
Nếu được Mỹ chính thức cấp phép, mỗi năm, Việt Nam có thể xuất sang thị trường Mỹ khoảng 3.000 tấn xoài tươi.
Bộ Nông nghiệp Mỹ đã cho đăng công báo Liên Bang đề xuất xin ý kiến công chúng đóng góp, bổ sung, và sửa đổi các quy định cho phép trái xoài tươi của Việt Nam được nhập khẩu vào lục địa Hoa Kỳ.
Thông tin này được ông Đào Trần Nhân, Tham tán Công sứ, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ xác nhận, đồng thời ông Nhân cũng cho biết, với động thái này có thể khẳng định gần như chắc chắn là sản phẩm trái xoài tươi sẽ là loại trái cây thứ 6 của Việt Nam được Mỹ cho phép nhập khẩu vào tiêu thụ từ cuối năm nay.
Trái xoài tươi Việt Nam bày bán tại siêu thị Nhật Bản.
Trước đó không lâu, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã Công báo Liên Bang cho phép nhập khẩu thêm trái Vú sữa của Việt Nam vào Mỹ dự kiến từ quý IV/2016.
Cùng với tin vui về triển vọng của trái xoài tươi được phép xuất khẩu vào Mỹ, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cũng khẳng định, để có thể bước chân vào thị trường đầy tiềm năng song cũng rất khắt khe này, sản phẩm trái xoài tươi từ Việt Nam sẽ phải trải qua những tiêu chuẩn nghiêm ngặt của hệ thống kiểm soát bao gồm các quy định về vườn trồng, xử lý chiếu xạ và kiểm tra hải quan tại cảng đến.
Bên cạnh đó trái xoài tươi chỉ được nhập khẩu vào Mỹ từ Việt Nam dưới dạng các lô hàng thương mại và phải kèm theo chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm của Cục Bảo vệ thực vật Việt Nam (NPPO).
Để xét duyệt cho trái xoài tươi nhập khẩu từ Việt Nam, sau khi nhận được đề nghị của Cục Bảo vệ thực vật Việt Nam, Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Hoa Kỳ (APHIS) đã hoàn tất bản báo cáo phân tích nguy cơ dịch hại để đánh giá những nguy cơ liên quan đến việc nhập khẩu trái xoài tươi từ Việt Nam vào lục địa Hoa Kỳ.
Bản báo cáo phân tích đã chỉ rõ 18 loại côn trùng có nguy cơ xâm nhập vào Hoa Kỳ trên các lô hàng xoài tươi xuất khẩu từ Việt Nam.
Đồng thời với việc đưa ra báo cáo những phân tích nguy cơ dịch hại, APHIS cũng xây dựng một bộ hồ sơ bao gồm các biện pháp quản lý, kiểm dịch nhằm giảm thiểu các nguy cơ dịch hại trước khi lô hàng xoài tươi nhập khẩu từ Việt Nam có thể cập cảng vào Mỹ. Với việc tiến hành đồng bộ các công việc như trên, APHIS chính thức đề xuất cho phép nhập khẩu trái xoài tươi từ Việt Nam vào lục địa Hoa Kỳ nếu thỏa mãn các điều kiện sau:
Trái xoài tươi phải được xử lý chiếu xạ bắt buộc với liều lượng tối thiểu là 400 Gy nhằm loại bỏ toàn bộ côn trùng trừ một số loài như nhộng và sâu bọ cánh vảy trưởng thành do liều lượng này chưa đủ để tiêu diệt, xong đủ để tiêu diệt ấu trùng của chúng.
Mỗi chuyến hàng xuất khẩu trái xoài tươi đều phải có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do Cục Bảo vệ thực vật Việt Nam cấp, trong đó phải ghi rõ trái cây trong lô hàng đã được kiểm dịch và không phát hiện thấy các loại dịch hại như Macrophoma mangiferae, Xanthomonas campestri và Mangiferaeindicae.
Cơ quan kiểm dịch động thực vật Hoa Kỳ đã đăng công khai bản báo cáo phân tích nguy cơ dịch hại với mục đích để công chúng và các tổ chức xem xét và cho ý kiến bình luận về việc cho phép trái xoài tươi của Việt Nam được nhập khẩu vào lục địa Hoa Kỳ đồng thời cung cấp thêm các biện pháp bảo vệ dịch hại xâm nhập. Thời gian gửi bình luận đến ngày 3/10/2016.
Sau khi xem xét mọi ý kiến đóng góp, bình luận nhận được, nếu toàn bộ phân tích kết luận của APHIS và người chịu trách nhiệm xác định nguy cơ dịch hại vẫn không có gì thay đổi, APHIS sẽ cho công bố quyết định cho phép nhập khẩu trái xoài tươi từ Việt Nam vào Mỹ trong một thông báo chính thức.
Xoài nội địa của Mỹ chủ yếu được trồng tại bang Florida và Hawaii và một lượng nhỏ tại bang California và Texas nhưng tổng sản lượng nội địa chỉ đạt khoảng 3.000 tấn một năm.
Theo tính toán của các chuyên gia, với quyết định cho phép nhập khẩu xoài tươi của Việt Nam, dự kiến hàng năm Việt Nam có thể xuất sang Mỹ khoảng 3.000 tấn xoài tươi, tương đương khoảng gần 1% lượng nhập khẩu xoài tươi của quốc gia này và ngang bằng với sản lượng nội địa của Mỹ.
Hàng năm Hoa Kỳ phải nhập khoảng gần 400.000 tấn xoài tươi chủ yếu từ các quốc gia như Mexico, Peru, Ecuador, Brazil và Guatamala để có thể đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.