Bộ Nông nghiệp và Môi trường chỉ ra 6 hạn chế trong phòng, chống thiên tai

Khả năng chống chịu của công trình phòng, chống thiên tai, cơ sở hạ tầng, nhà ở còn thấp trước sức tàn phá của bão, lũ; hệ thống giao thông thường xuyên xảy ra sạt lở, ngập sâu, chia cắt…

Khả năng chống chịu của công trình phòng, chống thiên tai, cơ sở hạ tầng, nhà ở cũng còn thấp trước sức tàn phá của bão, lũ. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Khả năng chống chịu của công trình phòng, chống thiên tai, cơ sở hạ tầng, nhà ở cũng còn thấp trước sức tàn phá của bão, lũ. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Chiều 24/7, thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết trong thời gian qua, công tác phòng, chống thiên tai còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế kéo dài chưa xử lý dứt điểm và hạn chế mới phát sinh cần được khắc phục.

Đầu tiên là thiệt hại về người và kinh tế do thiên tai gây ra vẫn còn lớn. Đơn cử như trong năm 2024, thiên tai đã làm 519 người chết, mất tích (gấp hơn 3 lần so với năm 2023 và 2,5 lần trung bình 10 năm từ 2014-2023); 2.212 người bị thương; thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 91.622 tỷ đồng (gấp hơn 9,8 lần so với năm 2023 và 4,3 lần trung bình 10 năm từ 2014-2023).

Đáng chú ý, còn tình trạng chưa thực hiện nghiêm túc, đầy đủ chỉ đạo, khuyến cáo của cơ quan chức năng dẫn đến thiệt hại đáng tiếc về người, tài sản như ở lại trên tàu thuyền khi neo đậu và tham gia giao thông khi có gió bão; di chuyển qua ngầm tràn ngập sâu, nước chảy xiết khi đã có biển cảnh báo…

Hạn chế thứ ba, là phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác ứng phó thiên tai, cứu hộ cứu nạn tại nhiều địa phương vẫn còn thiếu và chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra; nhất là tại các vùng sâu, vùng xa, trong điều kiện thời tiết phức tạp như gió bão, mưa lũ lớn, sạt lở chia cắt.

Thứ tư, khả năng chống chịu của công trình phòng, chống thiên tai, cơ sở hạ tầng (điện, viễn thông,…), nhà ở cũng còn thấp trước sức tàn phá của bão, lũ; hệ thống giao thông thường xuyên xảy ra sạt lở, ngập sâu, chia cắt…

Việc xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai, phương án ứng phó với thiên tai của các địa phương chưa cập nhật thường xuyên, chưa bám sát thực tiễn, nhất là các tình huống thiên tai lớn, lịch sử như bão số 3 Yagi (năm 2024); công tác khắc phục hậu quả thiên tai đối với cơ sở hạ tầng cũng còn chậm.

Trong khi đó, công tác dự báo, cảnh báo sớm, chi tiết cho một số loại hình thiên tai cực đoan xảy ra trong phạm vi hẹp như mưa lớn cục bộ, sạt lở đất, lũ quét, dông, lốc,… còn hạn chế và vẫn luôn là thách thức, nhất là trong các đợt thiên tai lớn bất thường.

Ngoài ra, công tác cảnh báo gió giật mạnh nhất trong bão YAGI trên đất liền chưa sát thực tế; đặc biệt là chưa có bản đồ phân vùng nguy cơ sạt lở đất, lũ quét tỉ lệ lớn chi tiết cho từng thôn, bản để người dân biết cũng như phục vụ công tác di dời, sắp xếp dân cư, công tác chỉ đạo ứng phó...

Trước thực tế trên, đại diện Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhấn mạnh trong phòng, chống thiên tai, công tác dự báo, cảnh báo có vai trò rất quan trọng. Vì vậy, thông tin dự báo, cảnh báo cần phải từ sớm, từ xa, kịp thời, chính xác.

Bên cạnh đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong phòng, chống thiên tai cần phải bám sát tình hình, có trọng tâm, trọng điểm, quyết liệt, quyết đoán, dám chịu trách nhiệm, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc; phải đặt mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân và nhà nước lên trên hết, trước hết; huy động tổng lực mọi nguồn lực của xã hội, của nhà nước, đặc biệt là phương châm “4 tại chỗ” trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả.

Ngoài ra, các địa phương cần coi trọng công tác truyền thông, nhất là cung cấp thông tin kịp thời, chính xác về tình hình thực tế và hướng dẫn, phổ biến kỹ năng ứng phó, phòng, chống, khắc phục hậu quả bão lũ cho người dân./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/bo-nong-nghiep-va-moi-truong-chi-ra-6-han-che-trong-phong-chong-thien-tai-post1051586.vnp