Bỏ nộp giấy xác nhận độc thân khi đăng ký kết hôn là phù hợp và khả thi

Việc bỏ quy định nộp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (độc thân) khi đăng ký kết hôn trong điều kiện hiện nay là hoàn toàn phù hợp, và có tính khả thi cao.

Bộ Tư pháp vừa có tờ trình gửi Chính phủ về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định trong lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực.

Trong đó, Bộ Tư pháp đề xuất bãi bỏ quy định về việc nộp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (độc thân) khi làm thủ tục đăng ký kết hôn hoặc đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài.

Về vấn đề này, một số Sở Tư pháp địa phương đề nghị giữ nguyên quy định xuất trình giấy xác nhận tình trạng hôn nhân nhằm đảm bảo cho việc chứng minh điều kiện kết hôn theo quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình.

Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cho biết, việc bỏ quy định nộp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân khi làm thủ tục đăng ký kết hôn chỉ là thay đổi phương thức chứng minh điều kiện kết hôn. Thay vì để người dân phải nộp giấy này, cơ quan, đơn vị sẽ tra cứu thông tin trên cơ sở dữ liệu điện tử.

Theo Luật sư Trần Văn Quyết - Công ty Luật TNHH PSSLAWYERS, trong Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định rất rõ nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng là một trong những nguyên tắc cơ bản hàng đầu của chế độ hôn nhân và gia đình. Có thể hiểu rằng nguyên tắc này quy định cá nhân đã kết hôn chỉ được có một vợ hoặc một chồng; và trong thời kỳ hôn nhân không được kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác. Bởi vậy việc xác nhận tình trạng hôn nhân cho các công dân là một điều kiện thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn là hết sức quan trọng.

Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, cơ sở dữ liệu cá nhân về dân cư đã tương đối hoàn thiện, liên thông, nhiều giấy tờ đã được tích hợp, và cơ quan chức năng dễ dàng tra cứu kiểm tra vì vậy thay vì công dân phải nộp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân mà cơ quan hành hính có thể tự tra cứu là điều phù hợp và có tính khả thi cao.

Không chỉ có vậy, việc bỏ nộp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân khi đăng ký kết hôn cũng phù hợp với chủ trương cải cách hành chính mạnh mẽ của chúng ta trong giai đoạn hiện nay.

Nghị quyết 58/NQ-CP ngày 4/7/2017, Chính phủ cũng đã giao Bộ Tư pháp chủ trì việc sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ thủ tục hành chính giấy tờ công dân. Trong đó, bãi bỏ quy định nộp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, trích lục ghi chú ly hôn (đối với công dân Việt Nam) tại thủ tục đăng ký kết hôn, đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài. Hay cũng bãi bỏ thủ tục cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; bỏ quy định về xuất trình giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ trẻ em (trường hợp cha, mẹ trẻ có đăng ký kết hôn) tại thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài.

Đề xuất bỏ nộp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. (Ảnh minh họa, nguồn: pbgdpl.camau.gov.vn)

Đề xuất bỏ nộp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. (Ảnh minh họa, nguồn: pbgdpl.camau.gov.vn)

“Có thể nói việc bỏ quy định nộp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân khi đăng ký hôn nhân là cần thiết và phù hợp, thay vào đó giao trách nhiệm tra cứu thông tin tình trạng hôn nhân của công dân cho cơ quan có thẩm quyền, là bớt một khâu tránh phiền hà cho công dân”, Luật sư Trần Văn Quyết nói.

Nhiều ý kiến cho rằng hiện nay còn rất nhiều thủ tục hành chính có sử dụng đến giấy xác nhận tình trạng hôn nhân như các thủ tục liên quan đến đăng ký bất động sản, đăng ký tài sản, đăng ký quyền sở hữu khác như ô tô, xe gắn máy… nên có những lo ngại không nộp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân có ảnh hưởng các thủ tục này.

Theo Bộ Tư pháp giải thích, dù đề xuất bãi bỏ việc nộp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân khi đăng ký kết hôn nhưng Bộ đề nghị vẫn giữ lại quy định về cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân và được đa số ý kiến cơ quan Trung ương và địa phương đồng tình. Bởi giấy xác nhận tình trạng hôn nhân ngoài mục đích sử dụng để đăng ký kết hôn còn sử dụng vào các mục đích khác.

Về vấn đề này, Luật sư Trần Văn Quyết cho biết, hiện nay không phải tất cả cơ quan có thẩm quyền ở trong nước đều có thẩm quyền khai thác thông tin tình trạng hôn nhân từ cơ sở dữ liệu hộ tịch và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cho nên việc giữ lại quy định cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân là cần thiết. Tuy nhiên, cũng cần xem xét, nghiên cứu mở rộng các cơ quan thực hiện thủ tục hành chính có thể truy cập dữ liệu cá nhân về dân cư, theo từng nội dung, từng lĩnh vực cụ thể để tiếp tục cải cách thủ tục hành chính.

Điều 2 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình

1. Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng.

2. Hôn nhân giữa công dân Việt Nam thuộc các dân tộc, tôn giáo, giữa người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người có tín ngưỡng với người không có tín ngưỡng, giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

3. Xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; các thành viên gia đình có nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; không phân biệt đối xử giữa các con.

4. Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ, hỗ trợ trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật thực hiện các quyền về hôn nhân và gia đình; giúp đỡ các bà mẹ thực hiện tốt chức năng cao quý của người mẹ; thực hiện kế hoạch hóa gia đình.

5. Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam về hôn nhân và gia đình.

Minh Quang

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bo-nop-giay-xac-nhan-doc-than-khi-dang-ky-ket-hon-la-phu-hop-va-kha-thi-330608.html