'Bố nuôi' trên đỉnh Trường Sơn
Đời sống của đồng bào dân tộc Cơ Tu trên đỉnh Trường Sơn bạt ngàn nắng gió mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng đã từng bước cải thiện. Bộ đội Biên phòng Quảng Nam không chỉ hỗ trợ người dân phát triển kinh tế mà còn đón nhận nuôi những em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt.
“Mất cha, còn chú”
Chúng tôi đến Đồn Biên phòng La ÊÊ (Bộ đội Biên phòng Quảng Nam) đúng 11 giờ trưa. Sau tiếng kẻng báo giờ ăn trưa vang lên, cán bộ, chiến sĩ của đồn đều có mặt tại bếp ăn. Họ ngồi quây quần bên mâm cơm, nhưng chưa vội ăn mà có ý chờ đợi ai đó.
15 phút sau, xuất hiện trước cửa phòng ăn là 2 cậu bé dáng người loắt choắt, đen nhẻm, nhưng miệng cười tươi rói, nhanh nhẹn khoanh tay chào mọi người rồi ngồi sà vào lòng các chú Biên phòng. Lúc này, thượng tá Quách Thiện Dư, Chính trị viên Đồn Biên phòng La ÊÊ mới giới thiệu: “Đây là Pơ Loong Chuyển, học lớp 7, còn kia là A Lăng Xuân, học lớp 4. Đây là 2 con nuôi của đơn vị đấy. Các con tan học từ trường về đồn cũng phải mất 15 phút, nên ngày nào chúng tôi cũng chờ cơm”.
Chuyển và Xuân được đón về đơn vị từ tháng 9/2019, đến nay đã gần một năm. Nhà Chuyển nghèo nhất bản Blăng, xã Chơ Chun. Bố mất sớm khi Chuyển đang học lớp 4, một thời gian sau thì mẹ đi lấy chồng mới, để lại cậu cho ông bà ngoại hơn 70 tuổi nuôi. Chuyển kể, những ngày ở với ông bà ngoại, mỗi bữa ăn chỉ có cơm độn với rau hái ở trên rừng. Ông bà già yếu, không đi nương thường xuyên được nên thi thoảng lại đứt bữa. Số phận éo le nhưng Chuyển kiên cường theo học cái chữ. Nhà cách trường 10 cây số, đầu tuần, cậu dậy từ 5 giờ sáng để đến trường học bán trú, cuối tuần lại cuốc bộ về nhà, cùng ông ngoại lên rẫy đi chăn trâu.
Hoàn cảnh của Xuân cũng đáng thương không kém. Bố em mất năm ngoái, Xuân ở với mẹ ở xã La ÊÊ. Đồn Biên phòng La ÊÊ đã phối hợp với chính quyền địa phương đến gia đình động viên và xin nhận em về nuôi dạy tại đơn vị. Thượng úy Zơ Râm Nghép, cán bộ của đồn quả quyết: “Mất cha thì còn các chú. Các chú Biên phòng sẽ luôn ở bên, là những người bố thực thụ, luôn chở che và bảo ban để các con lớn khôn, trưởng thành”.
Con gọi bố là bố nhé!
Ở Đồn Biên phòng Cửa khẩu Nam Giang, hai con nuôi A Lăng Chi, học lớp 4 và Zơ Râm Dũng, học lớp 5 cũng đều mất bố, gia đình thuộc diện đặc biệt khó khăn trong xã. Khi được đơn vị đón về nuôi, ban đầu các em “lo sợ” đến mất ăn, mất ngủ. Hằng ngày, nhìn các chú bộ đội luyện tập quân sự, mặt ai cũng nghiêm nghị nên hai cậu bé càng sợ. Nhưng sau một thời gian tiếp xúc, thấy bố nào cũng tình cảm, nên Chi và Dũng không còn sợ nữa. Tiếng cười đùa của Chi và Dũng với các bố nuôi khiến cho cả đơn vị trở nên vui nhộn, ấm cúng hơn.
Biết hai em mất bố sớm, thiếu thốn tình cảm của người cha nên mỗi ngày, dù bận đến mấy, Chính trị viên Zơ Râm Thức cũng đều xuống phòng, dành thời gian trò chuyện với các con. Anh muốn chúng có ước mơ, khát vọng vươn lên, để trưởng thành, tự đứng trên đôi chân của mình.
Cậu bé Chi ban đầu mới về nhìn còi cọc, đôi mắt lúc nào cũng cụp xuống vì buồn và lo sợ. Có những đêm, Chi mơ sảng, rồi bật khóc giữa đêm. Tỉnh dậy, Chi đã thấy có bố Thức nằm bên cạnh vỗ về. “Hai con tuy ít nói nhưng rất tình cảm. Anh em cán bộ, chiến sĩ luôn cố gắng quan tâm, chăm sóc để bù đắp cho hai bé. Rồi một ngày, hai cậu bé thì thầm vào tai tôi: Con gọi bố là bố nhé… Chúng nhìn tôi với ánh mắt tràn ngập yêu thương, tin tưởng”, trung tá Thức chia sẻ.
Thượng tá Hoàng Văn Mẫn, Chính ủy Bộ đội Biên phòng Quảng Nam cho biết, đến nay, các đơn vị trên tuyến biên giới của tỉnh đã nhận nuôi 10 cháu tại các đồn biên phòng. Thời gian tới, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo để nhân rộng mô hình này ra tất cả các đơn vị trên 2 tuyến biên giới và biển đảo.