Bỏ phiếu xong, cử tri còn có quyền, trách nhiệm gì?

Điều 26 Luật Tổ chức Quốc hội quy định: Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) có trách nhiệm tham gia đầy đủ các kỳ họp, phiên họp toàn thể của Quốc hội; tham gia các hoạt động của đoàn ĐBQH; thảo luận và biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội.

ĐBQH là thành viên của Hội đồng Dân tộc, ủy ban của Quốc hội có trách nhiệm tham dự các phiên họp, tham gia các hoạt động khác của hội đồng, ủy ban; thảo luận và biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Dân tộc, ủy ban mà mình là thành viên. ĐBQH hoạt động chuyên trách có trách nhiệm tham gia hội nghị ĐBQH chuyên trách và các hội nghị khác do Ủy ban Thường vụ Quốc hội triệu tập.

Về trách nhiệm của ĐBQH với cử tri, Điều 27 Luật Tổ chức Quốc hội quy định: ĐBQH liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thường xuyên tiếp xúc với cử tri, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan; phổ biến và vận động nhân dân thực hiện Hiến pháp và pháp luật. ĐBQH tiếp xúc cử tri ở nơi ứng cử theo chương trình tiếp xúc cử tri của đoàn đại biểu Quốc hội. ĐBQH tiếp xúc cử tri ở nơi cư trú, nơi làm việc; tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng, địa bàn mà đại biểu quan tâm. Trong quá trình tiếp xúc cử tri, ĐBQH có trách nhiệm báo cáo với cử tri về hoạt động của đại biểu và Quốc hội; cử tri hoặc đại diện cử tri ở đơn vị bầu cử có thể góp ý kiến với ĐBQH tại hội nghị cử tri do đoàn ĐBQH phối hợp với ủy ban MTTQ và chính quyền địa phương tổ chức trong trường hợp cần thiết.

Ngoài ra, Điều 28 Luật Tổ chức Quốc hội cũng quy định, ĐBQH có trách nhiệm tiếp công dân theo quy định của pháp luật. Khi nhận được khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân, ĐBQH có trách nhiệm nghiên cứu, kịp thời chuyển đến người có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị biết; đôn đốc, theo dõi và giám sát việc giải quyết. Người có thẩm quyền giải quyết phải thông báo cho ĐBQH về kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân trong thời hạn theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp xét thấy việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị không đúng pháp luật, ĐBQH có quyền gặp người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan để tìm hiểu, yêu cầu xem xét lại; khi cần thiết, ĐBQH yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó giải quyết.

Vừa qua, cử tri cả nước đã hoàn thành việc bỏ phiếu bầu ĐBQH khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Tuy nhiên, không phải bầu cử xong là cử tri hết quyền, trách nhiệm. Sau khi bầu cử, cử tri cần theo dõi xem người mình bầu có trúng cử hay không. Trong suốt nhiệm kỳ của các đại biểu, cử tri cần thường xuyên liên hệ để phản ánh ý chí, nguyện vọng của mình, đồng thời thực hiện quyền giám sát các đại biểu... Hy vọng rằng, những đại biểu được cử tri tín nhiệm bầu vào Quốc hội và HĐND các cấp sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ, nói lên ý chí, nguyện vọng của cử tri và không quên quyền lực nhà nước mà mình thực hiện xét đến cùng là do nhân dân giao phó.

Luật sư ĐẶNG VĂN CƯỜNG (Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/bo-phieu-xong-cu-tri-con-co-quyen-trach-nhiem-gi-660973