Bộ phim 'ngớ ngẩn nhất' sắp ẫm giải Oscar?
Bộ phim Mỹ Joker - tạm dịch: Tên hề sát nhân máu lạnh - của Todd Phillipes, với vai chính Joker do Joaquin Phoenix đảm nhận, đang là một hiện tượng điện ảnh, gây nhiều tranh cãi. Chỉ một tuần, băng giới thiệu phim trên mạng thu hút chú ý của hơn 40 triệu người. Đây là một chuyện hi hữu.
Ra mắt ngày 31/8/2019 ở Liên hoan Phim quốc tế Venice, phim được tặng giải Sư tử vàng, giải phim hay nhất. Sau đó, từ đầu tháng 10/2019, bộ phim được công chiếu rộng rãi gần đồng thời ở Italy, Pháp, Hoa Kỳ. Trong nửa tháng, phim đạt nhiều kỷ lục đáng "sợ": 96 triệu USD kỳ nghỉ cuối tuần ra mắt ở Mỹ; 545 triệu USD tuần chiếu đồng loạt đầu tiên cũng ở Hoa Kỳ; hơn 1 tỷ USD doanh thu toàn thế giới; riêng ở Pháp, 5,5 triệu lượt người xem trong rạp…
Nó gây ấn tượng tiếp theo trong mùa giải điện ảnh 2020. Ngày 3/12/2019, nó đứng thứ ba, 4 hạng mục, trong các phim được đề cử nhiều nhất cho Quả cầu vàng. Kết quả, ngày 6-1-2020, Joaquin Phoenix đoạt Quả cầu vàng nam diễn viên chính.
Ngày 7/1/2020, Joker tạo ấn tượng mạnh hơn, khi đứng đầu, với 11 đề cử, trong đó có những mục quan trọng, cho BAFTA, giải điện ảnh thường niên của Xứ sở sương mù.
Đến Oscar 2020 sẽ trao giải vào ngày 10/2/2020 theo giờ Việt Nam, theo loan báo ngày 13/1/2020 của Viện Hàn lâm khoa học và nghệ thuật điện ảnh Hoa Kỳ, kỷ lục 11 hạng mục đề cử cho Joker được lặp lại. Thế tức nó đứng nhất "bảng vàng hy vọng" cho Oscar năm nay, trong đó có những hạng mục chủ yếu như phim chính kịch, đạo diễn, diễn viên nam chính. Nhiều hơn 1917 với 9 đề cử.
"Chiến công" này phụ họa cho việc nó được một đôi hãng truyền thông quốc tế ghi nhận là một kiệt tác điện ảnh. Truyền thông Pháp thì có hãng cho 4/5 điểm, có hãng cho 4,5/5 điểm. Cũng cần nói ngay, không ít hãng Pháp chê bai phim thậm tệ. Kỳ tích đó của Joker gây choáng váng không ít chuyên gia điện ảnh, nhất là của Hoa Kỳ. Hình như thế giới điện ảnh không mấy để ý đến phản ứng xã hội đối với tác phẩm của mình?
Trước hết, Joker bất lương là một đối thủ ngay từ đầu của Người dơi "cứu nhân độ thế", một nhân vật truyện tranh Mỹ xuất hiện 1939. Từ cho trẻ nhỏ, với truyện tranh liên tục ra đời cho tới bây giờ, Người dơi được chuyển lên truyền hình, rồi màn ảnh rộng cho cả người lớn, các phim này được hâm mộ không chỉ ở Hoa Kỳ.
Giữa năm 2017, ý tưởng về một nhân vật Joker trọn nghĩa cho điện ảnh người lớn nảy sinh. Todd Phillipes được chỉ định là đồng tác giả kịch bản rồi đạo diễn (một năm sau đó). Chuyện xảy ra năm 1981, ở thị trấn (hư cấu) Gotham, nơi sinh sống và hoạt động của người dơi. Gotham đang là "mồi ngon" của thất nghiệp, tội phạm và khủng hoảng tài chính, để cho đa phần cư dân lay lắt trong nghèo khổ. Gotham sắp rơi vào hỗn loạn.
Trong hoàn cảnh ấy, chàng trai Arthur Fleck, bị rối loạn tâm thần nhẹ, luôn buồn rầu, làm nghề trình diễn trong một trung tâm hề, để kiếm sống cho mẹ và bản thân. Bệnh tật khiến chàng hay cười rộ bột phát vô duyên, nên chàng bị coi thường và bắt nạt. Một bạn diễn cho chàng một khẩu súng ngắn để phòng thân. Khẩu súng này vô tình trở thành trợ thủ đắc lực để Fleck "thực hiện những cuộc trả thù đời tàn bạo".
Thứ nhất, đối với đồng loại. Một lần, trong khi chờ tàu điện ngầm, chàng chứng kiến ba thanh niên say rượu sàm sỡ một cô gái. Chàng bất chợt cười ré lên, ba chàng kia tưởng bị chế giễu, tấn công chàng. Chàng rút súng tự vệ, bắn chết hai, tiếp tục đuổi theo và bắn chết kỳ được kẻ còn lại.
Thứ hai, đối với đồng nghiệp và bạn hữu. Có lẽ do ghen ăn tức ở, bạn diễn từng cho Fleck súng, vu khống chàng, khi chàng gặp tai nạn nghề nghiệp. Do vậy, chàng bị đuổi việc. Mẹ chàng qua đời, bạn diễn ấy cùng một bạn diễn nữa tới thăm, nhằm giúp chàng. Chàng lấy súng giết ngay kẻ được cho là "phản bạn" ấy. Bạn kia thì được chia tay nhã nhặn và gần như được cảm ơn vì là "người duy nhất tử tế với kẻ tứ cố vô thân".
Thứ ba, đối với nghệ sỹ. Một chương trình độc diễn bị những trận cười sằng sặc vô lối của của Fleck biến thành thảm họa. Một hề bậc thầy của Gotham ghi lại được chương trình ấy, cắt xén khá nhiều, rồi phát lên mạng.
Xem xong, nhiều khán giả đề nghị được mục sở thị tài nghệ của chàng hề khác người. Bậc thầy mời Fleck đến diễn ở sân khấu của ông. Tại đây, bất ngờ Fleck nói to nhận xét không hay ho gì về Gotham và thú nhận mình đã giết ba thanh niện say rượu ghẹo gái. Bậc thầy hết sức khuyên giải y dừng lại… Y bắn ngay vào trán bậc thầy…
Thứ tư, đối với mẹ. Phải nhập viện vì xuất huyết mạch máu não, mẹ viết nhiều thư cho một ông lớn đang làm chức thị trưởng của Gotham, cầu xin ông quan tâm tới Fleck, chính là con ruột của ông. Thì ra thời gian mẹ làm thuê cho ông, hai người đã dan díu và Fleck ra đời. Nhưng ông khôn khéo khiến mẹ phủ nhận sự thật đó, bằng văn bản.
Ông này ngụy tạo, cũng bằng văn bản, rằng Fleck là con nuôi của mẹ, bị mẹ gần như ruồng bỏ. Bạn tình của mẹ thời ấy đã bạo hành Fleck, khiến cậu bị tổn thương và bị bệnh rối loạn tâm thần. Fleck tìm cách tiếp cận ông lớn kia, nhưng bị ông đánh và cự tuyệt.
Hơn nữa, y còn bị tòa thị chính Gotham cắt nguồn tài chính lâu nay vẫn hỗ trợ y theo dõi và chữa bệnh. Trong một cơn nóng giận, y kết tội mẹ coi y chẳng ra gì, và ở ngay giường bệnh của mẹ, y dùng gối đè cổ mẹ đến khi mẹ tắc thở…
Thế là bạo lực vô lý trở thành phương tiện duy nhất để Fleck tự khẳng định. Hẳn y không để ý rằng ngay từ cú bắn bỏ không ghê tay ba gã say rượu, y đã được cộng đồng thừa nhận, qua việc nhiều người thấp cổ bé họng đã làm theo y, lắp mặt nạ anh hề, để chống lại những kẻ giàu lợi dụng họ. Họ tụ tập thành nhóm, thành đoàn.
Nhiều cuộc biểu tình lớn nhỏ của họ đã làm cho Gotham thêm bất an và bất ổn… Họ vô tình cứu y một đôi bận. Dù cuối cùng y cũng rơi vào lòng lao lý. Đúng khi y muốn mọi người dân Gotham thừa nhận y là Joker thực thụ.
Trong điện ảnh, Joker xuất hiện đã ba lần, 1989, 2008 và 2016, trong ba phim đình đám. Nhưng luôn có người dơi làm đối trọng. Lần này, 2019, Joker không có người dơi đi kèm. Đạo diễn Todd Philllips xác định thể loại Joker của ông là bi kịch. Quả thật Joker diễn giải xác đáng căn nguyên của tội phạm nói chung và của bạo lực lì lợm nói riêng ở Gotham.
Ấy là nhóm nhà giàu và giới chức chỉ nghĩ tới lợi ích của mình, lạm dụng và quên hẳn quyền lợi của người lao động, của người nghèo, như mẹ con Arthur Fleck. Chính nhóm đó và giới đó đẩy Fleck tới chỗ trở thành Joker, tàn phá đời sống dân nghèo và sự bình yên của xã hội…
Nhưng do chỉ nghĩ tới câu khách, tới lợi nhuận, nhà sản xuất và phát hành phim, đại diện là hãng Warner Bros, ghi Joker là phim kinh dị tâm lý. "Kinh dị" hướng khán giả vào những pha giết người không còn nhân tính.
Cần ghi nhận một sự thật không chỉ ở Hoa Kỳ: Những tiến bộ của khoa học và công nghệ, sự gia tăng nhanh chóng của giao lưu và hội nhập đẩy một số ngành như nông nghiệp và không ít khu vực "trung chuyển" giữa các nền kinh tế và vùng miền xuống hàng thứ yếu và phụ thuộc. Chất và lượng đời sống một bộ phận không nhỏ dân cư sụt giảm. Mâu thuẫn xã hội mới nảy sinh, việc hóa giải không dễ gì.
Ở những nơi mà tham nhũng gian manh và tàn độc của quan chức là vô phương cứu chữa như Gotham, mâu thuẫn đó càng nhức nhối và những nạn nhân - tội phạm như Joker là khó tránh khỏi.
Arthur Fleck - Joker thuộc thế giới những người cô đơn bất tự nguyện. Đó là "thành phẩm" của xã hội tự hủy diệt, vì chủ nghĩa vị kỷ lan sâu vào mọi tế bào của nó, núp bóng đủ kiểu mỹ từ.
Những người cô đơn lạ lùng ấy tự coi như thất bại, yếu thế, không được chú ý và lắng nghe. Họ cũng biết mình có quyền được thấu hiểu, được tôn trọng và được hưởng tất cả những niềm vui cao quý và trần tục. Song thực tế lại phũ phàng: xã hội quên lãng họ. Sự giận dữ gần như biến thành hận thù, và sự độc ác không còn bị kìm chế.
"Thắng lợi" vang dội của bộ phim ở hàng trăm hàng ngàn phòng vé thật đáng suy ngẫm: đó là sự hả hê được báo thù của triệu triệu con người âm thầm bất mãn xã hội tư bản. Từ những điều tương tự, tờ The Guardian của Anh ghi nhận ngay ngày 2-9-2019: "Về nội dung, Joker của Todd Phillips nói với chúng ta rằng, vì lãng quên thân phận những cá nhân bị nhấn chìm, xã hội mời đến bên trong mình sự hỗn loạn và giết chóc".
Định hướng chuẩn ấy đã bị áp đảo bởi những chiêu trò câu khách và nhằm tới Oscar - các chuyên gia chỉ ra 20 chiêu trò như vậy. Quá đà trong mọi chuyện: Cười sằng sặc vô tội vạ, phá phách như điên và giết người như dã thú. Hầu như tình tiết nào cũng vô hồn.
Cho nên, theo tờ The Daily Telegraph, Anh, 29/9/2019, "đó không phải một phim thâm trầm hoặc tinh tế, nó không độc đáo hay khác lạ. Nó chỉ là một tác phẩm điện ảnh ngớ ngẩn". Chưa bao giờ, "một phim vớ vẩn như thế được chờ đợi sẽ ẵm Oscar cho phim chính kịch hút hồn?!"
Nhiều nhà nghiên cứu cho Joker là nguy hiểm. Vì nó ca ngợi bạo lực. Chí ít cũng về hai điều. Một là phân biệt chủng tộc. Phân biệt chủng tộc làm trầm trọng thêm phân biệt nghề nghiệp, giàu nghèo, lãnh thổ… Hai là bạo lực được coi như giải pháp tối ưu để đòi hỏi công bằng. Bạo lực có thể "ban tặng" thành công tạm thời cho cá nhân hoặc phe nhóm. Nhưng nó không hóa giải được bất ổn và bất an của toàn xã hội.
Thực tế, việc bắt chước những tay anh chị là thường xuyên ở hầu hết mọi cộng đồng. Năm 2007, một người bán sách ở London đã lặp lại gần y chang chuyện giết người phanh thây năm 1888 của Jack the Ripper, sát thủ "ớn lạnh". Phim ảnh kinh dị thường là chất xúc tác cho nhiều vụ sát nhân.
Năm 1996, phim truyền hình Gào thét (Scream) gợi hứng nhiều vụ mà ghê rợn nhất là vụ 2001ở Bỉ: Một chàng trai 24 tuổi bị cô bé hàng xóm 15 tuổi từ chối "quan hệ". Tên này liền ăn vận giống hệt nhân vật đồ tể của phim, đâm nhiều nhát, rồi đặt xác cô bé nằm dài trên giường, tay cô cầm một bông hồng… Đúng như một cảnh trong phim. Hay "Anh hùng" Travis Bickle của phim Mỹ Tài xế taxi, 1976, đưa đến vụ ám sát hụt tổng thống Ronald Reagan, do John Hincley tiến hành năm 1981…
Chưa kể nhiều vụ xả súng vào các tập thể học sinh, quán xá… ngay ở Hoa Kỳ. Thủ phạm đều bắt đầu hoặc có liên quan từ "tấm gương" của các nhân vật kiểu Joker. Tự tử, thực thi công lý, bênh vực người nghèo... diễn ra liên tục trên phim. Khi Joker ra rạp đồng loạt ở Mỹ, cảnh sát đều phải canh phòng cẩn mật. Sợ lặp lại chuyện đau năm 2012, khi Kị sỹ đen vùng lên vừa chiếu, đã xảy ra một vụ xả súng hãi hùng…