Bộ phim 'Phượng khấu': Chưa như kỳ vọng
Khoảng 1 năm qua, dự án phim Phượng khấu được giới thiệu khá rầm rộ trên các diễn đàn. Tuy nhiên, khi công chiếu, nhiều khán giả đã cảm thấy thất vọng và tiếc cho một bộ phim lịch sử.
Khởi chiếu vào 20 giờ thứ Năm hàng tuần trên ứng dụng POPS từ ngày 5-3, bộ phim Phượng khấu (chiếc khuy áo hình chim phượng) đã gửi tới khán giả 5/8 tập của phần 1. Bộ phim khai thác câu chuyện chốn hậu cung triều Nguyễn với nội dung xoay quanh cuộc đời của Từ Dụ Hoàng thái hậu Phạm Hiệu Nguyệt. Bối cảnh phim diễn ra trong 7 năm trị vì của vua Thiệu Trị. Với quan điểm hậu cung như chính sự, các nhà làm phim đã cố gắng thể hiện những cuộc tranh đấu của các phi tần để tranh quyền, đoạt vị. Ở đó, bà Hiệu Nguyệt được sự sủng ái của vua nên bị các cung phi ganh ghét, đố kỵ, lập mưu hãm hại, buộc bà phải đứng lên tự bảo vệ mình. Từ Dụ Hoàng thái hậu đã vượt qua tất cả để đưa con trai Hồng Nhậm lên ngôi hoàng đế (tức vua Tự Đức) và bà trở thành mẫu nghi thiên hạ triều Nguyễn trong hơn 60 năm.
Ngay từ những lời giới thiệu đầu tiên về bộ phim, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh cùng ê-kíp làm phim đã luôn thể hiện đây là bộ phim ngoại sử, cổ trang, cung đấu đầu tiên của Việt Nam. Điều này, cùng với sự tham gia của dàn diễn viên gạo cội ở miền Nam như: Lê Thiện, Thành Lộc, Hồng Đào, Hồng Vân, Tuyết Thu, Ngọc Hiệp, Minh Nhí… như một sự bảo chứng cho chất lượng của phim. Một điểm đáng khen của phim chính là sự đầu tư về trang phục. Điểm cộng khác chính là việc cố gắng thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống từ lễ nghi, phép tắc đến ẩm thực, vui chơi chốn cung đình.
Phim Phượng khấu bắt đầu thực hiện phần 1 gồm 8 tập từ đầu năm 2019 với kinh phí hơn 16 tỷ đồng. Bộ phim được chiếu độc quyền trên ứng dụng POPS - ứng dụng xem nội dung giải trí trực tuyến được ra mắt vào cuối năm 2019.
Vậy nhưng, những điều đó không khỏa lấp thực tế qua 5 tập phim được làm chưa tới. Dù không thể so sánh với những bộ phim hậu cung của nước ngoài, nhưng quả thực cách chuyển tải nội dung phim của Phượng khấu vẫn chưa thực sự hấp dẫn. Những mưu mô, thủ đoạn của các phi tần vẫn còn quá nhẹ đô nên chưa khiến khán giả yêu thương hay căm phẫn về một ai đó. Nội dung chính của phim muốn thể hiện về Từ Dụ Hoàng thái hậu, nhưng bộ phim đã đi qua 2/3 mà vai trò của nhân vật chính vẫn quá mờ nhạt. Điều này có thể do những người làm phim đã cố gắng bám sát diễn tiến lịch sử nên không dám sử dụng các thủ pháp nghệ thuật để làm bật nổi hình tượng nhân vật chính.
Diễn xuất của các diễn viên trong phim cũng là một hạn chế. Việc đạo diễn lựa chọn những diễn viên lớn tuổi, giàu kinh nghiệm diễn xuất để đảm đương các vai nhằm tìm kiếm sự an toàn cho phim nhưng độ tuổi của các diễn viên hầu như đều quá so với tuổi thực tế của các nhân vật. Chẳng hạn, nhân vật vua Thiệu Trị khi lên ngôi ở tuổi 34, nhưng lại do nghệ sĩ Thành Lộc đã 59 tuổi đảm nhận. Tương tự, các nhân vật phi tần của vua Thiệu Trị đều không hợp tuổi. Trong phim sử dụng rất nhiều cảnh quay đặc tả nhân vật càng làm lộ rõ sự chệnh lệch tuổi tác. Hầu hết các diễn viên đều xuất thân từ sân khấu kịch, nên cách sử dụng đài từ, điệu bộ, cử chỉ vẫn mang nặng diễn xuất của kịch hơn là phim. Nhiều cảnh quay, khán giả có cảm tưởng như đang xem kịch nói chứ không phải xem phim.
Phần âm thanh và hình ảnh của phim cũng nhận được nhiều góp ý của khán giả trên các diễn đàn. Các cảnh 3D về hình ảnh hoàng thành được dựng vẫn còn lộ nhiều nhược điểm. Phim chủ yếu sử dụng cảnh quay trong phòng, ít ngoại cảnh nên dễ khiến khán giả có cảm giác như xem phim sitcom cổ trang chứ không phải là phim truyện. Âm thanh của phim quá đà, nhiều đoạn ồn ào, khiến mạch phim bị ảnh hưởng…
Phim Phượng khấu chỉ còn 3 tập nữa là hết phần 1, nhưng những gì diễn ra thực sự khiến khán giả tiếc nuối, trái với sự háo hức ban đầu.
Giang Đình