Bộ phim tài liệu 'nói hộ' áp lực sinh con của phụ nữ Trung Quốc
Phim tài liệu 'Wonderful Birth' giúp mọi người có cái nhìn rõ ràng hơn về những áp lực mà phụ nữ Trung Quốc trong độ tuổi sinh đẻ phải đối mặt, đồng thời cũng khắc họa những hy sinh mà họ phải chịu đựng khi mang thai và sinh con.
Trong bộ phim, Wenxia, một phụ nữ 35 tuổi đã trải qua hai lần thụ tinh nhân tạo thất bại. Mục tiêu duy nhất của cô là có con và sinh con, nhưng với người chồng điều đó vẫn chưa đủ. Anh ta muốn ly hôn vì những lần thụ thai không thành.
Một đoạn phim khác khắc họa người phụ nữ tên Dandan khao khát có con để đáp lại tình yêu của chồng và "đóng góp" thành viên mới cho gia đình.
Ngoài ra, người xem cũng sẽ bắt gặp tình cảnh đáng thương của cặp vợ chồng Weng và Yu. Sau khi mất đứa con duy nhất Dongdong, cặp đôi đã nhiều lần cố gắng thụ tinh trong ống nghiệm nhưng đều không thành công.
Những câu chuyện này là một phần của loạt phim tài liệu mới mang tên "Wonderful Birth", với mạch chính nội dung xoay quanh những thử thách và khó khăn khi lập gia đình ở Trung Quốc.
Bộ phim do Yang Yuancao sản xuất và Chen Lu đạo diễn. "Wonderful Birth" đã được công chiếu trên Youku.com - phiên bản YouTube của Trung Quốc vào ngày 29 tháng 4.
"Wonderful Birth" lấy bối cảnh tại một bệnh viện ở Thượng Hải, sử dụng các công nghệ hỗ trợ sinh sản. Bộ phim khai thác câu chuyện của các gia đình Trung Quốc gặp khó khăn trong vấn đề sinh con.
Chúng ta đều có những hoàn cảnh khác nhau, xuất thân khác nhau, câu chuyện cuộc đời khác nhau; tôi không có quyền phán xét. Tôi hy vọng bộ phim tài liệu này có thể giúp mọi người quan tâm hơn đến sức khỏe và sự lựa chọn của phụ nữ
Nhà sản xuất "Wonderful Birth" - Yang Yuancao viết trên Weibo
Theo đó, bộ phim tài liệu đã tạo ra một cuộc thảo luận sôi nổi ở Trung Quốc. Trên Weibo, chủ đề này nhận được hơn 150 triệu lượt quan tâm, và nhiều lượt đánh giá 5 sao trên Douban, một trang mạng xã hội thảo luận liên quan đến các sự kiện phim, sách, nhạc tại Trung Quốc.
Một tài khoản Douban chia sẻ: "Tôi khuyên tất cả phụ nữ và nam giới trong độ tuổi sinh sản nên xem phim tài liệu này".
Một người khác viết: "Là một người vừa mới sinh con, tôi đặc biệt đồng cảm với những người phụ nữ trong bộ phim tài liệu. Ai cũng có nỗi đau và nỗi buồn, nhưng phụ nữ chắc chắn phải đối mặt với nhiều áp lực về việc có con hơn nam giới ".
Xã hội Trung Quốc từ lâu đã đặt áp lực lên những người trẻ tuổi lập gia đình, đặc biệt là truyền thống thích con trai. Nhưng ngày nay, giới trẻ không mấy mặn mà với chuyện có con. Tình hình trở nên cấp bách hơn trong những năm gần đây khi dữ liệu cho thấy dân số Trung Quốc đang già đi nhanh chóng.
Theo điều tra dân số lần thứ 7 được công bố vào đầu tháng 5 này, tỷ lệ tăng dân số giữa năm 2019 và 2020 là dưới 1%. Số trẻ sơ sinh ở Trung Quốc đã giảm năm thứ tư liên tiếp, và chỉ còn 12 triệu trẻ sơ sinh vào năm 2020.
Tháng 1/2021, chính sách "30 ngày hòa giải" của Chính phủ Trung Quốc chính thức có hiệu lực, áp dụng cho các cặp vợ chồng muốn ly hôn. Trong khoảng thời gian 30 ngày tạm hoãn thủ tục này, yêu cầu ly dị sẽ bị hủy bỏ nếu một trong hai người thay đổi ý định. Ngoài ra, Chính phủ cũng đã đưa ra nhiều chiến dịch quảng cáo khuyến khích người dân sinh thêm con trước tình trạng dân số ngày càng già hóa của quốc gia.
Trong khi thực hiện bộ phim, đạo diễn Chen cho biết ban đầu cô cảm thấy buồn vì phụ nữ coi việc có con là ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống và rất tức giận vì nhiều bậc cha mẹ đã đặt áp lực này lên vai họ. "Nếu họ không coi việc có con là ưu tiên quan trọng nhất, họ sẽ không biết phải làm gì với cuộc sống của mình".
"Tôi muốn thuyết phục cô ấy từ bỏ việc có con, nhưng nhìn cách cô ấy và chồng thực sự muốn có một đứa trẻ, tôi không tài nào nói ra được" - Lời chia sẻ của Alice Chen, một phụ nữ ở Bắc Kinh có bạn nhiều lần thụ tinh trong ống nghiệm không thành công.
Alice Chen, một phụ nữ sống tại Bắc Kinh cho biết cô đã chứng kiến bạn mình trải qua nhiều đợt điều trị y tế để được tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm. Bạn cô đã phải tốn 50.000 NDT (hơn 180 triệu đồng) cho mỗi lần tiến hành, và đã trải qua ba lần thử. Theo đó, khi tiến hành điều trị, một mũi tiêm kích thích rụng trứng kết hợp việc sử dụng thuốc sẽ gây ảnh hưởng đến cơ thể phụ nữ, tuy nhiên vẫn không thể đảm bảo thành công.
Trước đó, bộ phim tài liệu This is Life của đạo diễn Chen Weijun ra mắt hồi năm 2016 cũng xoay quanh chủ đề tương tự và tạo ra nhiều tiếng vang lớn. Bộ phim theo chân các bác sĩ khoa sản tại Bệnh viện Trung Nam thuộc Đại học Vũ Hán chứng kiến nhiều tình cảnh nguy nan trong các cuộc phẫu thuật liên quan đến sinh nở.
Trong quá trình đó, các bác sĩ phải đối mặt với những quyết định khó khăn, chẳng hạn như có nên cắt bỏ buồng trứng để giữ lấy mạng của người phụ nữ hay không mặc dù mong muốn của gia đình là giữ lại buồng trứng để có thể sinh thêm con trong tương lai.
Nguồn: SCMP