Bỏ quản lý bằng sổ hộ khẩu: Bước đột phá cần thiết

Bỏ quản lý bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy, chuyển đổi sang phương thức quản lý hiện đại bằng mã số định danh cá nhân để truy cập, cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú. Quy định mới chính thức được đưa ra trong Dự án Luật Cư trú (sửa đổi) vừa trình Quốc hội, ngay lập tức đã nhận được sự ủng hộ cao của cả người dân và đại biểu Quốc hội.

 Phần lớn công dân thực hiện các TTHC đều cần đến sổ hộ khẩu (Ảnh chụp tại Sở Tư pháp Hà Nội). Ảnh: Thái San

Phần lớn công dân thực hiện các TTHC đều cần đến sổ hộ khẩu (Ảnh chụp tại Sở Tư pháp Hà Nội). Ảnh: Thái San

Câu chuyện bỏ quản lý dân cư bằng quyển sổ hộ khẩu giấy, tích hợp tất cả thông tin trong số định danh cá nhân đã được bàn thảo rất nhiều lần và lần này chính thức được đề nghị Luật hóa. Như nhiều ý kiến nhận định, bước đột phá này giống như làm được cuộc cách mạng, không khác gì việc bỏ sổ gạo ngày xưa, thứ là nỗi ám ảnh với nhiều người.

Sổ hộ khẩu, ngoài việc giúp cơ quan Nhà nước, quản lý cư trú và di - biến động về dân cư, còn là loại giấy tờ gắn với từng người, từng gia đình. Cuốn sổ hộ khẩu đã tồn tại gần 70 năm qua với một “quyền năng” không nhỏ đối với nhiều thế hệ. Nếu trong thời bao cấp, cuốn sổ hộ khẩu luôn đi kèm với sổ gạo, việc làm… thì ngày nay vẫn gắn với không ít thủ tục, giấy tờ, trong đó có cả việc học hành. Trên thực tế, đã có rất nhiều vấn đề nảy sinh từ cuốn sổ hộ khẩu. Ví dụ như người các tỉnh lên TP làm ăn, con cái không học được trường gần vì không có sổ hộ khẩu. Hay chuyện mua nhà, mua xe, đi đâu cũng “kè kè” gắn với cái sổ hộ khẩu. Sổ hộ khẩu giấy là điều cần thiết và bắt buộc trong không ít các thủ tục hành chính thông thường mà hầu hết các gia đình đều ít nhiều cần đến. Rồi cũng bởi những ràng buộc này, mà không ít tiêu cực cũng nảy sinh từ việc “gian lận” để có hộ khẩu.

Bỏ sổ hộ khẩu giấy không có nghĩa là bỏ quản lý dân cư, chỉ là thay đổi phương thức quản lý hiện đại và phù hợp hơn. Với việc quản lý dân cư bằng mã số định danh cá nhân, sẽ giúp bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ 13 nhóm thủ tục hành chính liên quan đăng ký thường trú, tạm trú. Còn theo phân tích của các chuyên gia, bỏ hộ khẩu giấy, sẽ giảm đến hàng nghìn thủ tục hành chính có yêu cầu thông tin cơ bản về công dân hoặc xuất trình, nộp bản sao.

Năm 2017, sau khi Chính phủ có Nghị quyết 112/NQ-CP về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư để thống nhất việc quản lý bằng mã số định danh cá nhân, một số địa phương đã thí điểm hộ khẩu điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính, tạo những bước tiến mới, vững chắc trên nền tảng công nghệ thông tin. Việc quản lý cư trú theo bằng số định danh sẽ bảo đảm được sự minh bạch, công khai, góp phần hạn chế sự sách nhiễu, lạm quyền, tạo thuận lợi cho người dân và phù hợp sự phát triển của xã hội.

Đã đến lúc cần thúc đẩy sớm việc này khi mà rất nhiều nước đã không còn quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu từ lâu. Dẫn chứng sinh động nhất về hiệu quả của phương thức quản lý mới đã được lấy ví dụ từ chính thành công của một số nước trong việc kiểm soát dịch Covid-19 vừa qua. Chính nhờ phương thức quản lý dân cư hiện đại, chỉ cần một thiết bị định danh, định vị hình thức như thẻ hoặc vòng đeo tay mà người dân nào, cư trú ở đâu, đi đâu, có ở nơi tập trung đông người không… cơ quan quản lý Nhà nước đều nắm được.

Khâu chuẩn bị để thực hiện quy định mới này còn nhiều nội dung, trong đó có tiến độ cấp mã số định danh cho mỗi công dân, việc xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Nhưng với sự nỗ lực của các ngành, đặc biệt sự ủng hộ của người dân, quy định này chắc chắn sẽ khả thi trong thực tiễn.

Trần Hà

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/bo-quan-ly-bang-so-ho-khau-buoc-dot-pha-can-thiet-385187.html