Bộ Quốc phòng Mỹ đưa Xiaomi và 8 công ty Trung Quốc vào 'sổ đen'
Chính quyền Trump đẩy mạnh các động thái cứng rắn với Trung Quốc trong những ngày cuối nhiệm kỳ bằng việc thêm một số công ty, bao gồm Xiaomi, vào danh sách đen.
Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 14/1 thêm 9 công ty vào danh sách những doanh nghiệp có liên hệ với quân đội Trung Quốc, nâng tổng số đơn vị trong danh sách này lên 44, theo Reuters.
Các công ty mới bị thêm vào gồm nhà sản xuất điện thoại Xiaomi và nhà sản xuất máy bay quốc doanh Comac (Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc).
Comac vốn là trọng tâm trong kế hoạch của Trung Quốc nhằm sản xuất máy bay thân nhỏ có thể cạnh tranh với Boeing và Airbus.
Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington, công ty Xiaomi và Comac chưa đưa ra bình luận về động thái của Bộ Quốc phòng Mỹ.
Keith Krach, Thứ trưởng phụ trách phát triển kinh tế, năng lượng và môi trường tại Bộ Ngoại giao Mỹ, nói với các phóng viên rằng chính quyền Trump sẽ không thêm công ty nào vào danh sách đen trong những ngày còn lại.
Ngày 13/1, các nguồn tin nói chính quyền Trump hủy bỏ kế hoạch thêm các tập đoàn công nghệ Alibaba, Tencent và Baidu của Trung Quốc vào danh sách đen.
Dù vậy, ông Krach nói các hãng Alibaba, Tencent và Baidu “có tính chiến lược cao” đối với quân đội Trung Quốc, theo South China Morning Post.
Động thái mới nhất của Bộ Quốc phòng Mỹ tiếp nối bước đi hôm 14/1 của Bộ Thương mại nước này, qua việc thêm tập đoàn dầu khí quốc doanh Trung Quốc CNOOC - chủ sở hữu giàn khoan HD-981 - vào danh sách đen kinh tế.
Bộ Thương mại Mỹ cáo buộc CNOOC giúp Bắc Kinh đe dọa các nước láng giềng ở Biển Đông.
"Các hành động liều lĩnh, hiếu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông, cũng như việc nước này thúc đẩy việc tìm kiếm tài sản trí tuệ, công nghệ nhạy cảm cho các nỗ lực quân sự hóa, là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Mỹ và an ninh của cộng đồng quốc tế", Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross cho biết trong tuyên bố ngày 14/1.
"Tập đoàn Dầu khí Hải dương (CNOOC) đóng vai kẻ bắt nạt cho Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) để đe dọa các nước láng giềng, và quân đội Trung Quốc tiếp tục hưởng lợi từ các chính sách hợp nhất dân sự - quân sự của chính phủ cho các mục đích xấu", Bộ trưởng Ross nói thêm.
Tập đoàn Dầu khí Hải dương (CNOOC) là chủ của giàn khoan Hải Dương 981 từng xâm phạm vùng biển Việt Nam năm 2014.
Hành động ngang ngược này vấp phải sự bất bình mạnh mẽ của công luận thế giới.
Hồi tháng trước, CNOOC cũng nằm trong 4 công ty do quân đội Trung Quốc sở hữu hoặc kiểm soát bị Bộ Quốc phòng Mỹ đưa thêm vào danh sách đen.
Trước đó, vào tháng 8/2020, tập đoàn này, cùng với 24 công ty Trung Quốc tham gia bồi đắp và quân sự hóa trái phép các thực thể tranh chấp trên Biển Đông, bị đưa vào danh sách trừng phạt của Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại Mỹ.