Bộ Quốc phòng tổ chức tập huấn toàn quốc Luật Cảnh sát biển
Sáng 18-9, Bộ Quốc phòng tổ chức hội nghị trực tuyến tập huấn toàn quốc Luật Cảnh sát biển (CSB) Việt Nam tại 75 điểm cầu. Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị tại điểm cầu Hội trường Bộ Quốc phòng có đại biểu Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Ban Đối ngoại Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương; đại biểu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ… Thủ trưởng Bộ tư lệnh các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh đoàn, binh chủng, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng… Đại biểu lãnh đạo UBND, Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại biểu lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của các tỉnh, thành phố; đại biểu lãnh đạo các huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tham dự Hội nghị tập huấn tại điểm cầu Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ chỉ huy quân sự 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển.
Cùng dự hội nghị có Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó tổng Tham mưu trưởng và đại diện lãnh đạo các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng.
Trong thời gian tập huấn, các đồng chí cán bộ lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương được các đồng chí báo cáo viên thuộc Viện Chiến lược Quốc phòng và Bộ tư lệnh CSB giới thiệu chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về quản lý, bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc; Nội dung cơ bản của Luật CSB Việt Nam và những nội dung chính trong Nghị định số 61/2019/NĐ-CP ngày 10-7-2019 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật CSB Việt Nam. Về chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về quản lý, bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc. Xác định mục tiêu, quản lý, bảo vệ biển, đảo Việt Nam là: Kiên quyết giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc trên biển; giữ vững ổn định chính trị trong nước, giữ vững môi trường hòa bình ổn định lâu dài là lợi ích cao nhất để xây dựng và phát triển đất nước.
Khẳng định chủ quyền Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và chủ trương giải quyết các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ cũng như các bất đồng khác liên quan đến Biển Đông thông qua thương lượng hòa bình trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng pháp luật quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp quốc về Luật biển 1982, tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa; trong khi nỗ lực thúc đẩy đàm phán để tìm giải pháp cơ bản và lâu dài, các bên liên quan cần duy trì ổn định trên cơ sở giữ nguyên trạng, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Các bên cần thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC-2002); Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về vấn đề Biển Đông (2012); Tuyên bố chung của Hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc kỷ niệm 10 năm tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (2012) đồng thời, sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Phát biểu tại hội nghị, Trung tướng Nguyễn Tân Cương nhấn mạnh: Luật CSB Việt Nam ra đời là kết quả của hoạt động lập pháp quan trọng nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan tới quản lý, bảo vệ biển đảo Việt Nam trong tình hình mới. Đồng thời, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về biển, đảo Tổ quốc; thể hiện tuyên bố mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước ta về quyết tâm bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển bằng các biện pháp pháp luật, hòa bình, phù hợp với pháp luật quốc tế.
Luật CSB Việt Nam xác định CSB biển Việt Nam là lực lượng chức năng của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật trên biển đã gửi một thông điệp quan trọng tới toàn thế giới: CSB Việt Nam là lực lượng chức năng của Nhà nước Việt Nam, làm nòng cốt thực thi pháp luật, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển bằng biện pháp pháp luật, dân sự, hòa bình. Thể hiện Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, quyết tâm xây dựng vùng biển hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển. Luật CSB Việt Nam cũng là cơ sở chặt chẽ để lực lượng CSB Việt Nam thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển bằng biện pháp pháp luật; bảo vệ tài nguyên, môi trường, tính mạng, tài sản của tổ chức, cá nhân, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển; nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển. Qua đó, góp phần thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 nhằm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển.